Tiếng Việt | English

08/10/2016 - 10:33

Chol

Cha tôi trở về từ chiến trường xưa, ông đi mấy tháng mới về. Ngày về, ông mừng rỡ khoe với tôi tấm hình ông chụp với một người đàn ông người Campuchia, anh ấy lớn hơn tôi khoảng chục tuổi, dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng ngời, đứng bên cha tôi với nụ cười rạng rỡ. Cha tôi cứ nói, đôi mắt thằng Chol vẫn như hồi đó, có lẽ như ông quen anh ta từ lâu lắm rồi.

Cũng như mấy ngày trước đó, tiếng pháo nổ từ phía Đông ình ình không còn khuấy động giấc ngủ của thằng Chol. Hình như tai nó đã “chai” với tiếng pháo. Đêm đó, khi mặt trăng còn ngủ quên trên bầu trời, cả làng thức dậy, cha mẹ giục nó dậy. Nó nghe tiếng heo, gà kêu la, tiếng người ta gánh đồ đạc chạy sột soạt ngoài đường. Tiếng súng chỉ thiên của thằng chỉ huy tóc quăn, mặt đen làm mọi người náo loạn, mạnh ai nấy chạy.

Trong cơn lũ người túa ra con lộ lớn, nó lấy tay chùi con mắt ghèn, khi nhìn lại, nó không thấy cha mẹ đâu hết. Chol bị một cái gánh hất té vào trong lề, không lâu sau, mọi người đi hết, tiếng im lặng của đêm lại trở về, nghe rùng rợn làm sao.

Thằng Chol bắt đầu mếu khi nó nhìn thấy xác mẹ nó nằm trên vũng máu ở giữa đường. Chol vừa khóc, vừa chạy đến khi ngất đi... Chol tỉnh dậy, nó đang nằm trên tay một người bận áo xanh, mặt mày và giọng nói vô cùng lạ lẫm. Nó chạy ra xa mấy người áo xanh đó. Nó lại chạy về xác mẹ nó. Chol kéo xác mẹ vào trong một ngôi nhà. Đóng cửa, nó ngồi bên ô cửa nhỏ, nhìn ra phía bên kia, phía những người áo xanh đang đóng quân ở đó.

Từ đó tới trưa, nó không có một hột cơm trong bụng. Mùi mì gói bên kia đường bay vào nhà làm bụng nó cồn cào. Nhìn ra bên ngoài, nó thấy đám người áo xanh nhìn nó, rồi bàn tán gì đó. Nó mở cửa, một tô mì... nó ăn no căng bụng. Những người áo xanh đem xác mẹ nó đi chôn cất.

Nó lại trở về căn nhà đó, chỉ ló mặt ra theo dõi những người áo xanh. Mấy ngày sau đó vẫn vậy, mỗi bữa, nó vẫn có một phần ăn như họ. Nó nói tiếng Khmer, họ nói tiếng Việt, mạnh ai nấy hiểu. Nhưng qua nét mặt và cử chỉ, nó và họ hiểu nhau.

Tiếng pháo phía Tây bắt đầu nổ lớn, họ kéo nhau đi hơn một nửa, nó níu tay đi theo nhưng họ nói gì đó, như là, hãy ở lại đây, yên tâm! Nó ở lại với một nửa đoàn quân Việt Nam, với mớ lương thực ít ỏi còn lại. Tiếng pháo về đêm lại lớn hơn, pháo nổ sau lưng trại lính Việt Nam.

Những người lính ấy được lệnh di chuyển về phía Tây, nó không thể đi theo họ, một người thông dịch được điều tới, ông ấy nói với nó, nay mai gia đình nó sẽ về, nó cứ yên tâm mà ở lại đây.

Tiếng pháo tan dần và mọi người về, nhưng nhà nó chết hết. Đoàn quân dừng chân lại mấy hôm, giúp dân làng che lại nhà. Sau đó họ lại đi, nó chạy theo họ. Ông hàng xóm nó ngồi trước nhà kêu theo ới ới:
- Chol... Chol... Chol...

Nó theo họ mấy ngày, họ chỉ biết gọi nó là Chol, vậy thôi. Họ nói gì đó nhiều lắm, họ chỉ tay về phía nhà nó, ý kêu nó về đi, nhưng nó không chịu nghe, nó đâu còn ai là người thân nữa đâu mà về. Họ nuôi nó bằng lương thực của họ.

Đêm ở rừng, thằng Chol đau bụng, cơn đau quằn quại. Ba nhà báo chiến trường, cũng là lính áo xanh, thức giấc theo nó. Bọc thuốc đã hết, mưa rừng rơi lạnh như những giọt nước đá. Ba người đồng đội kè thằng Chol đi về hướng trạm quân y. Họ đi trong cơn mưa rừng. Thằng Chol vẫy vùng, lăn lộn. Khi đi một đoạn khá xa thì ba người lính phát hiện thằng Chol không hề bệnh, nó giả bệnh mà thôi. Nó dắt họ đi suốt một ngày đường nhưng vẫn không thể nào ra khỏi rừng.

Người lính cầm chiếc máy ảnh, bắt đầu nghi ngờ thằng nhóc dẫn đường này. Nhưng lúc đó, hai người lính còn lại vẫn tin, tin ánh mắt thành thật ấy của thằng Chol không hề có chút tia gian dối nào. Đến một ghềnh đá, thằng Chol ngồi nhìn họ, nó tìm mọi cách để họ ra khỏi đây. Một tiếng nổ ngay bên cạnh thằng Chol, một người lính ngã ngang, đôi mắt trợn lên rồi tắt thở.

Hai người lính còn lại cuống cuồng lên. Một loạt pháo từ rừng cháy sáng bừng bừng. Người lính cầm máy ảnh quyết định bỏ đi. Trước khi đi quá xa, ông đã kịp chụp lại tấm ảnh thằng Chol mắt như ươn ướt, bước lại, lấy tay đặt lên má của người lính vừa nằm xuống.

Một loạt pháo nữa rơi xuống nơi cánh rừng, lửa cháy phừng phựt như thiêu đốt cả cánh rừng. Người lính còn lại đứng lặng im, chắc nó chết trong loạt pháo vừa rồi, trời ơi! Hai người lính về trại kịp lúc đoàn quân đang chuẩn bị rời đất bạn. Người lính viết báo vẫn ray rứt lòng.

Đất mẹ bên kia ngọn núi thôi, gần mà, nhưng ông thấy một chút lòng ông đã neo lại nơi đây. Ông nói, ông còn nợ thằng Chol một mạng người.

Đoàn quân xong nghĩa vụ quốc tế trở về tới biên giới Việt Nam - Campuchia, trong lớp quân đi hướng mắt về đất mẹ, có một người lính ngoái mắt lại nhìn cánh rừng xa xa, như muốn nói gì đó với rừng, với người nơi ấy...

Bên kia biên giới, nơi ấy, bên cây thốt nốt to đùng, thằng Chol đứng như chết trân, đôi mắt nó nhìn đăm đăm vào đoàn quân đang di chuyển. Đôi mắt dáo dác tìm, đôi mắt như muốn nói một điều gì đó. Và một người lính đã chụp lại được tấm ảnh ấy, để mấy mươi năm sau, trong một dịp họp mặt, họ kể cho nhau nghe những ray rứt lòng mình. Họ quyết định trở về chiến trường xưa, tìm tung tích Chol. Và hai người lính năm xưa đã tìm lại được Chol sau mấy tháng ròng tìm kiếm. Họ mừng vui khôn tả. Niềm vui được nhân đôi khi Chol dẫn họ đi tìm và bốc hài cốt người đồng đội đưa về đất mẹ.

Ngôi mộ nằm trong cánh rừng, mộ đắp đất không cao, trên đầu mộ có tảng đá, ghi chữ Khmer “Người áo xanh”. Đến lúc chia tay rừng ra về, ánh mắt Chol nhìn hai người lính Việt ngày nào như muốn níu họ lại, như muốn nói lên được cả lời... Và ánh mắt ấy là thứ làm cha tôi nhớ mãi, nó thúc giục ông trở về thăm lại chiến trường xưa khi tuổi xế chiều.../.

Lê Quang Trạng

Chia sẻ bài viết