Tiếng Việt | English

02/05/2017 - 08:34

Chọn ngành, nghề đúng là chọn cho mình một tương lai vững chắc

Hiện nay, công tác tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đang bước vào giai đoạn nước rút. Ngoài việc tư vấn, định hướng từ thầy, cô trong trường; những cuộc tư vấn, tuyển sinh của thầy, cô ở các trường ĐH, CĐ cũng giúp thí sinh chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân; điều kiện kinh tế gia đình;...

Qua số liệu cuộc “khảo sát mini” của chúng tôi, cho thấy: Đa số thí sinh  đều chọn thi vào khối ngành kinh tế, quản trị,... rất ít thí sinh  chọn thi vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Hầu hết bạn trẻ chọn khối ngành kinh tế vì cho rằng, dễ đậu (nhiều trường tuyển sinh), dễ xin việc, theo trào lưu, “sĩ diện” của gia đình và ảnh hưởng lối sống thực dụng - coi trọng vật chất. Các bạn “chê” ngành xã hội, bởi nghĩ rằng, không có tương lai, thu nhập thấp, mơ hồ về cơ hội việc làm,...

Tìm hiểu thông tin để chọn ngành, nghề

Suy nghĩ thực dụng

Bạn Phạm Thị Yến Nhi (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) chia sẻ: “Khi chọn ngành, rất nhiều bạn bị sức ép đầy tính thực dụng từ xã hội, gia đình và cả bản thân. Họ cho rằng, ngành kinh tế dễ học, dễ xin việc làm khi ra trường và cơ hội thăng tiến cao. Mục tiêu trong tương lai của nhiều bạn là có cuộc sống dư dả, thoải mái. Để đạt mục tiêu ấy phải lựa chọn cho mình một ngành, nghề có thể “hái” ra tiền trong tương lai. Bên cạnh đó, nhiều bạn xem ngành xã hội là “hạng hai” bởi khó tìm việc làm, lương thấp”,...

“Rất ít bạn chọn ngành, nghề khoa học xã hội và nhân văn, vì nghĩ sẽ khó xin việc. Riêng em, em chọn vào ngành Ngữ văn Anh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Theo em, nếu sinh viên ra trường giỏi ngoại ngữ sẽ dễ xin việc hơn” - Yến Nhi cho biết thêm.

Theo bạn Nguyễn Thị Ngọc Hiền (học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa): “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng được mở ra nên nhu cầu tuyển dụng nhiều; lương, thưởng cao;... Suy nghĩ này chính là lý do để các bạn nghiêng về khối ngành kinh tế. Như một phản ứng dây chuyền, hết năm này đến năm khác, thí sinh  chọn ngành kinh tế như một giải pháp an toàn mà bỏ qua đam mê, sở thích, khả năng thật sự của mình. Bản thân em, sau khi được gia đình tư vấn, cũng chọn ngành Quản lý nhà hàng - khách sạn trong kỳ thi năm nay”.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Nghĩa - Trần Thị Thu Trang cho biết: “Những năm qua, học sinh thường có xu hướng chọn những ngành, nghề mà khi ra trường dễ xin việc làm. Nhìn vào cơ cấu ngành, nghề và số lượng hồ sơ thí sinh  nộp trong những năm qua cho thấy, xu hướng chọn nghề của thí sinh  ngày càng thực dụng. Theo đó, thí sinh  chỉ quan tâm đến các ngành có mức lương cao, dễ xin việc làm. Còn các ngành mức lương thấp, ít cơ hội thăng tiến thì rất ít hồ sơ”.

Thích chọn “thầy” hơn chọn “thợ”

Nguyên nhân chính dẫn đến việc thí sinh  ít chọn học nghề hay vào các trường nghề mà đổ xô vào các ngành kinh tế là do nhiều thí sinh  nghĩ rằng, học các trường nghề ra trường thường khó tìm việc, lương thấp. Vì vậy, thí sinh không “mặn mà” với việc học nghề.

Bạn Châu Thanh Huy (ngụ huyện Tân Trụ) là sinh viên năm 4 của Trường Đại học Văn Lang - TP.HCM cho rằng: “Thu nhập là yếu tố cốt lõi để quyết định việc chọn nghề. Trước khi chọn vào ngành Xây dựng, Trường Đại học Văn Lang, mình cũng được thầy, cô, gia đình tư vấn chọn một số ngành khác, một số trường nghề. Nếu mức lương sau khi học nghề mà cao như sau khi học ĐH, CĐ khối ngành kinh tế, tất nhiên, nhiều bạn thí sinh cũng sẽ chọn lựa!”.

Tìm hiểu, trao đổi để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Ảnh Ngọc ThạchLý giải về việc thí sinh ngại học các trường nghề, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trụ (huyện Tân Trụ) - Hoàng Xuân Cường cho rằng, hiện nay, học sinh phần lớn thích làm “thầy” hơn làm “thợ” nên chọn con đường vào ĐH, CĐ khối ngành kinh tế hơn là chọn vào một trường nghề. Cũng còn một lý do nữa là hiện nay, rất nhiều trường ĐH được thành lập và các trường đua nhau mở ngành kinh tế nên chỉ tiêu ngành này cao, cơ hội trúng tuyển lớn. Ngược lại, các trường nghề lại chưa đủ sức hút các thí sinh, chưa có nhiều khuyến khích để các em yêu thích học nghề. Bên cạnh đó, không ít các bậc cha mẹ, dù biết sức học của con mình không đáp ứng được nhưng cũng ép con thi vào khối ngành kinh tế với suy nghĩ khối ngành này thường được mọi người đề cao, nể phục,...

Theo thống kê, các trường ĐH, CĐ mà thí sinh đua nhau nộp hồ sơ vào: Trường ĐH Ngân hàng, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Kinh tế, ĐH Tôn Đức Thắng, CĐ Kinh tế Đối ngoại,... Tuy nhiên, qua thực tế các năm, không phải sinh viên nào tốt nghiệp khối ngành kinh tế khi ra trường cũng có việc làm. Hiện nay, rất nhiều sinh viên chọn ngành học không phù hợp phải bỏ học hay theo học nhưng khi ra trường cũng không xin được việc làm,...

Điển hình như bạn Nguyễn Hoàng Tuấn, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh của một trường ĐH trên địa bàn tỉnh nhưng hơn một năm sau khi ra trường vẫn không tìm được việc làm. Hiện nay, bạn ấy đang theo học nghề điện công nghiệp. Tuấn chia sẻ: “Lúc đầu, mình cũng vì sĩ diện, theo bạn bè nộp hồ sơ vào ĐH. Nhưng khi vào học, mình mới thấy, đây không phải ngành mình yêu thích, không phù hợp với bản thân. Sau hơn 4 năm học, ra trường, cầm tấm bằng loại khá trên tay nhưng mình vẫn thất nghiệp. Bây giờ, mình phải đi học nghề điện để có thể xin việc dễ hơn - dù lương có thấp, còn hơn không có việc làm. Vì vậy, trong kỳ tuyển sinh năm nay, mình khuyên các bạn, đừng suy nghĩ quá thực dụng, nên chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình và phù hợp với khả năng tài chính của gia đình,... để có thể học tập thật tốt và ra trường có việc làm phù hợp. Chọn ngành, nghề đúng là chọn cho mình một tương lai vững chắc”./.

Chọn đúng nghề - Chìa khóa của thành công

Chọn đúng nghề - Chìa khóa của thành công 

Cập Nhật 07-04-2017

Ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường học có học sinh khối 12 đã và đang tích cực tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh nhằm cung cấp kiến thức cho các em trong chọn nghề phù hợp.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích