Tiếng Việt | English

01/04/2025 - 09:39

Cảnh giác với bẫy lừa mới

Khi nhận tin nhắn yêu cầu truy cập đường link lạ, người dùng cần cảnh giác để tránh sập bẫy lừa (Ảnh minh họa)

Sau bữa cơm chiều, cả nhà anh Bình (phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An) quây quần ở phòng khách xem ti vi, bất ngờ điện thoại của chị Minh (vợ anh Bình) nhận được tin nhắn từ một tài khoản lạ trên Zalo với nội dung cực sốc “Chồng chị hôm qua ngủ với gái ở nhà nghỉ Lam Giang, không tin thì hãy xem clip của hai người do tôi ghi lại. Tôi là người chồng bất hạnh bị vợ cắm sừng”. Kèm theo tin nhắn là một đường link video và vài lời hướng dẫn ngắn gọn.

Dù biết chồng luôn thương yêu vợ con nhưng khi đọc những dòng tin nhắn, dù "bán tín, bán nghi", chị Minh vẫn không thể không nổi giận, cộng với chiều thứ bảy, chồng chị lên đồ chỉn chu, rồi vắng nhà từ trưa tới chiều, nói là đi dự tiệc chia tay đồng nghiệp nghỉ chờ hưu sau sắp xếp tinh gọn bộ máy.

“Lẽ nào anh ta đã phản bội mình, giờ thì hết đường chối cãi”, vừa nghĩ, vừa cầm điện thoại, chị vào phòng ngủ chốt cửa lại rồi không chần chừ nhấn vào đường link lạ. Sau vài cú nhấp, clip của “chồng chị với gái” chẳng thấy đâu mà điện thoại của chị đã bị cài đặt app chứa mã độc mà chị không biết.

Sau một hồi “quyết liệt” tìm bằng chứng ngoại tình của chồng mà không có kết quả, chị Minh mới quay ra phòng khách kể lại cho chồng câu chuyện như trên. Nghe vậy, ông chồng tá hỏa lấy điện thoại của chị, lập tức khởi động lại và đưa thiết bị vào chế độ an toàn (safe mode).

Với chút kiến thức về công nghệ thông tin mà anh đã được học, chế độ safe mode sẽ chỉ khởi chạy các ứng dụng của hệ thống mà không cho phép các ứng dụng khác hoạt động, do vậy sẽ vô hiệu hóa mã độc và không thể khởi chạy, chiếm quyền kiểm soát điện thoại của kẻ lừa đảo.

Tất nhiên cái giá của sự nóng vội, cả tin là 9 triệu đồng trong tài khoản của chị bay theo clip. Kể lại câu chuyện này, chị Minh cho biết: "Mua nhà ở xã hội 3 năm nay, thu nhập hàng tháng phải dành phần lớn để trả tiền nhà nên trong tài khoản không có nhiều tiền, nếu không mất sạch".

Theo tìm hiểu, hiện nay, chiêu thức lừa đảo tinh vi này được các đối tượng "tung mạnh" vì đánh vào tâm lý các quý bà. Bọn lừa đảo đã dùng số điện thoại lạ nhắn tin cho người vợ với nội dung đại loại "Tối hôm qua chồng chị vừa ngủ với đối tượng lạ mặt đó", kèm theo gửi một đường link trong tin nhắn và yêu cầu muốn xem video, clip của 2 người thì ấn vào đường link đó; đồng thời, thực hiện một số hướng dẫn của đối tượng lạ.

Do kích thích tính tò mò, cũng có thể do ghen tuông khiến nhiều chị nổi máu "hoạn thư" mà không ngần ngại nhấn vào đường link để xem video clip. Từ hành động thiếu cân nhắc đó, ngay lập tức, điện thoại bị chiếm quyền kiểm soát.

Sau khi chiếm được quyền điều khiển, kẻ lừa đảo có thể sử dụng tính năng cuộc gọi, danh bạ, hình ảnh, tin nhắn, máy ảnh,... để tương tác trên màn hình mà không cần tác động từ chủ sở hữu. Từ đây, chúng có thể tự khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng nhập các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản ngân hàng, đánh cắp thông tin đăng nhập, truy vấn thông tin tài khoản ngân hàng và tất nhiên, số tiền trong tài khoản của khổ chủ "không cánh mà bay", có bao nhiêu rút bấy nhiêu, chưa hết, chúng còn sử dụng điện thoại để lừa đảo người thân, bạn bè của khổ chủ.

Để tránh bị lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại và chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng, người dân tuyệt đối không làm theo bất kỳ chỉ dẫn nào của các đối tượng truy cập vào các đường link lạ, không cấp quyền truy cập theo dõi trên điện thoại khi cài đặt ứng dụng lạ, không cung cấp các hình ảnh cá nhân, hình ảnh căn cước công dân./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết