Tiếng Việt | English

09/03/2021 - 10:39

Cảnh giác với tội phạm tàng trữ, lưu hành tiền giả

Các đối tượng thường dùng tiền giả mệnh giá lớn để mua hàng tại các tiệm tạp hóa nhỏ, người già bán hoặc lừa để mua vé số đổi lấy tiền thật. Nếu không cảnh giác rất dễ bị các đối tượng dùng tiền giả mua hàng thật.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh thu giữ tiền giả trong một vụ án

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh thu giữ tiền giả trong một vụ án

Dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng đổi tiền thật

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng các đối tượng dùng tiền giả trà trộn lẫn với tiền thật hoặc dùng tiền giả có mệnh giá lớn, thường là loại tiền mệnh giá 500 ngàn đồng để mua những mặt hàng giá trị thấp nhằm đánh lừa người buôn bán để nhận lại tiền thật. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều vụ án liên quan đến hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả đã được lực lượng công an triệt phá thành công.

Trưa ngày 04/02/2020, tiệm tạp hóa nhỏ trên đường Trần Phong Sắc, phường 4, TP.Tân An của bà Nguyễn Thị Yến có 2 thanh niên đến hỏi mua hàng hóa. Sau một lúc lựa chọn vài món đồ, 2 đối tượng rút tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng để trả. Không chút nghi ngờ, bà Yến nhận tiền và thối lại đầy đủ cho 2 thanh niên. Nhận được tiền thối, 2 thanh niên nhanh chóng rời đi. Tuy nhiên, sau đó, cầm tờ tiền trên tay, bà Yến thấy nghi ngờ vì cảm giác không giống những đồng tiền mệnh giá 500 ngàn đồng khác. Khi chạy ra ngoài thì cả 2 đối tượng đã đi khuất dạng. Biết bị lừa, ngay lập tức, bà Yến thông báo sự việc cho Công an phường 4. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoảng 2 tiếng sau, lực lượng Công an phường 4 phát hiện 2 đối tượng giống như đặc điểm miêu tả của bà Yến đang lưu thông trên đường Nguyễn Cửu Vân, phường 4, liền mời về làm việc. Kiểm tra 2 đối tượng, Công an phường 4 còn thu giữ thêm 4 tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng được cất giấu dưới yên xe đạp. Tại cơ quan công an, 2 đối tượng khai nhận tên Tô Trần Minh Phương, 24 tuổi và Nguyễn Minh Trí, 25 tuổi, cùng ngụ phường 2, TP.Tân An. 2 đối tượng cũng thừa nhận số tiền giả được nhận từ một người đàn ông không rõ lai lịch đi tiêu thụ với thỏa thuận chia đôi tiền thật khi tiêu thụ thành công.

Thông tin từ Công an tỉnh, đối tượng mà bọn lưu hành tiền giả nhắm đến ngoài những người buôn bán nhỏ, người lớn tuổi, tại các tiệm tạp hóa vắng người, còn có những người bán vé số dạo để chúng dễ dàng thực hiện hành vi tiêu thụ tiền giả.

Khoảng 12 giờ ngày 19/7/2020, ông Nguyễn Trần Tiến đang bán vé số dạo trên địa bàn phường 4, TP.Tân An thì được một thanh niên ăn mặc bảnh bao hỏi mua vé số. Lựa chọn số xong, người thanh niên này đưa cho ông Tiến 1 tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng và yêu cầu ông thối lại. Tuy nhiên, khi nhận tiền từ người thanh niên, ông Tiến nghi ngờ là tiền giả nên tri hô mọi người. Lo sợ bị phát hiện, đối tượng nhanh chóng bỏ chạy. Đúng lúc này, anh Đặng Quốc Tân - cán bộ Công an tỉnh, đang đi công việc gần khu vực xảy ra vụ việc, đã hỗ trợ ông Tiến bắt giữ đối tượng và thông báo vụ việc cho chính quyền địa phương. Kiểm tra trên người đối tượng, công an thu giữ thêm 65 tờ tiền Việt Nam mệnh giá
500 ngàn đồng có cùng số seri EJ 19000001. Vụ việc sau đó được chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh điều tra theo thẩm quyền. Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận tên Trần Hồng Hải, 33 tuổi, ngụ xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh tiến hành khám xét phòng trọ của Trần Hồng Hải, tiếp tục thu giữ 88 tờ tiền Việt Nam giả mệnh giá 500 ngàn đồng được Hải cất giấu trong tủ quần áo.

Việc mua bán tiền giả khá nhộn nhịp, công khai trên mạng

Việc mua bán tiền giả khá nhộn nhịp, công khai trên mạng

Tiền giả được bán tràn lan trên mạng

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, năm 2020, Tòa án 2 cấp tỉnh Long An đã thụ lý xét xử 8 vụ/13 bị cáo về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Trong đó, cấp sơ thẩm thụ lý xét xử 7 vụ/11 bị cáo. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, Tòa án 2 cấp cũng thụ lý xét xử 3 vụ/4 bị cáo về tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Trong số các vụ án được xét xử, hầu hết số tiền giả của các bị cáo đều được mua bán từ trên mạng. Vậy thực tế việc mua tiền giả có khó không?

Trên một trang web mua bán tiền giả có tên miền buontien247.fun, tiền giả được giới thiệu là loại chất lượng cao được làm từ polyme cao cấp, bảo đảm độ đàn hồi với độ hoàn thiện tinh xảo, giống tiền thật đến 99%. Bên cạnh đó, trang web này cũng quảng cáo tiền giả rất khó bị phát hiện theo cách thông thường và chỉ bị phát hiện khi đặt dưới máy soi của ngân hàng. Trang web này cũng cam kết người mua được kiểm tra hàng đúng chất lượng mới phải thanh toán kèm theo số điện thoại để liên hệ. Còn tại trang web có tên miền doitiengia.com thì “tự hào” khoe là nơi cung cấp tiền giả uy tín số 1 tại Việt Nam, chuyên cung cấp tiền giả không cần đặt cọc, giao dịch trực tiếp trên toàn quốc. Các trang web mua bán tiền giả trên mạng hầu hết đều liên hệ giao dịch qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook với tỷ lệ mua bán 1 triệu đồng tiền thật mua được 10 triệu đồng tiền giả, nếu mua số lượng lớn thì 1 triệu đồng tiền thật có thể mua được từ 12-15 triệu đồng tiền giả, tùy số lượng. Bên cạnh đó, các địa chỉ bán tiền giả đều không quên lưu ý người có ý định mua tiền giả tuyệt đối không đem tiền giả
đã mua vào ngân hàng giao dịch, đóng bảo hiểm, nộp thuế để tránh bị phát hiện.

Cũng chính từ việc mua bán tiền giả tràn lan trên mạng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh phát hiện ngày càng nhiều vụ tàng trữ, lưu hành tiền giả. Thậm chí, có trường hợp còn mua máy móc để làm tiền giả. Cuối tháng 9/2019, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Công an thị xã Kiến Tường phát hiện 2 đối tượng Võ Minh Mẫn, 21 tuổi, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc và Lê Minh Khương, 31 tuổi, ngụ xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, có hành vi làm tiền giả. Khám xét thêm tại nhà nghỉ mà các đối tượng thuê qua đêm, lực lượng công an phát hiện thu giữ trên 30 triệu đồng tiền giả và nhiều tang vật liên quan. Đồng thời, mở rộng điều tra, Công an thị xã Kiến Tường tiếp tục khám xét phòng trọ là nơi ở của Khương, phát hiện, thu giữ 169,2 triệu đồng tiền giả gồm cả tiền thành phẩm và chưa thành phẩm với các mệnh giá 500 ngàn đồng và 200 ngàn đồng cùng thiết bị, máy móc phục vụ việc in tiền giả. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, khoảng đầu tháng 8-2019, Mẫn đem các thiết bị, máy móc đến một ngôi nhà tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM để làm tiền giả. Sau khi làm thành công, Mẫn lấy 30 triệu đồng tiền giả sang Campuchia đá gà ăn tiền. Nhận thấy việc làm tiền giả dễ dàng, Mẫn đến thị xã Kiến Tường gặp Khương, cả 2 thống nhất đặt mua các thiết bị, máy móc để về Kiến Tường cùng Khương làm tiền giả. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày, việc in tiền giả của Mẫn và Khương bị phát hiện.

Thông tin từ Tòa án nhân dân tỉnh, hiện nay, hình phạt dành cho tội danh làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả rất nặng. Theo đó, tại Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Trong đó, phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng bị phạt tù từ 5-12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Việc mua bán, tàng trữ, sử dụng tiền giả được xem là hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Do đó, ngoài công tác đấu tranh, triệt phá của lực lượng công an, người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác với loại tội phạm này./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết