Gia đình đầy ắp tiếng cười của ông Trần Văn Nuôi
Hạnh phúc từ mái ấm gia đình
Theo chân Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đến ấp An Bình thăm gia đình ông Trần Văn Nuôi (SN 1940), chúng tôi ấn tượng với lối vào nhà rực sắc hoa do chính tay ông vun trồng. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi cũng phần nào cảm nhận được sự lạc quan, hạnh phúc từ “tổ ấm” này. Đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở, dăm ba câu nói đùa cùng người dẫn đường - cũng là hàng xóm của mình, ông nhanh chóng gọi bà xã và con cháu ra chào khách. Các thành viên trong gia đình ai nấy đều hiếu khách, hân hoan cười nói như vừa đón người thân ở xa mới về. Bên bàn trà, ông Nuôi không giấu được sự tự hào khi kể về tổ ấm bền vững gần 60 năm của mình.
Miệng cười móm mém, ông chia sẻ: “Ngày trước, theo sự sắp xếp của cha mẹ, vợ chồng tôi đến với nhau nhờ mai mối nhưng thương nhau lúc nào chẳng hay, thế rồi “sống đời ở kiếp”, 6 mặt con gồm 3 trai, 3 gái, đứa nào cũng hiếu thuận, thảo hiền. Có được “tổ ấm” như vầy thì chẳng còn hạnh phúc nào hơn!”.
Vợ ông - bà Nguyễn Thị Hóa năm nay đã 74 tuổi, tai lãng, mắt cũng kém nhưng nhớ rất rõ chuyện xưa. Hướng ánh mắt trìu mến sang ông, bà kể: “Đến tận lúc cưới, tôi mới biết mặt ông ấy, vậy mà ở bên nhau đến tận bây giờ. Bao nhiêu năm qua, vợ chồng chưa bao giờ to tiếng, ông ấy lúc nào cũng nhường nhịn vợ, thương con, gánh vác chuyện gia đình. Nhà nghèo nhưng chúng tôi cố gắng lo cho các con được học hành. Anh em tụi nó thương yêu nhau lắm, đứa lớn học xong thì phụ cha mẹ lo cho đứa nhỏ, cứ thế, đứa nào cũng có việc làm ổn định”.
Đến giờ, ông bà đã có đầy đủ cháu nội, ngoại và cả cháu cố, mỗi khi có thời gian là con cháu lại về thăm nên ngôi nhà nhỏ này thường xuyên rộn rã tiếng cười. Chị Lê Ngọc Ngoãn - con dâu út của ông bà, chia sẻ: “Nhà chồng tôi chẳng hề phân biệt con dâu, con ruột, hễ gia đình sum họp là anh chị em lại xúm nhau cùng làm, cùng ăn. Các con tôi lớn lên trong gia đình nề nếp nên cũng rất ngoan ngoãn, lễ phép”.
Quả thật, hạnh phúc chẳng ở đâu xa, chỉ bình dị như tình cảm của những thành viên trong gia đình dành cho nhau nhưng lại là hành trang quý giá cho mỗi người mang theo suốt cuộc đời, để rồi, mỗi khi chùn chân, mỏi mệt thì sẽ tìm về “tổ ấm” - nơi có ông bà, cha mẹ dang rộng vòng tay yêu thương che chở, vỗ về.
Hạnh phúc từ tấm lòng sẻ chia
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, khác với những gia đình có đầy đủ thành viên, kể từ năm 2007, “tổ ấm” của bà Trịnh Thúy Phượng, ngụ ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, đã không còn trọn vẹn khi người chồng qua đời vì bạo bệnh, lúc ấy, đứa con út của bà chỉ vừa 7 tuổi. Bà vẫn nhớ hoài di nguyện của ông: “Dù cực bao nhiêu đi nữa cũng không để con phải bỏ học giữa chừng!”. Thay ông, bà làm đủ mọi việc để 3 người con không dở dang con đường học tập. Bây giờ, 2 cô con gái lớn có việc làm ổn định; cậu con trai út đang là sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM, bà lại có thời gian toàn tâm cho công tác xã hội.
Bà Trịnh Thúy Phượng bên cạnh 2 cô con gái lớn
Hiện nay, bà là đại biểu HĐND xã Bình An, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp và Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vàm Kinh. Với bà, mỗi ngày được sống, cống hiến cũng là hạnh phúc. Thế nên, bà muốn sẻ chia cùng những mảnh đời bất hạnh vì với bà, cho đi là nhận lại. Chẳng nề hà chuyện “vác tù và”, bà còn tổ chức nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo hoặc xin tài trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Thấy mẹ vất vả, các con lo lắng cho sức khỏe nhưng vẫn ủng hộ bà hết mình, sẵn sàng hỗ trợ bà làm thiện nguyện. “Hoàn thành tâm nguyện của người chồng quá cố, giờ đây, các con trưởng thành, đã đến lúc mình cần làm gì đó để cảm ơn cuộc đời. Dù gia đình vắng đi người chồng mẫu mực, người cha yêu quý nhưng tôi nghĩ, anh vẫn luôn hiện diện trong lòng mẹ con tôi, là sức mạnh tinh thần để tôi tiếp tục cống hiến”.
Luôn quý trọng hạnh phúc gia đình, bà còn hàn gắn nhiều đôi vợ chồng có nguy cơ tan vỡ. Bà tâm sự: “Vì lý do không mong muốn, “tổ ấm” của tôi mất đi người trụ cột. Hiểu được cảnh “nhà không có nóc”, thế nên, với những gia đình còn có thể cứu vãn, tôi luôn tìm mọi cách để giúp đỡ, không để con cái phải chịu cảnh vắng cha, thiếu mẹ. Nhiều trường hợp sau khi được hòa giải thì vợ chồng đã thuận hòa trở lại, họ còn gặp tôi để cảm ơn. Tôi cũng thấy mình hạnh phúc lây!”.
Với những nỗ lực của bản thân, bà được nhận bằng khen của UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh; giấy khen của UBND huyện, xã,... Những thành tích này chính là động lực để bà phấn đấu nhiều hơn nữa, lan tỏa yêu thương đến thật nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ.
Gia đình ông Nuôi, bà Phượng chỉ là 2 trong số rất nhiều tổ ấm hạnh phúc, và bản thân họ cũng là những người hạnh phúc, từ niềm hạnh phúc riêng trong gia đình, họ lan tỏa tình yêu thương đến với những mảnh đời kém may mắn và nhận lại nụ cười, tình cảm từ những người mình giúp đỡ. Cho đi là nhận lại, hạnh phúc chẳng ở đâu xa, nó luôn gần gũi quanh ta. Hạnh phúc là sự sẻ chia!./.
Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, chỉ bình dị như tình cảm của những thành viên trong gia đình dành cho nhau nhưng lại là hành trang quý giá cho mỗi người mang theo suốt cuộc đời, để rồi, mỗi khi chùn chân, mỏi mệt thì sẽ tìm về “tổ ấm” - nơi có ông bà, cha mẹ dang rộng vòng tay yêu thương che chở, vỗ về”. |
Phạm Ngân