Tiếng Việt | English

27/09/2022 - 08:23

Bảo đảm quyền lợi người bị tai nạn lao động

Tai nạn lao động (TNLĐ) để lại nỗi đau dai dẳng, không chỉ là vết thương về thể xác, tinh thần mà còn là gánh nặng mưu sinh cho mỗi gia đình. Để bảo vệ quyền lợi người bị TNLĐ và hạn chế các vụ TNLĐ, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh xung quanh vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh (bìa trái) thăm và tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và dịch vụ Mỹ phẩm Vạn Phúc (huyện Tân Trụ) vì thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động

PV: Ông cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra bao nhiêu vụ TNLĐ? Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ?

Ông Nguyễn Đại Tánh: Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ TNLĐ, làm tử vong 6 người và bị thương 4 người. Nguyên nhân các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu do người sử dụng lao động chưa quan tâm đến việc huấn luyện an toàn lao động cho người lao động (NLĐ), nhất là những lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi mức độ nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động; thiết bị không bảo đảm an toàn lao động; NLĐ vi phạm quy trình an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, bất cẩn, chủ quan,…

PV: Khi NLĐ bị TNLĐ, điều kiện để được hưởng chế độ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đại Tánh: Không phải NLĐ nào khi bị TNLĐ cũng được hưởng chế độ mà cần phải đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật. Cụ thể, căn cứ vào Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, NLĐ bị TNLĐ được hưởng chế độ khi có đủ các điều kiện sau:

Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.

Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.

Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

PV: Ông có thể thông tin rõ thêm về hồ sơ, thủ tục để hưởng chế độ TNLĐ?

Ông Nguyễn Đại Tánh: Để được hưởng chế độ TNLĐ, NLĐ phải làm hồ sơ và thủ tục hưởng theo quy định của pháp luật. Tại Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ như sau: “Sổ bảo hiểm xã hội; giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ đối với trường hợp nội trú; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ; biên bản điều tra TNLĐ, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh (bìa trái) thăm và tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Công ty TNHH Viva Vina (huyện Đức Hòa) vì thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động

Ngoài ra, căn cứ Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ gồm 2 bước:

Bước 1, nộp hồ sơ: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ.

Bước 2, giải quyết hồ sơ và trả kết quả: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

PV: Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có những giải pháp gì để góp phần hạn chế TNLĐ?

Ông Nguyễn Đại Tánh: Chỉ vì một phút lơ là, mất cảnh giác, TNLĐ có thể xảy ra bất cứ lúc nào; nhất là ở những lĩnh vực, ngành nghề cần nghiêm ngặt về an toàn lao động. Thế nhưng từ thực tế, chúng ta có thể phòng ngừa TNLĐ bằng việc nghiêm túc chấp hành tốt các quy định của pháp luật về lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho NLĐ, nhất là người sử dụng lao động và NLĐ phải tự ý thức phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, NLĐ và cộng đồng về tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường công tác giám sát, thanh, kiểm tra; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động,...

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Ngọc(thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Bí quyết tạo cv hiệu quả