Tiếng Việt | English

29/03/2020 - 17:15

Chăm con thời hiện đại

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Đều là dân tỉnh lẻ đến thành phố học tập và lập nghiệp, vợ chồng Hạnh Uyên và Thế Thành gặp không ít khó khăn khi đón con đầu lòng. Lần đầu tiên làm mẹ, Uyên không khỏi lóng ngóng, bỡ ngỡ. Bao nhiêu kinh nghiệm học từ sách vở, bạn bè bỗng chốc tan biến khi con bé cứ quấy khóc khiến vợ chồng Uyên không lúc nào rảnh tay. Phụ nữ sau sinh dễ trầm cảm lại thêm con cứ khóc đêm khiến Uyên mệt mỏi, đôi khi lại tỏ ra cáu gắt. Mọi việc như càng khó khăn hơn khi gần đến ngày Thành đi làm, Uyên phải ở nhà chăm con một mình. Đôi ba lần Thành đến các trung tâm dịch vụ việc làm tìm người giúp việc nhưng vẫn chưa tìm được người như ý. Vả lại, với thu nhập của hai vợ chồng, giờ phải trả hơn 8 triệu đồng cho người giúp việc và hơn 5 triệu đồng tiền sữa, tã cho con mỗi tháng thì quả là mức chi phí khá lớn đối với gia đình trẻ. Đúng lúc này, má Thành ở quê ngỏ ý lên giúp con, cháu vài tháng. Hai vợ chồng mừng rỡ. Thành yên tâm hơn khi có má đỡ đần cho vợ. Uyên thì được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm chăm con từ má chồng. 

Má lên, lỉnh kỉnh bao món quà quê, nào gà, vịt, rau, củ, có chai rượu gừng hạ thổ để Uyên thoa tay chân cho săn chắc, thêm chai mật ong, vài chục gói lá xông và cả mấy chục kilôgam than đước. Thành cười xòa:

- Thời hiện đại rồi má, nằm than nóng chết!

- Từ thời bà cố, bà nội mày rồi đến má, có ai chết vì nằm than đâu. Bà đẻ thì phải nằm than sau này mới khỏe. Kinh nghiệm ông bà mình bao đời nay rồi con ạ!

Có bà nội lên, như mến hơi, con bé ngoan hơn, má chồng chỉ bảo Uyên nhiều điều bổ ích lắm! Chỉ có điều, bà bắt mẹ con Uyên nằm than suốt. Tháng 3, trời nóng như đổ lửa, vậy mà trong nhà suốt ngày hầm hập cái mẻ than. Chiều, có tí gió cho thoáng, bà cũng đóng cửa lại, bảo phụ nữ mới sinh phải kiêng gió. Uyên sợ má buồn nên chẳng dám than phiền, chỉ tội con bé, trời nóng lại phải nằm than, suốt ngày ở trong phòng kín nên bị dị ứng, da nổi mẩn đó. Chắc con bé khó chịu nên càng quấy khóc hơn. Hôm vừa rồi, đi tái khám, bác sĩ nói con Uyên có dấu hiệu viêm da và yêu cầu ngừng nằm than...

Thành nhắc má đừng cho mẹ con Uyên nằm than nữa, bà có vẻ giận, bảo thời nay tiến bộ, bỏ hết những kinh nghiệm xưa, sau này rất dễ bị bệnh “hậu”. Suốt buổi chiều hôm đó, Thành phải theo giải thích cho má hiểu. Thương con, thương cháu nên bà nghe lời Thành. Uyên xin khỏi phải nằm than nhưng vẫn xông, hơ, thoa nghệ,... để da dẻ hồng hào như lời má chồng.

2. Từ sau tết đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tụi nhỏ tạm nghỉ học, vợ chồng anh Quang Minh, chị Thanh Loan gửi con về nhà ngoại. Cứ cuối tuần, anh chị lại vượt hơn 50km từ TP.HCM về Long An thăm con. 

Thay đổi môi trường sống, được gần gũi với thiên nhiên, các con trông mạnh khỏe hơn. Sống ở quê, được hưởng bầu không khí trong lành lại thỏa thích chơi đùa, chạy nhảy nên tụi nhỏ thích lắm. Có điều, Loan không hài lòng lắm về cách giáo dục cháu của ông bà. Lâu lâu, cháu mới có dịp về quê nên ông bà nuông chiều hết mực. Giữa trưa nắng, thằng nhỏ đòi đi tắm ao, thế là ông ngoại mang phao ra cho cháu tắm. Rồi có hôm tối đến đòi ăn chuối chiên, bà ngoại lại phải lọ mọ xuống bếp pha bột, chiên chuối. Nhiều lần chị Loan nói với mẹ nhưng bà đều cười xòa cho qua. Đỉnh điểm hôm thứ bảy vừa rồi, thằng bé chơi với tụi nhỏ trong xóm, bị bạn xô ngã vào hàng rào dâm bụt, trầy tay. Bà ngoại xót cháu, vội qua “mắng vốn” hàng xóm, thấy vậy chị Loan ngăn lại và nói chỉ là chuyện của trẻ nhỏ. Thế là bà giận, bỏ cơm chiều. Tối đó, thấy bà nhắc ghế bố ngồi trước sân, ông lân la kể chuyện ngày trước, lúc Loan còn nhỏ cũng được ông bà nội cưng chiều như thế. Đôi lúc cha mẹ cũng thấy phiền lòng vì ông bà chiều cháu quá, sinh ra khó dạy. Rồi ông kể, có lần Loan trốn học đi chơi, bị cha mẹ phát hiện, chưa kịp đánh phạt thì bà nội đã bênh vực. “Được nước làm tới”, mấy lần sau Loan lại trốn học và lần này, ông quyết định phạt thật nặng. Ông nắm lấy tay bà, vỗ nhẹ: “Biết bà thương cháu nhưng phải để Loan nó dạy con chứ! Hồi trước, mình cũng từng giận ba má vì quá cưng chiều con Loan, sao giờ mình lại đi vào vết xe đổ đó. Mỗi thời mỗi khác bà ạ, thương con, thương cháu nhưng phải để chúng dạy con theo cách của chúng...”.

3. Chiều nào hàng xóm cũng thấy mẹ bé Mi “rượt đuổi” để đút từng muỗng cơm cho con. Có đến 2 tiếng đồng hồ mới hết chén cơm, vừa xong lại thấy mẹ pha thêm ly sữa cho Mi. Từ ngày sinh Mi, chị Phương Oanh phải nghỉ làm ở nhà chăm con. Nuôi con với chị đúng là một “cuộc chiến” vì suốt ngày chỉ quanh quẩn với việc nấu ăn, đút con ăn, cho con uống sữa, ăn trái cây,... Con bé vốn khó ăn lại bị “nhồi nhét” nên đâm ra rất sợ ăn. Cứ thấy mẹ bưng chén cơm, con bé lại khóc và chạy trốn, còn chị Oanh thì nhất quyết “nhồi” vào bé đủ lượng thức ăn, sữa,... trong một ngày. Trái với Phương Oanh, cách chăm con của gia đình chị Bảo Hân có phần nhẹ nhàng hơn. Bé Minh, con chị Hân cũng trạc tuổi bé Mi.

Sáng, mọi người thấy chị đi chợ sớm, chuẩn bị bữa ăn sáng cho gia đình. Minh thức dậy, ngồi vào bàn ăn chung với mọi người. Chị không buộc bé phải ăn hết khẩu phần, đến khi con không muốn ăn nữa thì có thể rời bàn, đi chơi. Bảo Hân làm việc tại công ty nước ngoài nên chiều về khá trễ, vì thế buổi sáng chị sơ chế thức ăn sẵn cho cả nhà rồi cho vào tủ lạnh. Buổi trưa và chiều nhờ người giúp việc chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Bé Minh được rèn tính tự lập từ nhỏ nên cứ đến bữa ăn là tự múc. Chị cho con ăn theo nhu cầu nên Minh có thể tự đề xuất món ăn như hủ tíu, phở chứ không phải lúc nào cũng ăn cơm. Chị còn thường xuyên đưa con đi siêu thị để Minh lựa chọn các loại trái cây mình thích.

Hôm vừa rồi, bà nội bé Mi lên chơi, thấy chị Oanh quá vất vả, bà khuyên con dâu nên thay đổi cách chăm con để “mẹ nhàn, bé khỏe”. Và gần cả tháng nay, bà đã rèn được cho bé Mi tính tự lập giống bé Minh. Giờ đây, mỗi khi đến giờ ăn, Mi ngoan ngoãn ngồi vào bàn, tự múc ăn.

Cuộc sống hiện đại buộc bà mẹ chăm con theo cách hiện đại. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi gia đình mà cha mẹ có cách riêng để chăm sóc, giáo dục các con, giúp bé phát triển một cách toàn diện nhất./.

Thanh Trúc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích