Tiếng Việt | English

09/01/2025 - 09:00

Đờn ca tài tử Nam Bộ - Hành trình giữ gìn di sản: Khi Nhà nước và Nhân dân cùng làm (Bài cuối)

Long An được xem là "chiếc nôi" của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ vì vùng đất này có nhiều tài tử nổi danh; những bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của ĐCTT Nam Bộ ít nhiều đều gắn bó với Long An. Từ những dấu ấn lịch sử sâu đậm đến những nỗ lực của Nhà nước và Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh đang viết tiếp câu chuyện bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bài cuối: Khi Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đang được giữ gìn, phát triển bởi sự chung tay của Nhà nước và Nhân dân. Từ những chính sách bài bản đến các hoạt động thiết thực, Long An từng bước nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống quý báu của dân tộc.

Thấm nhuần lời căn dặn “Văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam”, Đảng bộ, chính quyền Long An xác định văn hóa là nền tảng tinh thần quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Trong đó, việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được đặc biệt chú trọng, thể hiện trách nhiệm gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và thực hiện cam kết với UNESCO.

Từ những hoạt động thường niên

Tính đến nay, Giao lưu ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An mở rộng tại đình Vạn Phước (huyện Cần Đước), nhân Lễ húy kỵ đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại vào ngày 16, 17 tháng Giêng, được Long An duy trì liên tục gần 30 năm và trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của tỉnh.

Đây là dịp tài tử, nghệ nhân các tỉnh quy tụ về, cùng nhau tưởng nhớ tiền nhân và giao lưu, học hỏi. “Việc duy trì tổ chức Giao lưu ĐCTT Nam Bộ nhân dịp Lễ húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại suốt mấy mươi năm là điều ít có địa phương nào làm được” - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh - Lê Thị Cẩm Châu khẳng định.

Giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An mở rộng tại đình Vạn Phước (huyện Cần Đước) được duy trì liên tục gần 30 năm

Sau khi nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động như liên hoan; hội thi đờn ca và sáng tác lời mới bài ca tài tử; giao lưu;... nhằm tạo sân chơi và giúp các tài tử, nghệ nhân có cơ hội rèn luyện, nâng cao tay nghề. Đó cũng là dịp phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ, ươm mầm cho tương lai của ĐCTT Nam Bộ trong tỉnh.

Là thí sinh đoạt giải Nhất bảng C (đờn độc tấu) Hội thi Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ 3 năm 2024, tài tử Nguyễn Đình Khang (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Tôi rất biết ơn sự quan tâm của tỉnh đối với ĐCTT Nam Bộ. Qua các hội thi, tôi có cơ hội được thể hiện mình, gặp gỡ và học thêm nhiều điều từ các cô chú tài tử trong tỉnh. Đây là nguồn động viên to lớn để tôi có động lực tiếp tục rèn luyện và theo đuổi bộ môn nghệ thuật này”.

Bên cạnh đó, các nghệ nhân, tài tử trong tỉnh cũng được tạo điều kiện tham dự những hội thi, giao lưu ĐCTT Nam Bộ cấp khu vực cũng như toàn quốc. Nhờ vậy, các nhân tố mới được phát hiện và bồi dưỡng.

Là “hạt nhân” trong phong trào ĐCTT của tỉnh, từng “chinh chiến” nhiều hội thi ĐCTT Nam Bộ cấp khu vực và đạt kết quả tốt, tài tử ca Huỳnh Lý chia sẻ: “Được tạo điều kiện tham gia các liên hoan, cuộc thi lớn, tôi học hỏi rất nhiều, có thêm kinh nghiệm cho bản thân. Tôi cảm thấy may mắn khi được các thầy, cô dìu dắt và hướng dẫn cho đến bây giờ để có thêm động lực góp sức gìn giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ”.

Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đã dành sự quan tâm nhất định cho nghệ thuật và người thực hành ĐCTT Nam Bộ. Các hoạt động truyền dạy được quan tâm, từng bước đi vào nề nếp. Trong thời điểm dịch Covid-19, UBND tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ các nghệ nhân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nếu đội ngũ nghệ nhân nòng cốt nhận được chính sách đãi ngộ nhất định thì sẽ khuyến khích hơn nữa lòng nhiệt huyết trong hành trình bảo vệ di sản vì trên thực tế cho đến nay, các nghệ nhân chưa tiếp cận được chính sách nào”.

Nghệ nhân Ưu tú Kim Thanh

Bây giờ, việc đào tạo thế hệ kế thừa cho ĐCTT Nam Bộ được chú trọng hơn. Các bạn trẻ nếu không có điều kiện theo học tại nhạc viện thì cũng được tham gia các lớp học, lớp tập huấn nâng cao do các câu lạc bộ; trung tâm văn hóa, thông tin và truyền thanh các huyện; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Được tham gia nhiều lớp học, các tài tử trẻ nâng cao cả về nhận thức lẫn kỹ năng trình diễn”.

Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ

Cụ thể thành chính sách

Sự quan tâm của tỉnh đối với ĐCTT Nam Bộ được thể hiện qua nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Nổi bật là Đề án bảo vệ và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An giai đoạn I (năm 2024-2026) và tầm nhìn đến năm 2030 tạo cơ sở pháp lý và nguồn lực để triển khai các hoạt động bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trong thời gian tới.

Mục tiêu chung của Đề án là bảo tồn và phát triển những giá trị đặc sắc của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh. Đề án như “một luồng gió mới”, mang lại sự phấn khởi cho những người đang nắm giữ, thực hành nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Với nhiều nội dung như tuyên truyền, quảng bá; thực hành truyền dạy, sáng tác và hỗ trợ phí sinh hoạt cho câu lạc bộ ĐCTT Nam Bộ trong tỉnh; giao lưu, hội thi ĐCTT Nam Bộ;... tổng kinh phí thực hiện gần 10 tỉ đồng từ ngân sách và xã hội hóa, Đề án là lời hứa hẹn của chính quyền về quyết tâm giữ gìn, phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Trong Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được giới thiệu trong đêm khai mạc và có 1 đêm diễn tại Không gian giao lưu văn hóa thuộc khuôn khổ sự kiện (Ảnh: Khánh Duy)

Bên cạnh đó, công tác đào tạo ĐCTT Nam Bộ cũng được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, các huyện đều tổ chức tập huấn cho các câu lạc bộ ĐCTT.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2018-2023, toàn tỉnh có 49 lớp tập huấn truyền dạy ĐCTT Nam Bộ cơ bản và nâng cao từ tỉnh đến cơ sở với khoảng 1.400 học viên tham gia. Các nghệ nhân, tài tử cũng tận tâm truyền dạy tại nhà, trực tuyến, góp phần nâng cao kỹ năng cho những người đam mê.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch, triển khai công tác truyền dạy bộ môn ĐCTT Nam Bộ trong hệ thống trường học, bảo đảm tính hợp lý và khoa học trong chương trình giảng dạy học sinh các cấp. 

Bà Lê Thị Cẩm Châu cho biết: “Công tác đào tạo nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ cho thế hệ trẻ và những người yêu thích trong những năm gần đây phát triển mạnh, được lãnh đạo địa phương quan tâm. Hàng năm, đa số các huyện đều tổ chức tập huấn cho các câu lạc bộ ĐCTT của huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài truyền dạy ở các lớp tập huấn, các nghệ nhân, tài tử đờn, ca giỏi còn dạy tại nhà, dạy online,... góp phần đào tạo, nâng cao kỹ năng đờn, ca cho những người đam mê loại hình nghệ thuật này, qua đó cùng nhau giữ gìn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ”.

Từ những chính sách, đề án đến các hoạt động cụ thể cho thấy sự nỗ lực của tỉnh trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để ĐCTT Nam Bộ được giữ gìn, phát triển.

Việc nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung trong Đề án bảo vệ và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An giai đoạn I (năm 2024-2026) và tầm nhìn đến năm 2030 vào thực tế là điều đang được giới tài tử chờ đợi nhất hiện nay./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết