Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón chào các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới tới dự Lễ khai mạc Thế vận hội (Olympic) Bắc Kinh 2022 ngày 4/2, ông sẽ có cuộc gặp gỡ trực tiếp những lãnh đạo thế giới đầu tiên sau hơn 400 ngày không tiếp đón quan chức nước ngoài và người đứng đầu danh sách khách mời là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tass
Căng thẳng Ukraine phủ bóng lên Olympic 2022
Cuộc gặp thượng đỉnh Putin - Tập Cận Bình, được dự đoán diễn ra nhân dịp khai mạc Olympic đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Bắc Kinh, khi căng thẳng giữa hai nước với Mỹ và phương Tây ngày càng leo thang. Việc Nga ồ ạt điều quân đến khu vực biên giới với Ukraine làm dấy lên lo ngại về một tấn công tiềm tàng, đã phủ bóng lên Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Tổng thống Putin là một trong số ít các nhà lãnh đạo tham dự thế vận hội. Trước đó, nhiều quốc gia như Mỹ, Anh và Australia đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với sự kiện này với cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Điều này đồng nghĩa với việc Olympic Bắc Kinh 2022 có sự cắt giảm đáng kể số lượng nhà lãnh đạo tham gia, trái ngược hẳn với Thế vận hội Mùa Hè năm 2008, ở thời điểm đó, Tổng thống Mỹ George Bush và các nhà lãnh đạo phương Tây khác vui vẻ bắt tay các quan chức Trung Quốc trong khi nhiệt tình cổ vũ cho các đội tuyển quốc gia của họ.
Sự kiện Olympic lần này nêu bật những mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây trong suốt thời gian qua, trong khi đó, việc Tổng thống Putin đứng đầu danh sách các nhà lãnh đạo đến tham dự do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa hai nước láng giềng.
Alexander Gabuev, một thành viên cấp cao và chủ tịch Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định: “Đây là thời điểm kịch tính trong cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây, cũng như giữa Trung Quốc với phương Tây. Và cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Tập Cận Bình với ông Putin trong hơn 2 năm qua cho thấy điều này”.
Chủ tịch Tập Cận Bình không rời Trung Quốc kể từ tháng 1/2020, thay vào đó, ông thúc đẩy chính sách “ngoại giao đám mây”, tích cực phát biểu tại các sự kiện quốc tế lớn và gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài bằng hình thức trực tuyến. Ông Tập Cận Bình không tiếp đón bất cứ chức sắc nước ngoài năm trong năm 2021, bởi Trung Quốc vẫn kiên định theo đuổi chính sách “zero-Covid-19” và tiếp tục đóng cửa biên giới.
Liên minh mới?
Trung Quốc và Nga đã tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, công nghệ đến quân sự và ngày càng chú trọng phát triển quan hệ song phương nhằm đẩy lùi cái mà Bắc Kinh cho là “liên minh và bè phái nhỏ” trong trật tự thế giới bị chi phối bởi phương Tây. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin tháng 12/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi hai nước “tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề quốc tế”, phản đối “hành động bá quyền và tâm lý Chiến tranh Lạnh”.
Liên quan đến hoạt động triển khai quân đội của Nga gần biên giới với Ukraine, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể thể hiện lập trường trung lập, kêu gọi các bên liên quan nỗ lực duy trì hòa bình, song Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thông điệp cứng rắn của Nga gửi tới NATO, yêu cầu liên minh quân sự này không mở rộng về phía Đông cũng như gia tăng hoạt động gần biên giới Nga.
Trung Quốc đang theo dõi sát sao mọi diễn biến trong cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine. Bắc Kinh có lẽ coi đây là “phép thử quan trọng đối với sự thống nhất chính trị ở phương Tây” và “muốn tận dụng sự leo thang căng thẳng này để tăng cường quan hệ với Moscow”, bài viết trên CNN nhận định.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo không nên “thổi phồng cuộc khủng hoảng” ở biên giới phía Đông của châu Âu. Ông Vương Nghị kêu gọi Mỹ tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đồng thời cảnh báo rằng “những mối quan ngại hợp lý về an ninh cần phải được xem xét nghiêm túc”.
Nga và Trung Quốc có truyền thống ủng hộ lẫn nhau để chống lại điều mà 2 nước cho là “sự can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của mỗi nước”, đẩy lùi các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu và thường có lá phiếu giống nhau trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc.
Hồi đầu tuần này, Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu bác bỏ đề xuất của Mỹ yêu cầu tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận về việc động thái quân sự của Moscow gần biên giới Ukraine. Chuyên gia Gabuev cho rằng, hai quốc gia này ngày càng xích lại gần nhau hơn do lợi ích kinh tế và nhu cầu an ninh dọc theo theo đường biên giới trải dài hơn 4.000km. Nhưng “chất xúc tác giúp hai nước gắn kết chặt chẽ hơn” trong những năm gần đây là việc cùng phải đối phó với Mỹ - một đối thủ lớn.
“Quan hệ giữa Nga với Mỹ đã chuyển từ xấu sang tồi tệ hơn còn Trung Quốc thì đang rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với Mỹ”, ông Gabuev nhấn mạnh.
Binh sỹ Nga trong một đợt diễn tập gần biên giới Ukraine. Ảnh: Moscow News Agency.
Trong trường hợp bị Mỹ và phương Tây áp đặt thêm đòn trừng phạt, Nga có thể tìm đến Trung Quốc như đối tác tin cậy. “Cam kết hỗ trợ kinh tế và chính trị” từ Bắc Kinh có thể làm suy yếu chiến lược cô lập Nga của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Năm 2021 là một năm quan trọng đối với quan hệ giữa Trung Quốc và Nga. Hai bên đã gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác Trung - Nga, vốn được ký từ năm 2001, đạt mức kỷ lục 146 tỷ USD trong trao đổi kim ngạch thương mại song phương và tuyên bố nâng tầm quan hệ lên mức cao nhất trong lịch sử. Hai bên cũng tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn và lần đầu tiên thực hiện cuộc tuần tra hải quân chung ở Tây Thái Bình Dương.
Nhưng mối quan hệ này vẫn khác xa so với một liên minh quân sự chính thức. Từ trước đến nay, cả Moscow và Bắc Kinh đều tránh tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột tiềm tàng của mỗi bên. Các chuyên gia cho rằng, xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong cuộc xung đột Ukraine.
Bà Anna Kireeva thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Moscow nhận định: “Mặc dù Trung Quốc ủng hộ yêu cầu của Nga muốn Mỹ và NATO đưa ra cam kết đảm bảo an ninh, đồng thời phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng họ không có lợi ích thực sự khi vướng vào cuộc xung đột giữa Nga với NATO”.
Tuy vậy, tình hình căng thẳng tại châu Âu chắc chắn sẽ giúp củng cố mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, đặc biệt trong trường hợp Nga phải hứng chịu lệnh trừng phạt mạnh tay của phương Tây. Chưa kể, Bắc Kinh cũng có thể hưởng lợi khi Mỹ chuyển trọng tâm từ cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sang cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tình bạn đặc biệt Putin - Tập Cận Bình
Cuộc gặp ngay trước thềm Thế vận hội Mùa Đông cũng cho thấy quan hệ cá nhân thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung.
Trước đó tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 12/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi Tổng thống Putin là “bạn cũ” và nói rằng ông rất mong chờ cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga tại Thế vận hội Olympic 2022.
“Khi xét đến tất cả các yếu tố quan trọng đưa quan hệ Nga - Trung trở thành quan hệ đối tác chiến lược, thì yếu tố đầu tiên phải nhắc đến là quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình. Cả hai đều là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và đều đánh giá cao lẫn nhau vì những kết quả mà 2 bên đạt được”, ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS), ĐH London, nhận định.
Theo truyền thông Nga, tại cuộc gặp lần này, ông Putin nhiều khả năng sẽ thông báo ngắn gọn cho người đồng cấp Trung Quốc về cuộc đàm phán giữa Nga và NATO. Hai bên dự kiến thảo luận về việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Yu Bin, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wittenberg của Ohio cho rằng, cuộc gặp trực tiếp lần này sẽ “tiếp thêm năng lượng” cho quan hệ song phương. “Cả ông Putin và ông Tập Cận Bình đều là những người hâm mộ thể thao. Họ sẽ tận hưởng bầu không khí sôi động tại Thế vận hội Olympic và bản thảo các vấn đề thế giới”.
Khác với các chính phủ phương Tây, Trung Quốc có lẽ không tin rằng Nga sẽ tấn công Ukraine, nhưng những câu hỏi về điều gì có thể xảy ra trong cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga với phương Tây cũng như diễn biến tiếp theo tại Ukraine chắc chắn sẽ khiến cuộc gặp kéo dài hơn, chuyên gia Yu Bin lưu ý./.
Hồng Anh/VOV.VN