Tiếng Việt | English

08/04/2017 - 21:14

Chọn đúng nghề - Chìa khóa của thành công

Chọn nghề phù hợp là chọn cho mình một tương lai vững chắc. Tuy nhiên, để biết được nghề nào phù hợp hay chưa phù hợp, học sinh (HS) cần hiểu rõ những nguyên tắc chọn nghề. Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường học có HS khối 12 đã và đang tích cực tư vấn, hướng nghiệp cho HS nhằm cung cấp kiến thức cho các em trong chọn nghề phù hợp.

Trường đại học tư vấn trực tiếp cho học sinh trong lựa chọn nghề phù hợp

Tránh sai lầm trong chọn nghề

Tư vấn, hướng nghiệp cho HS, đặc biệt HS khối 12 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường học. Hiện nay - giai đoạn HS làm hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia, trong đó có đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nên các trường đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng tư vấn trực tiếp cho các em.

Tuy nhiên, một số HS chưa xác định được hướng đi cho tương lai, các em thường mắc phải những sai lầm trong chọn nghề: Chọn nghề theo phong trào, theo lời khuyên của người khác, chưa hiểu rõ về nghề, vì sự hào nhoáng bên ngoài của nghề, chưa quan tâm đến nhu cầu xã hội, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp,...

Mắc phải những sai lầm ấy khi chọn nghề đồng nghĩa với việc các em tự đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc.

Thầy Phan Quang Trạng - giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) chia sẻ: "Đa số HS xác định được ngành, nghề cho tương lai. Các em tự tìm hiểu về điều kiện, tính chất của ngành, nghề ấy. Tuy nhiên, một số HS học lực yếu, kém vẫn còn lo lắng trong việc chọn nghề nào phù hợp với mình. Các em ấy nếu không được tư vấn kỹ sẽ rất dễ mắc sai lầm trong việc chọn nghề".

Để khắc phục những sai lầm thường mắc phải của HS trong chọn nghề, khi tư vấn, hướng nghiệp, giáo viên phân tích cho HS nắm rõ những nguyên tắc chọn nghề. Trong đó, chọn nghề phải phù hợp với trình độ, khả năng, tính cách, sức khỏe, điều kiện kinh tế,... Dựa trên những nguyên tắc đó, HS tự xem xét bản thân và có sự chọn lựa nghề phù hợp cho riêng mình.

Chọn nghề phải hiểu về nghề

Khi lựa chọn nghề cho tương lai đồng nghĩa với việc HS phải hiểu rõ về nghề ấy. Đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của việc chọn nghề.

Trước khi lựa chọn nghề nào, các em phải tự tìm hiểu kỹ về nghề đó để xem xét, đó có thật sự là nghề phù hợp và mình muốn lựa chọn. Trong đó, các em thường chú ý đến yêu cầu về nghề, triển vọng của nghề, mức lương, nhu cầu của thị trường lao động,...

Tuy nhiên, đa số các em vẫn còn một số thắc mắc. Do đó, các thành viên tổ tư vấn, hướng nghiệp của các trường có HS khối 12 phát huy hiệu quả vai trò của mình, đặc biệt, lực lượng đoàn viên, thanh niên và giáo viên chủ nhiệm của trường.

"Mặc dù tư vấn, hướng nghiệp cho HS chọn nghề phù hợp nhưng tôi vẫn chưa an tâm trong việc chọn nghề của các em. Do đó, trong tiết sinh hoạt lớp hoặc có thời gian rảnh, tôi tìm hiểu về sự lựa chọn ngành, nghề của các em xem có thật sự phù hợp chưa. Nếu các em chưa nắm rõ, tôi phân tích về ngành, nghề ấy theo sự hiểu biết của mình và khuyên các em nên tìm hiểu kỹ hơn để không mắc phải những sai lầm khi chọn nghề" - cô Tạ Thị Kiều Tiên - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cho biết.

Giáo viên tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trong tiết sinh hoạt lớp

Ngoài ra, nhà trường còn tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng đến tư vấn trực tiếp cho HS. Tại các buổi tư vấn, các em được giải đáp những thắc mắc xoay quanh ngành, nghề mình muốn lựa chọn. Từ đó, các em có định hướng, mục tiêu rõ ràng hơn cho tương lai.

Em Lê Thị Yến Trinh - HS lớp 12C1, Trường THPT Thạnh Hóa cho biết: "Khi bước vào THPT, em đã xác định ngành, nghề cho tương lai. Đó là ngành y. Từ đó, em tìm hiểu kỹ về yêu cầu, tính chất công việc, những khó khăn của nghề mà em lựa chọn. Ngoài ra, em cũng có thuận lợi là có người nhà làm trong ngành này nên những thắc mắc của em đều được giải đáp. Đồng thời, em tìm hiểu thêm về điều kiện học tập, điểm xét tuyển thông qua các buổi tư vấn trực tiếp của các trường đại học".

Với sự nỗ lực trong công tác tư vấn, hướng nghiệp của các trường học, sự chủ động của HS trong việc tìm hiểu về ngành, nghề. Hy vọng rằng, mỗi HS lựa chọn cho mình một ngành, nghề phù hợp, vững bước vào tương lai./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết