Tiếng Việt | English

05/02/2022 - 18:55

Canada tìm cách tiếp cận "bền vững" hơn để đối phó với COVID-19

Theo Cơ quan Y tế Công cộng Canada, nỗ lực của nước này nên tập trung vào việc ngăn ngừa các ca nhiễm COVID-19 thể nặng thông qua tiêm chủng, thay vì ngăn chặn tất cả các ca nhiễm mới.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Toronto ở Mississauga, Ontario (Canada). (Ảnh: THX/TTXVN)

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Toronto ở Mississauga, Ontario (Canada). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC), Tiến sỹ Theresa Tam ngày 4/2 nhấn mạnh Canada cần phải tìm cách tiếp cận "bền vững" hơn để đối phó với đại dịch COVID-19 và các biến thể trong tương lai của virus SARS-CoV-2.

Theo bà Theresa Tam, tất cả các chính sách y tế công cộng hiện hành, bao gồm cả hộ chiếu vaccine của các tỉnh bang, cần được "xem xét lại" trong những tuần tới vì rõ ràng Canada và các nước trên thế giới sẽ phải vật lộn với loại virus này trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.

Cơ quan Y tế Công cộng Canada đang trao đổi ý kiến với các đối tác ở các tỉnh bang và vùng lãnh thổ để tìm ra cách tiếp cận mới. Theo bà, các nỗ lực của Canada nên tập trung vào việc ngăn ngừa các ca nhiễm COVID-19 thể nặng thông qua tiêm chủng, thay vì ngăn chặn tất cả các ca nhiễm mới của loại virus có khả năng lây truyền cao này.

Theo tiến sỹ Tam, hai mũi đầu tiên của vaccine mặc dù không bảo vệ hoàn toàn chống lại nguy cơ nhiễm biến thể Omicron, nhưng vẫn cung cấp "khả năng bảo vệ tốt" chống lại nguy cơ phải nhập viện và tử vong.

Bà Tam cho biết thêm, mũi tiêm thứ ba cung cấp "khả năng bảo vệ vượt trội," giúp giảm đáng kể nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng. Mũi tiêm thứ ba cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus.

Tiến sỹ Tam cho biết ưu tiên của Canada là triển khai càng nhiều mũi tiêm tăng cường càng tốt. Nhưng chiến dịch tiêm chủng đã bị đình trệ, khi chỉ 50% số người đủ điều kiện tiêm nhắc lại đã tiêm mũi thứ ba.

Trong bối cảnh vaccine được cung cấp rộng rãi và các liệu pháp điều trị đầy hứa hẹn như thuốc Paxlovid của Pfizer bắt đầu được sự dụng, cùng với mức độ miễn dịch tự nhiên cao hơn sau làn sóng Omicron, bà Tam "lạc quan" rằng Canada có thể tìm được sự cân bằng tốt hơn giữa việc chống lại COVID-19 và để người dân trở lại cuộc sống bình thường hơn.

Hiện hệ thống chăm sóc y tế của Canada vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Vẫn có hơn 10.000 người đang được điều trị tại các bệnh viện, với 1.100 ca tại các đơn vị điều trị tích cực (ICU). Canada đang phải chứng kiến khoảng 140 người tử vong mỗi ngày vì COVID-19./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết