Năm 2015, Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với những bước phát triển vượt bậc trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng. Phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hồng Quân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng về những bước đi tiếp theo trong quan hệ an ninh - quốc phòng giữa hai nước.
PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm mang tính lịch sử đến Mỹ. Ông có thể cho biết thêm về ý nghĩa và tác động của chuyến thăm này đối với quan hệ Việt Nam – Mỹ, trong đó có quan hệ quốc phòng?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Đây là chuyến thăm đầu tiên và cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo nước ta trong 20 năm qua tới Mỹ. Chuyến thăm này thể hiện Mỹ thừa nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, thừa nhận và tôn trọng chế độ chính trị của chúng ta, mặc dù Việt Nam và Mỹ có hai thể chế chính trị khác nhau.
Thêm nữa, chuyến thăm này góp phần giảm thiểu những nghi ngại từ cả hai phía. Đối với cộng đồng 4 triệu người Việt Nam tại nước ngoài, trong đó một nửa tại Mỹ thì nó cũng có tác dụng làm giảm nghi ngại đối với chính sách của Việt Nam, quan trọng là nâng cao vị thế của Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trong khu vực cũng như trường quốc tế.
Chúng ta đều biết, quốc phòng an ninh là lĩnh vực rất nhạy cảm. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương với ý nghĩa là chuyến thăm của người đứng đầu Đảng, Đảng bộ Quân đội. Chuyến thăm này tạo cho quân đội niềm tin tưởng vững chắc hơn vào sự lãnh đạo của Đảng đối với củng cố quan hệ đối ngoại quốc phòng cũng như quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ.
Theo tôi, về mặt quan hệ đối ngoại, quan hệ quốc phòng, chuyến thăm này tạo thuận lợi hơn cho chúng ta đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Mỹ, định hướng rõ ràng hơn.
PV: Theo ông, việc tăng cường quan hệ quốc phòng Việt Nam - Mỹ có vai trò và ý nghĩa như thế nào đối với an ninh, hòa bình và ổn định khu vực?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Chúng ta phải xem xét mục tiêu Mỹ và Việt Nam có điểm gì đồng nhất hay không trong việc góp phần bảo vệ an ninh, hòa bình, ổn định khu vực.
Trước tiên, nói về mục tiêu của Việt Nam, chúng ta luôn bảo vệ hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Chúng ta bảo vệ chủ quyền, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ đất nước. Chúng ta cũng cam kết bảo đảm hoạt động kinh tế thương mại an ninh, an toàn trên cả đường bộ, đường không và đường biển. Chúng ta cũng chủ trương về mặt đối ngoại là giải quyết tranh chấp, bất đồng còn tồn tại nhất là vấn đề lãnh thổ bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.
Còn về phía Mỹ, chúng ta đều biết Mỹ đặt rất cao vấn đề thương mại an toàn qua đường bộ, đường không, đường biển. Mỹ cũng đã lên tiếng giải quyết tranh chấp bất đồng bằng con đường hòa bình. Ở đây có nghĩa là phải qua đàm phán hoặc qua con đường pháp lý, tránh sử dụng vũ lực. Mỹ còn nói rõ là phải đàm phán đa phương, lấy ASEAN làm trung tâm.
Mỹ quan tâm tới việc tự do qua lại tàu bè, máy bay và đặc biệt là phương tiện quân sự trên vùng biển, vùng trời không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào, có nghĩa là thuộc các vùng biển quốc tế, không phận quốc tế.
Chúng ta thấy Việt Nam và Mỹ có những lợi ích song trùng, có những điểm tương đồng giống nhau. Chính những điểm tương đồng này là cơ sở để hai nước hợp tác quốc phòng để đảm bảo an ninh, hòa bình, ổn định.
Vì thế, tôi nghĩ rằng, không chỉ Việt Nam và Mỹ hợp tác với nhau mà chúng ta cũng hoan nghênh các nước thứ ba hợp tác vì mục tiêu trên. Chúng ta cũng thấy lợi ích của nhiều nước lớn trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, đều có lợi ích ở khu vực Biển Đông. Lợi ích càng song trùng, quan tâm chính trị càng tăng thì hợp tác càng thuận lợi. Hợp tác quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ ở lĩnh vực quốc phòng này cũng là gợi mở hợp tác đa phương nhằm đảm bảo ổn định, an ninh và chủ quyền.
PV: Vậy hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ sẽ có tác động như thế nào đến vấn đề trên Biển Đông, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Đối với những diễn biến vừa qua, đặc biệt là những diễn biến trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông, khiến quốc tế quan ngại vì đây là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin của các nước trong khu vực, phần nào đó thúc đẩy chạy đua vũ trang. Các nước trong khu vực chạy đua vũ trang rất dễ dẫn đến xung đột, thậm chí còn dẫn đến đối đầu về quân sự. Bên cạnh đó, những hoạt động chạy đua vũ trang cản trở phát triển kinh tế, cản trở đầu tư xã hội.
Làm thế nào duy trì hòa bình ổn định khu vực này thì theo tôi, Mỹ, các nước lớn, các nước có liên quan cần phải làm cho người dân hiểu được vấn đề này để ngăn chặn nó diễn biến theo chiều hướng xấu. Thứ hai, các bên liên quan cần phối hợp hoạt động mọi quốc gia cùng tham gia, không để ai đứng ngoài mục tiêu cao nhất đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực.
Cuối cùng là phải tăng cường hoạt động đảm bảo hòa bình, an ninh hàng hải, tăng cường phối hợp tuần tra chung trên biển, xây dựng một cơ chế minh bạch về các hoạt động trên biển, trên không, từ đó mới xây dựng được lòng tin, củng cố hòa bình, ổn định khu vực này.
PV: Có quan điểm cho rằng, Việt Nam tăng cường quan hệ quốc phòng, đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông thời gian qua. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Lệnh cấm bán vũ khí sát thương khi thế giới còn chia làm hai phe. Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ được 20 năm, nhưng gần đây Mỹ mới đề cập việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương này. Chúng ta yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh này để chứng tỏ Việt Nam không bị phân biệt đối xử như các nước khác, để chứng tỏ Việt Nam có quan hệ hoàn toàn bình thường với Mỹ cũng như với các nước lớn khác và cũng là để tránh các nước khác lợi dụng chuyện Việt Nam đang bị cấm vận mà gây sức ép với chúng ta.
Về vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông chúng ta phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc. Đó là sức mạnh về kinh tế, sức mạnh chính trị, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Đồng thời phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, có nghĩa là phải tăng cường đoàn kết quốc tế để quốc tế ủng hộ lẽ phải, ủng hộ chính nghĩa.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Vũ Tuấn-Vũ Hợp/VOV - Trung tâm Tin (thực hiện)