Trang bị những kỹ năng cần thiết
Từ ngày 06/12, học sinh (HS) khối THPT trên địa bàn tỉnh đã chính thức trở lại trường. Ở cấp học này, các em có sự chuẩn bị và ý thức tốt trong việc tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Được cha mẹ, thầy cô hướng dẫn và đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nên các em tự tin đến trường trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc phòng, chống dịch.
Phương Uyên - HS Trường THPT Hùng Vương (TP.Tân An, tỉnh Long An), chia sẻ: “Chúng em rất mừng khi được trở lại trường học trực tiếp. Sau thời gian dài không gặp nhau, giờ được đi học lại, ai cũng vui. Trước đó, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ hướng dẫn chúng em thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Khi trở lại trường, các bạn dành tặng nhau những món quà nhỏ như khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Em cũng được nhỏ bạn thân tặng hộp khẩu trang với những họa tiết rất xinh và chai nước rửa tay hình thú ngộ nghĩnh. Có bạn còn tự may và thêu khẩu trang tặng nhau. Trở lại trường, chúng em không quá lo lắng bởi qua thời gian dài ứng phó với dịch bệnh cũng tích lũy được ít kinh nghiệm và dần thích ứng với cuộc sống “bình thường mới””.
Đầu tháng 01/2022, HS cấp Tiểu học và Mầm non sẽ chính thức đi học trở lại nhưng những ngày này, cha mẹ, thầy cô cũng đã “làm công tác tư tưởng” và chuẩn bị cho các em một tinh thần tốt nhất. Chị Kim Phượng - phụ huynh em Bá Thọ (HS Trường Tiểu học Cần Đốt, TP.Tân An), chia sẻ: “Mấy tuần nay, tôi chuẩn bị quần áo, dụng cụ học tập để con trở lại trường. Ở độ tuổi này, ý thức phòng, chống dịch bệnh của các con chưa cao lại hiếu động, hay đùa giỡn nên tôi dặn con luôn đeo khẩu trang, không tập trung tại các hàng quán trước cổng trường. Thấy con háo hức khi sắp được đi học trở lại, tôi cũng vui vì mấy tháng qua ở nhà, các con cũng nhớ trường, lớp, thầy cô. Đi học lại, đối diện với những nguy cơ nhiễm Covid-19 nên tôi dạy các con nếu chẳng may mắc bệnh phải bình tĩnh điều trị. Tôi thường đặt ra tình huống gia đình có người nhiễm Covid-19 để các con có cách ứng phó”.
Giúp các em có cái nhìn khác hơn về Covid-19
Trong khoảng thời gian dịch bệnh phức tạp, vì quá lo lắng, nhiều người có thái độ kỳ thị và sợ F0. Chính vì tâm lý đó mà những người không may nhiễm bệnh lại mặc cảm, khó hòa nhập, trong đó có HS. Thực tế, nhiều HS mắc Covid-19 đã trải qua khoảng thời gian căng thẳng, ảnh hưởng tâm lý bởi sự kỳ thị. Có em không dám trở lại trường vì sợ bạn bè xa lánh khi biết mình từng mắc Covid-19.
Chị P.T. (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) trải lòng, cả gia đình vừa điều trị khỏi Covid-19 và một áp lực sau khi khỏi bệnh là tâm lý của các con. Trong khi bé nhỏ 6 tuổi không bị ảnh hưởng nhiều thì con gái lớn 14 tuổi lại bị khủng hoảng, sống khép kín hơn. Khi nghe thông tin sắp được đi học lại, con càng lo lắng vì nghĩ bạn bè sẽ sợ và xa lánh mình.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã không còn căng thẳng như trước, các ca F0 thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và bất cứ ai cũng có thể trở thành F0 nên thay vì kỳ thị, mọi người hãy có cái nhìn khác về Covid-19. Trong đó, cha mẹ, thầy cô cần định hướng để HS hiểu rõ hơn về dịch bệnh và không kỳ thị, không phân biệt đối xử để những HS từng nhiễm bệnh tự tin hơn khi quay trở lại trường, lớp.
Việc trở lại trường học trực tiếp sẽ giúp HS thích ứng với tình hình mới và được học tập trong môi trường tốt, hiệu quả hơn so với học trực tuyến. Điều quan trọng nhất lúc này là chuẩn bị tinh thần để các em sớm bắt nhịp lại với việc học./.
Ngọc Cầm