Tiếng Việt | English

02/04/2024 - 08:46

Bến Lức: Số hóa di tích góp phần quảng bá du lịch

Việc số hóa các di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH) được huyện Bến Lức, tỉnh Long An triển khai nhằm mang lại những hiệu quả tích cực trong quảng bá di tích, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Đoàn xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức hướng dẫn đoàn viên, thanh niên và người dân quét mã QR tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương

Những dấu ấn lịch sử hiện còn lưu giữ tại 10 điểm DTLSVH trên địa bàn huyện Bến Lức, trong đó có 2 di tích được công nhận DTLSVH cấp quốc gia, 8 di tích được công nhận cấp tỉnh. Huyện Đoàn phối hợp các đơn vị truyền thông xây dựng kịch bản thuyết minh, thu âm nội dung, chụp ảnh, quay video và chuyển thành dữ liệu số. Chỉ với điện thoại thông minh có kết nối Internet và quét mã QR, người dân có thể biết được thông tin về những DTLSVH trên địa bàn huyện. Tất cả những thông tin này đều được kiểm duyệt chặt chẽ, bảo đảm chính xác.

Ông Hồ Văn Xộn (xã Nhựt Chánh) chia sẻ: “Việc số hóa các DTLSVH rất hay, thuận lợi, giúp người dân tìm hiểu về các di tích như Đình Mương Trám, Cầu Nam Bộ, Xóm Trầu, Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn,... Qua đây, tôi hiểu hơn về những người con ưu tú của quê hương đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng”.

Số hóa là “cầu nối” đưa di tích lịch sử - văn hóa đến gần hơn với cộng đồng

Bí thư Đoàn xã Nhựt Chánh - Nguyễn Thị Hồng Thanh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Huyện Đoàn, đến nay, Đoàn xã triển khai công trình số hóa các DTLSVH đến 100% chi đoàn ấp và trường học. Số hóa các di tích góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên và học sinh một cách thiết thực, hiệu quả hơn. Thay vì tìm hiểu trên Internet, hiện nay, đa số đều có điện thoại thông minh nên chỉ cần quét mã QR là có thể dễ dàng tìm hiểu về các DTLSVH ở địa phương”.

Hiện nay, Huyện Đoàn Bến Lức thực hiện số hóa 10 DTLSVH. Những thông tin về các DTLSVH tại địa phương đã được đăng tải lên bản đồ số các địa danh lịch sử gắn với tuổi trẻ của Trung ương Đoàn. Bí thư Huyện Đoàn Bến Lức - Nguyễn Thị Thu Kiều cho biết: “Việc số hóa các DTLSVH trên địa bàn huyện không chỉ cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả mà còn phát huy tinh thần xung kích, sức sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, qua đó giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch,...

Công trình còn là “cầu nối” đưa DTLSVH đến gần hơn với cộng đồng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương, quảng bá hình ảnh di tích đến với nhiều người”./.

V.Hằng - K.Phượng

Chia sẻ bài viết