Tiếng Việt | English

20/08/2018 - 21:40

Cảm xúc vỡ òa trong ngày đoàn tụ các gia đình bị ly tán

Sau gần 70 năm mong mỏi trong xa cách, 89 người cao tuổi Hàn Quốc cuối cùng đã được gặp gỡ người thân của mình sống ở Triều Tiên trong đợt một của chương trình thứ 21 đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Cụ Han Shin-ja (phải), 99 tuổi, ở Hàn Quốc gặp em gái Kim Kyong Sil (giữa), 72 tuổi, và Kim Kyong Young (trái), 71 tuổi, ở Triều Tiên tại cuộc đoàn tụ gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên, ở khu nghỉ dưỡng núi Kumgang ngày 20/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những cuộc đoàn tụ ngắn ngủi trong chốc lát không chỉ khiến người trong cuộc vỡ òa cảm xúc mà còn gây xúc động cho những người theo dõi sự kiện này. 

Sáng 20/8, đoàn xe buýt chở nhóm người Hàn Quốc tham gia cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán đã khởi hành tới Triều Tiên. Những người Triều Tiên và Hàn Quốc bị giới hạn ở hai khách sạn khác nhau. Mỗi lần, hai bên được gặp nhau trong hai bữa ăn và một phiên diễn ra trong 2 giờ, giới hạn tổng cộng thời gian đoàn tụ chỉ khoảng 6 giờ để "bù đắp" cho hàng chục năm xa cách. 

Trong ngày đoàn tụ này, 89 cụ ông, cụ bà người Hàn Quốc mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của mình trong cái nóng như thiêu đốt, nhiều cụ phải ngồi trên xe lăn, nhưng gương mặt của họ vẫn hiện rõ niềm vui sướng bất chấp tình trạng sức khỏe của mình. 

Ông Kim Kwang-ho là một trong số những người “cực kỳ may mắn” được chọn vào danh sách gặp gỡ người thân trong đợt này. Ở tuổi 81 khi sắp "gần đất xa trời," ông mới được gặp lại người em ruột của mình lần đầu tiên sau 68 năm mất liên lạc. Ông Kim không giấu nổi cảm xúc khi biết em trai mình còn sống, nhưng không thể nhớ khuôn mặt của mẹ. 

Cụ Lee Keum-seom, 92 tuổi, được gặp con trai lần đầu tiên kể từ khi bà bị chia cách với chồng và con. Cậu con trai khi đó mới 4 tuổi, nay đã 71 tuổi. Cụ Lee không giấu nổi niềm xúc động: "Tôi không bao giờ tưởng tượng ra ngày này sẽ đến. Tôi thậm chí không biết con tôi còn sống hay không." Trong khi đó, cụ Shin Jong-ho, 70 tuổi, cho biết cụ đã thức dậy từ 3 giờ sáng để đón chờ sự kiện đặc biệt này. 

Nhưng không phải ai cũng may mắn như ông Kim Kwang-ho, cụ Lee Keum-seom hay cụ Shin Jong-ho, hàng triệu gia đình đã bị cuộc chiến tranh Triều Tiên chia cắt hàng thập kỷ qua. Đa số họ lạc mất người thân, không biết người nhà của họ còn sống hay đã chết do hai miền Triều Tiên cấm công dân liên lạc bằng thư tay, thư điện tử hay điện thoại. Những người muốn thăm thân nhân tại Triều Tiên phải nộp đơn lên chính quyền. 

Tính đến cuối tháng Năm vừa qua, số người Hàn Quốc nộp đơn xin đoàn tụ gia đình là 132.124 người kể từ khi chương trình bắt đầu diễn ra, trong đó hơn 50% đã qua đời mà không có cơ may gặp lại người thân một lần. Nhiều người nằm trong danh sách chờ nay đã hơn 90 tuổi. 

Nhà chức trách lựa chọn người sang Triều Tiên thăm người thân bằng cách quay xổ số sau khi tiến hành xác minh thân nhân của họ vẫn còn sống. Những người tham gia được xem là “cực kỳ may mắn." Tuy nhiên, không ít người được chọn trong năm nay, sau đó lại bị loại khỏi danh sách do cha mẹ hoặc anh em họ đã qua đời. 

Các cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán là sự kiện được người dân cả hai miền trên bán đảo Triều Tiên chờ mong từ lâu. Những cuộc đoàn tụ là cơ hội hiếm hoi để người dân Hàn Quốc và Triều Tiên có thể gặp lại người thân của mình sau nhiều chục năm xa cách. 

Việc tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán lần này là một phần trong thỏa thuận được các nhà lãnh đạo hai miền nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hồi tháng Tư năm nay. Đây là lần đầu tiên sự kiện đoàn tụ gia đình ly tán được tổ chức kể từ tháng 10/2015. 

Trước đó, hai miền Triều Tiên đã tổ chức 20 đợt đoàn tụ gia đình trực tiếp kể từ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên năm 2000 với hơn 17.000 người Hàn Quốc được gặp người thân trực tiếp hoặc qua đường truyền video. 

Dự kiến, sau đợt một, đợt hai sẽ được tổ chức từ ngày 24-26/8 tới. Trong đợt hai, 83 người Triều Tiên sẽ được gặp thân nhân của mình đang sống tại Hàn Quốc cũng tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang. Mặc dù những người cha, người mẹ, anh em, họ hàng chỉ có vài ngày gặp gỡ và trò chuyện trong cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt để rồi một lần nữa chia ly và có thể sẽ là mãi mãi, song chắc chắn họ sẽ vẫn cảm thấy mãn nguyện vì đã thực hiện được niềm mong ước tưởng chừng như không thể thành hiện thực./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết