Đồn Biên phòng Thạnh Trị phối hợp chính quyền địa phương tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên tuyến biên giới
Bám biên, giữ đất
Những ngày cuối tháng 3, nắng như đổ lửa càng khiến tiết trời thêm oi bức. Những cánh đồng sau mùa gặt được cày xới khô trắng đang chờ mùa vụ mới. Ông Thật cùng vợ lánh tạm vào căn nhà nhỏ được dựng sát chân cầu trên đường tuần tra biên giới để tránh nắng. Ông và gia đình sống ở vùng đất này đã 22 năm dù chẳng có đất đai cày cấy.
“Ngày trước, khu này còn chưa có điện, nước, đường sá đi lại khó khăn nhưng vợ chồng tôi quyết định ra ngay mỏm đất ngã ba giữa dòng sông Rồ (biên giới quốc gia) và con rạch Giằng Giơ dựng căn chòi nhỏ, lo kế mưu sinh. Ai cũng bảo vợ chồng tôi liều khi ở ngay sát biên giới. Cả khu này cũng chỉ có vợ chồng tôi. Thế nhưng, tôi chẳng ngại. Vài con bò, mấy đàn vịt cũng đủ cho vợ chồng tôi sống cuộc sống yên bình dù còn nhiều khó khăn” - ông Thật tâm sự.
Trước đây, khu vực này ngoài những hộ dân có ruộng sát đường biên, thi thoảng tới lui mỗi khi vào mùa vụ thì hầu như chỉ có mỗi gia đình ông cùng cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Giằng Giơ, Đồn Biên phòng (ĐBP) Bình Hòa Tây cũ thường xuyên có mặt ở biên giới. Mấy năm nay, khi ĐBP Bình Hòa Tây dời trụ sở về xã Thạnh Trị và đổi tên thành ĐBP Thạnh Trị, tuyến đường tuần tra biên giới hoàn thành, vợ chồng ông Thật cũng dời căn chòi nhỏ về sát cây cầu bên đường tuần tra biên giới.
Mỗi chủ trương, chính sách, pháp luật luôn được lực lượng biên phòng thông tin, tuyên truyền đến từng hộ dân
Cách căn chòi nhỏ của vợ chồng ông Thật chừng 500m là chốt kiểm soát biên phòng bán kiên cố được lập từ khi dịch Covid-19 xảy ra. Cũng vì gắn bó với biên giới mà ông gắn bó với lực lượng biên phòng. Cán bộ, chiến sĩ của đồn, ông đều nhớ mặt, nhớ tên. Thấy tôi cùng Trung úy Ngô Tuấn Vũ - Đội trưởng đội Vận động quần chúng, ĐBP Thạnh Trị, ghé thăm, vợ ông đon đả: “Chú Vũ mới tới”. Thấy tiếng xe, tiếng người, ông Thật từ trong nhà đi ra rồi nở nụ cười: “Nay tới có việc gì không con?”.
Chưa đợi câu trả lời, ông Thật đã pha ấm trà mời khách và say sưa kể lại 22 năm sống tại biên giới: “Ngày xưa còn khó khăn, biên giới có lúc chưa ổn định, gia đình tôi quyết sống ở đây cũng là sự liều lĩnh. Nhưng đất nước mình sao mình phải sợ, mình phải giữ chứ quyết không để ai xâm phạm. Quyết định bám biên giới ngày ấy, chưa bao giờ gia đình tôi cảm thấy hối hận. Trái lại, 22 năm sống ở biên giới, tôi còn kết thân với nhiều người dân nước bạn, dù 2 năm qua dịch bệnh khiến chúng tôi chưa có dịp gặp mặt nhau...”.
Nói rồi ông vào nhà lấy giấy khen được tặng trong ngày Biên phòng toàn dân và khoe: “Tấm giấy khen này, tôi vẫn giữ cẩn thận như những gì tôi gắn bó với vùng đất biên cương”. 22 năm qua, ông Thật cũng như hàng trăm người dân biên giới trên địa bàn xã Thạnh Trị vẫn ngày đêm bám biên, giữ đất cùng lực lượng BĐBP góp phần bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thạnh Trị giúp người dân sửa nhà sau thiên tai
Thông tin từ ĐBP Thạnh Trị, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 18,5km qua địa bàn 2 xã: Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường và xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tiếp giáp với 3 xã: Nho, Kh’set và TaNot, huyện Kongpongro, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. “Với tuyến biên giới trải dài, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Thạnh Trị luôn nhận được sự giúp đỡ của người dân biên giới. Ngoài nhiệm vụ chuyên trách của lực lượng biên phòng, hiện toàn tuyến biên giới có 78 hộ/340 người tự nguyện đăng ký tự quản đường biên, cột mốc. Ngoài ra, người dân 2 xã biên giới còn thành lập 8 tổ tự quản an ninh, trật tự khu vực biên giới với sự tham gia của gần 2.000 người, từ đó, giúp đơn vị hoàn thành tốt các mặt công tác, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” - Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa - Đồn trưởng ĐBP Thạnh Trị, cho biết.
Biên giới bình yên
Về Thạnh Trị những ngày này, ngoài những cánh đồng khô trắng, xen giữa là những dòng kênh xanh lục bình, vài cây ô môi nhuộm hồng khoảng trời biên giới. Sau 1 năm chống dịch, mọi hoạt động của người dân cũng trở lại bình thường. Men theo con đường tuần tra, cứ một đoạn lại bắt gặp những nhóm người từ các tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang hay An Giang đến thuê đất trồng dưa hấu. Vùng này, đất pha cát, thuận đường nước từ những dòng kênh nên 3 năm nay, số người đến thuê đất trồng dưa hấu tăng lên. Họ tập trung lại, sinh sống theo mùa vụ như những xóm nhỏ ngay gần biên giới. Mỗi người đến làm mùa, sinh sống, Trung úy Ngô Tuấn Vũ đều nắm trong lòng bàn tay. Sau một hồi chạy dọc tuyến biên giới, Trung úy Ngô Tuấn Vũ đưa chúng tôi ghé nhà ông Lương Văn Mười (ấp 3, xã Thạnh Trị) mà theo lời giới thiệu của Trung úy Vũ, đó là điểm dừng chân của lực lượng biên phòng trong mỗi chuyến xuống địa bàn công tác hay trên đường tuần tra ngang qua.
Nhà ông Mười cách biên giới chừng 1km nhưng mùa này, chỉ cần ngồi ở nhà ông cũng phóng được tầm mắt ra tới đường biên. Cũng vì thế, hầu như phát hiện sự việc gì trên tuyến biên giới, ông cũng là người đầu tiên thông báo cho lực lượng biên phòng. “Sống ở biên giới, chúng tôi luôn ý thức được việc chung sức cùng lực lượng BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Chúng tôi còn có những nhóm làm ruộng chung, những nhóm giáp biên giới để kịp thời thông tin cho nhau tình hình trên tuyến biên giới. Khi có bất kỳ điều gì khác lạ, việc đầu tiên là thông báo cho lực lượng BĐBP. Cũng vì thế, sau sự việc cột mốc 202, 203 năm 2015 đến nay, khu vực xã Thạnh Trị rất bình yên, người dân cũng yên tâm bám biên, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình” - ông Lương Văn Mười cho biết.
Dứt lời, ông quay sang Trung úy Ngô Tuấn Vũ: “Tôi cứ hay nói mấy anh em có đi công tác, xuống địa bàn thì nhất định phải ghé nhà, tôi lo cơm nước. Mấy anh em cán bộ, chiến sĩ cũng như con cháu trong nhà. Chúng tôi sống trên tuyến biên giới không có gì ngoài trọng nhau nghĩa tình. Gần 2 năm qua, BĐBP đã vất vả cắm chốt, bám biên để ngăn chặn dịch và bảo vệ biên giới nên giúp được gì, mỗi người dân chúng tôi đều luôn sẵn lòng” - ông Mười khẳng định. Cũng từ nghĩa tình của người dân biên giới mà nhiều năm qua, người dân Thạnh Trị luôn đồng hành cùng lực lượng BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Ông Lương Văn Mười trò chuyện cùng Trung tá Ngô Tuấn Vũ
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa - Đồn trưởng ĐBP Thạnh Trị, để xây dựng tình quân - dân gắn bó, nhiều năm qua, Ban Chỉ huy đồn thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác dân vận cũng như tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan biên giới tới từng hộ dân. Cùng với đó, ngoài thực hiện nhiệm vụ, đơn vị còn tích cực giúp đỡ người dân trong phát triển KT-XH. Hiện ĐBP Thạnh Trị phân công 10 đảng viên phụ trách, giúp đỡ 38 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới,... Từ nỗ lực của chính quyền địa phương, của toàn dân và sự đóng góp tích cực của lực lượng biên phòng, giữa năm 2020, xã Thạnh Trị chính thức về đích xã nông thôn mới và đang từng bước tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Rời Thạnh Trị cũng là lúc ráng chiều đã đỏ, từng cơn gió cũng bắt đầu thổi nhẹ để xoa dịu cái nóng của ngày dài. Tấm bảng xã nông thôn mới được treo trang trọng ngay tuyến đường chính về trung tâm xã như minh chứng cho những nỗ lực vượt khó của Thạnh Trị. Một sức sống mới đang vươn lên từng ngày nơi mảnh đất biên cương./.
Thụy Anh