Tiếng Việt | English

26/09/2022 - 18:00

Nỗi đau tai nạn lao động

Chỉ một phút bất cẩn hay sự cố ngoài ý muốn, nhiền nạn nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ) đã vĩnh viễn ra đi hoặc mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Anh Võ Duy Ân bị tai nạn lao động khiến cơ thể bị khiếm khuyết

1. Cách đây 10 năm, anh Võ Duy Ân (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) bị TNLĐ. Từng là trụ cột kinh tế gia đình, giờ đây, anh chỉ có thể quanh quẩn ở nhà. Được biết, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ học sớm để đi làm thuê, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cách đây 10 năm, anh xin vào làm việc tại một doanh nghiệp nhỏ, đảm nhận công việc xay thức ăn cho cá. Trong thời gian làm việc, do không cẩn thận, tay trái của anh bị cuốn vào máy khiến bàn tay, cổ tay và một phần cánh tay bị giập nát buộc phải cắt bỏ. Khi bị tai nạn, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ anh một khoản tiền trong thời gian nằm viện điều trị bởi không có một ràng buộc pháp lý nào. Và để có tiền làm phẫu thuật, gia đình anh phải vay mượn khắp nơi.

Được biết, anh Ân là con trai duy nhất trong gia đình, nuôi cha mẹ già, vậy mà TNLĐ đã biến anh trở thành gánh nặng. Anh Ân cho biết: “Thấy cha mẹ già thường xuyên đau yếu mà phải chăm sóc cho tôi, tôi buồn lắm! Sau khi làm phẫu thuật cắt bỏ cánh tay, tôi thấy mình thật vô dụng, nhiều lúc chỉ muốn chết. Lúc đó, cha mẹ luôn ở bên động viên tôi. Giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy hối hận và có lỗi với cha mẹ rất nhiều”.

Hiện cha mẹ anh Ân đã qua đời, anh sống một mình. Chia sẻ với hoàn cảnh của anh, xã tạo điều kiện cho anh nhận trợ cấp 540.000 đồng/tháng theo đối tượng người khuyết tật. Anh cũng mua vịt về nuôi để có tiền trang trải cuộc sống. Anh Ân cho biết thêm: “Lúc còn sống, cha mẹ muốn tôi cưới vợ nhưng mặc cảm về bản thân khiếm khuyết và không có nghề nghiệp ổn định nên sợ cưới vợ về sẽ không lo được cho vợ con, cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Nếu như ngày đó tôi làm việc cẩn thận thì sẽ không có câu chuyện buồn của ngày hôm nay”.

2. Cũng vì TNLĐ, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) phải vĩnh viễn mất đi người chồng, con chị mất đi người cha. Chị Kiều Oanh nhớ lại: “Chồng tôi rất siêng năng, chăm chỉ. Trước đó, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do một tay anh lo liệu, còn tôi chỉ ở nhà lo nội trợ. Tôi mãi không quên cái ngày bi thảm đó, anh mất đi là một mất mát lớn với mẹ con tôi. Giờ đây, tôi vừa làm mẹ, vừa làm cha để lo cho con. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn”.

Phòng ngừa tai nạn lao động cần sự ý thức từ người sử dụng lao động và người lao động

Anh Phan Thanh Tuyền (chồng chị Oanh) làm nghề sửa máy, trong lúc làm việc, do bất cẩn bị điện giật. Phát hiện sự việc, những người xung quanh nhanh chóng ngắt hệ thống điện, sơ cấp cứu và đưa đến bệnh viện nhưng anh Tuyền không qua khỏi. Anh ra đi khi đứa con gái mới học lớp 7. Em Phan Nguyễn Ngọc Duy (con anh Tuyền) nghẹn ngào nói: “Cha mất bỏ lại hai mẹ con bơ vơ, không nơi nương tựa. Đêm nào hai mẹ con cũng ôm nhau khóc vì nhớ cha. Gần 4 năm sau, gia đình em mới nguôi ngoai và cân bằng được cuộc sống. Thương mẹ vất vả, em cố gắng chăm ngoan, học giỏi để có nghề nghiệp ổn định, sau này thay cha chăm sóc mẹ”.

Phần lớn những người bị TNLĐ là trụ cột trong gia đình nên khi họ mất đi hoặc bị tai nạn mất sức lao động thì mọi gánh nặng sẽ dồn lên vai những người thân trong gia đình. Để hạn chế số vụ TNLĐ thì cần sự chú tâm từ cả hai phía, trong đó người sử dụng lao động cần chú ý đến việc trang bị bảo hộ lao động, bảo đảm môi trường làm việc an toàn; còn người trực tiếp lao động cần tuân thủ quy định làm việc, sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi vào làm việc./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Tổng hợp tin đăng làm việc mới nhấtTổng hợp tin đăng việc làm mới nhấtHướng dẫn tìm việc tại VietnamWorks
Liên kết hữu ích