Tiếng Việt | English

08/09/2016 - 19:23

Cần những việc làm như thế!

Câu chuyện về cô học trò nghèo Trần Thị Thanh Tuyền, lớp 10A1, Trường THCS&THPT Nguyễn Thị Một, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An nhường món quà đầu năm học mới cho bạn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và gợi lên nhiều cảm xúc.

Gia đình em Tuyền thuộc diện hộ nghèo, được nhận món quà từ “Bác 6” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao tặng là vinh dự lớn nhưng em xin nhường lại cho bạn khó khăn hơn.

Bởi chiếc xe của em (cũng của Bác 6 tặng 2 năm trước) dù đã cũ hơn chiếc xe lần này nhưng vẫn chạy tốt. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Tuyền biết quan tâm, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, đó là một đức tính tốt, đáng biểu dương nhân rộng! Điều đáng mừng không phải Thanh Tuyền là học sinh duy nhất tại Trường THCS&THPT Nguyễn Thị Một có hành động cao đẹp ấy, mà còn có 2 học sinh khác (em Nguyễn Thị Hoàng Yến và Huỳnh Phước Khương) cùng có gia cảnh khó khăn cũng xin nhường lại xe đạp mới cho những bạn khó khăn hơn mình.


Thanh Tuyền bên chiếc xe đạp được nhường lại cho bạn khác

Câu chuyện cảm động trong ngày khai giảng năm học mới của ngôi trường vùng hạ mang tên người nữ cán bộ cách mạng Nguyễn Thị Một cho thấy những tín hiệu vui trong giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh. Khi mà xã hội than phiền một bộ phận giới trẻ, trong đó có cả sinh viên, học sinh ngày càng chạy theo lối sống thực dụng, đua đòi, đạo đức xuống cấp, bị ảnh hưởng của lối sống bạo lực… thì câu chuyện của những học trò nghèo ở vùng quê khó khăn vẫn sáng long lanh, cảm thấy ấm lòng trước cách cư xử đẹp, giàu tình đoàn kết, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” này.

Mong rằng, câu chuyện này không chỉ được biểu dương trong THCS&THPT Nguyễn Thị Một mà được ngành Giáo dục nhân rộng trong toàn tỉnh.

Có thể có người sẽ hỏi: Chuyện các em không nhận xe đạp mới có gì mà ầm ỉ thế, món quà nhỏ mà? Xứng đáng biểu dương, nhân rộng quá đi còn gì. Bởi nhiều người chưa biết hoặc chưa quan tâm: Trong xã hội vẫn có những người thích danh hiệu “nghèo bền vững”. Có người chây lười lao động, thích thụ hưởng chính sách của nhà nước và lợi dụng lòng tử tế của người khác. Họ thiếu ý chí nghị lực vươn lên. Và họ cũng không muốn vươn lên. Bởi họ lợi dụng chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vốn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước về nhà ở, bảo hiểm y tế, vay vốn, học hành, tặng quà lễ, tết…

Thậm chí, có người còn bán nhà, bán đất, rồi cất cái chòi xập xệ để được xét hộ nghèo, xây nhà tình thương. Có người đã làm đơn thưa kiện vì bị địa phương đưa ra khỏi danh sách “hộ nghèo bền vững”…

Bên cạnh câu chuyện về 3 học sinh nghèo nhường xe cho bạn, cũng nên xem lại cách thức xét hộ nghèo, học sinh khó khăn, người nhận hỗ trợ…. Bởi hơn ai hết, người dân sẽ hiểu mức sống của láng giềng, các em hiểu, đồng cảm về cuộc sống của bạn bè. Đừng để các em áy náy vì còn nhiều bạn xứng đáng hơn, nghèo hơn mà không được xét tặng. Đừng để người dân phân vân về cách xét hộ nghèo thiếu công bằng của địa phương.

Câu chuyện 3 em học sinh nhường xe cho bạn là một câu chuyện đẹp, một niềm tin ở tương lai./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết