Là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Hai mươi hai năm xây dựng và trưởng thành (28/08/1998 – 28/08/2020), với truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, các cán bộ chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát biển Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để vun đắp, hoàn thiện những giá trị cốt lõi của Người chiến sĩ Cảnh sát biển: “Trách nhiệm - Kỷ cương - Nhân chính”.
Cảnh sát biển tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.
Đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động ngoài khơi xa
Với nhiệm vụ then chốt là đảm bảo an toàn, an ninh, thực thi pháp luật trên biển nên yêu cầu những người lính áo trắng phải thường xuyên ra khơi, bám biển. Chính vì lẽ đó mà các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển sống ở trên biển nhiều hơn trên đất liền, đồng nghĩa với việc đối mặt với những khó khăn như thời tiết, sóng gió và cả những va chạm với tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đối mặt với khó khăn, nguy hiểm thậm chí có thể hi sinh cả tính mạng nhưng những chiến sĩ cảnh sát biển vẫn luôn rất gan dạ và bản lĩnh. Thượng úy Lại Vĩnh Đại, Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 8003, Hải đội 111, Hải đoàn 11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 chia sẻ: Được thực hiện nhiệm vụ trên con tàu hiện đại, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề và cả những hiểm nguy rình rập, những chuyến biển dài ngày, gặp thời tiết xấu, nhiều cán bộ chiến sĩ trên tàu cũng đã từng say sóng, cũng có bỏ cơm nhưng không bao giờ bỏ nhiệm vụ. Mỗi CBCS luôn xác định tàu là nhà, biển cả là quê hương nên dù khó khăn, vất vả đến mấy, toàn tàu luôn xác định rõ khẩu lệnh: “Có lệnh là đi, đã rời bến là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4: Quản lý vùng biển rộng, nhiều quần đảo và hệ thống cửa sông, lạch, ranh giới biển tiếp giáp với nhiều nước xung quanh, trong đó có nhiều vùng chồng lấn. Bên cạnh đó còn có tuyến hàng hải quốc tế sôi động, thông thương giữa các nước trong khu vực, thường xuyên có nhiều tàu thuyền trong nước và quốc tế hoạt động nên tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Để bảo đảm các tàu thuyền trong nước và quốc tế chấp hành pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, Đảng ủy, Chỉ huy Vùng Cảnh sát biển 4 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn hàng hải, bảo vệ ngư trường đánh bắt hải sản cho ngư dân Việt Nam, ngăn cản, xua đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm và khai thác trái phép thủy sản trên vùng biển Việt Nam, phòng chống ô nhiễm môi trường, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các hành vi buôn lậu, mua bán người, mua bán trái phép ma túy, chất nổ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn xây dựng thế trận an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cảnh sát biển tặng rau xanh cho ngư dân.
Những năm qua, tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều tình huống mới về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như vi phạm chủ quyền biển, đảo, các hoạt động tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, mất an toàn hàng hải, ô nhiễm môi trường biển ngày càng có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều vi phạm có yếu tố nước ngoài, có tổ chức chặt chẽ. Xác định rõ vấn đề này, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, tập trung vào các vùng biển trọng điểm như khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa – DK1, Tây Nam, đồng thời phối hợp với lực lượng có liên quan, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, Vùng Cảnh sát biển 3 đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn hàng hải; bảo vệ ngư trường đánh bắt hải sản cho ngư dân Việt Nam; tổ chức lực lượng tàu trực chốt trên biển nhằm sớm phát hiện và ngăn cản, xua đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm và khai thác trái phép thủy sản trên vùng biển Việt Nam song phải xử lý đúng đối sách, hòa bình trên biển.
Đại úy Đào Quốc Nam, Chính trị viên CSB4038, Hải đội 211, Vùng Cảnh sát biển 2 tâm sự, làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, khi tàu tuần tra đi trên vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam, giữa mênh mông biển trời, mỗi khi nhìn thấy tàu đánh cá của ngư dân treo lá cờ đỏ sao vàng, anh em lại ra boong tàu, mắt dõi về phía những ngư dân, lòng cảm thấy tràn ngập tin yêu. Và tất cả đều ý thức rõ rằng, sự có mặt của mình, giúp những ngư dân an tâm bám biển. Vì thế, bên cạnh nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những năm qua, các CBCS trên tàu còn đồng hành cùng ngư dân, sẵn sàng giúp đỡ, tăng cường tuyên truyền pháp luật biển bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh… trực cứu hộ, cứu nạn giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai- Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam thăm và kiểm tra tàu Cảnh sát biển 8020.
Gian nan công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại trên biển.
Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn an ninh, thực thi pháp luật, một nhiệm vụ nữa được lực lượng Cảnh sát biển thực hiện có hiệu quả trong những năm qua đó là đấu tranh phòng chống tội phạm gian lận thương mại trên biển. Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vất vả và vô cùng nguy hiểm. Theo dõi, bám nắm tội phạm trên đất liền đã khó, nhiệm vụ này thực hiện trên biển còn gặp khó khăn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, mỗi CBCS đội nghiệp vụ, trinh sát luôn phải có bản lĩnh vững vàng, mưu trí, gan dạ, thậm chí chấp nhận hy sinh trong quá trình đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển được phân công quản lý.
Đại tá Lương Đình Hưng, Cục trưởng cục nghiệp vụ pháp luật Bộ, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm trên biển ngày càng phức tạp và tinh vi, địa bàn quản lý vùng biển rộng, nhất là vùng biển Đông Bắc, miền Trung và phía Nam, các đối tượng vi phạm thường lợi dụng trà trộn với tàu cá của ngư dân, lợi dụng đêm tối, luồng lạch phức tạp, sử dụng những tàu có tốc độ cao để hoạt động, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm, phát hiện, kiểm tra gây khó khăn lớn trong quá trình điều tra của lực lượng.
Xong bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Cảnh sát biển Việt Nam đã phá án thành công nhiều vụ khó, thu giữ số lượng hàng buôn lậu lớn. Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2020, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ: 46vụ/52 phương tiện/297 đối tượng; tang vật: hơn 22.685.000 tấn than; 4.155 tấn quặng; hơn 1.862.000 lít xăng RON 92; 5.540.590 lít dầu DO; 364.666 kg dầu FO; 27 phuy và 46 thùng dầu thủy lực, dầu nhờn; 2.260,9 m3 cát; 275 tấn đường. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng và ước tính giá trị tang vật tịch thu và bán phát mại gần 210 tỷ đồng.
Đối mặt với khó khăn, nguy hiểm thậm chí có thể hi sinh tính mạng nhưng những chiến sĩ Cảnh sát biển vẫn luôn gan dạ và bản lĩnh. Các cán bộ chiến sĩ lấy thành công trong từng nhiệm vụ là niềm vui, động lực để tiếp tục những nhiệm vụ khác, đóng góp nhiều trong cuộc chiến chống tội phạm trên biển. Thượng tá Lê Trần Trung, truởng phòng phòng phòng chống tội phạm vi phạm, Cục nghiệp vụ pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chia sẻ: Là những những lính trinh sát, việc xa gia đình là thường xuyên vì phải bám nắm đối tượng trên biển dài ngày, mỗi lần nhận nhiệm vụ là một chiến dịch. Chính vì vậy anh em trinh sát phải nghiên cứu rất kỹ địa bàn bởi có những vụ phải mật phục trinh sát trải dài trên 500 hải lý, anh em rất vất vả để đưa ra các phương án đấu tranh với tội phạm.
Duyệt đội ngũ trong lễ chào cờ ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Với sự liều lĩnh và vì lợi ích kinh tế, các đối tượng tội phạm liên tục thay đổi phương thức vận chuyển hòng đưa những mặt hàng buôn lậu thâm nhập vào Việt Nam đặc biệt là qua đường biển. Không những vậy, những đối tượng này còn quyết liệt chống trả bằng bất cứ giá nào. Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm còn sử dụng nhiều chiêu trò như mua chuộc, đe dọa…nhưng với bản lĩnh vững vàng, tất cả CBCS Cảnh sát biển luôn quyết tâm, đấu tranh, không khoan nhượng, kiên quyết nói không với những “viên đạn bọc đường”.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam, dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc bảo đảm an toàn trong quá trình bắt giữ tội phạm thì con người, phương tiện, tang vật phải đặt lên hàng đầu. Dựa trên lợi thế về phương tiện của Cảnh sát biển đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, hiện Cảnh sát biển được trang bị tàu có tốc độ cao, sức chịu sóng gió tốt nên hoàn toàn có thể trấn áp được các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại mặc dù tội phạm cố tình chạy trốn, cố tình không chấp hành.
Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng Cảnh sát biển ngày càng nặng nề hơn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an toàn an ninh, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhấn mạnh: thời gian tới, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp của toàn lực lượng; vun đắp, hoàn thiện những giá trị cốt lõi của Người chiến sĩ Cảnh sát biển:“Trách nhiệm - Kỷ cương - Nhân chính”, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực đổi mới, sáng tạo, thực hiện tốt chủ trương xây dựng Cảnh sát biển "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", tô thắm thêm truyền thống vẻ vang “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, cùng với các lực lượng chức năng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự an toàn trên biển, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng và Nhân dân./.
Theo VOV.VN