Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 10:08

Có một lễ hội đờn ca tài tử trên quê hương Nàng Thơm

Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức gọi Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) là Vạn Phước phường, tức thôn có làng nghề thủ công truyền thống. Đình Vạn Phước ở đây nay còn là nơi lưu niệm Đức nghệ nhơn Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) và liên hoan đờn ca tài tử hàng năm vào ngày 19 tháng Giêng.


Nghệ nhân Phạm Hữu Hinh (cố nhạc nhạc sỹ Mười Út) cung thỉnh linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại vào đình Vạn Phước, năm 1996

Trong dòng chảy Nam tiến, Nguyễn Quang Đại đến vùng Cần Đước, Cần Giuộc vào cuối thế kỷ 19, truyền dạy và đào tạo nên nhiều thế hệ tài năng, góp phần làm cho đờn ca tài tử Nam Bộ đơm hoa, kết trái, ngày càng lan tỏa và có một sức sống kỳ diệu, trở thành di sản chung. Từ sau khi linh vị ông được đưa về thờ phụng ở nơi ông đã từng sống và truyền dạy bộ môn nhạc tài tử, nhạc lễ Nam Bộ (8-3-1996), lễ húy kỵ ngày 19 tháng Giêng hàng năm tại Đình Vạn Phước là dịp để nhân dân và giới đờn ca tài tử húy kỵ. Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại và li6en hoan, giao lưu đờn ca tài tử với sự tham gia của nhiều câu lạc bộ, đội nhóm, nghệ nhân, nghệ sĩ tên tuổi ở Long An, TPHCM và các tỉnh phía Nam. Hoạt động này được duy trì và phát triển suốt gần 20 năm qua, trở thành nét văn hóa truyền thống ở địa phương vì đây cũng là thời điểm của lễ hội Kỳ Yên tại Đình Vạn Phước vào ngày 17, 18 và 19 tháng Giêng. Lễ hội Đình Vạn Phước còn là dịp tôn vinh nghệ nhân đờn ca tài tử Long An được truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, đến nay có 14 nghệ nhân, là: Nguyễn Quang Đại, Nguyễn Thế Huyện (Tư Huyện), Huỳnh Văn Biểu (Hai Biểu), Trương Văn Tự (Ba Tu), Phạm Hữu Hinh (Mười Út), Nguyễn Văn Quế (Bảy Quế), Võ Văn Chuẩn (Tư Bền), Trà Văn Giai (Năm Giai), Nguyễn Văn Láo (Chín Láo), Trương Văn Đệ (Bảy Hàm), Nguyễn Thới Lung (Năm Lung), Đặng Quất Vân (Bảy Vân), Lê Thị Kim Hồng (NS Ánh Hồng) và Nguyễn Tấn Khoa (Tấn Khoa).

Trong bối cảnh Đờn ca tài tử Nam Bộ vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lễ húy kỵ đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại và liên hoan đờn ca tài tử tại đình Vạn Phước không những là nơi để giới đờn ca tài tử giao lưu, thi thố, phục vụ thưởng ngoạn, hoàn thiện năng lực nghệ thuật của mình mà đây thực sự là một lễ hội - không gian văn hóa góp phần bảo tồn di sản Đờn ca tài tử ở Long An và Nam bộ.

Về Đình Vạn Phước dự lễ Kỳ Yên để giao lưu cộng cảm với người dân nơi đây và tìm hiểu văn hóa làng xã Nam bộ; đốt nén tâm hương tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa có công lao truyền bá bộ môn nghệ thuật đặc sắc của vùng đất phương Nam; thăm quê hương gạo Nàng Thơm Chợ Đào, thưởng thức món mắm biển với chuối chát, khế chua đặc sản, đậm đà và chân quê; đến với làng nghề làm bánh phồng, bánh neo, bánh hỏi, bánh tét,… để tìm lại chút hương xưa của phường nghề Vạn Phước… Phải chăng đây cũng là điểm đến của du lịch văn hóa, tâm linh và khám phá mà ngành du lịch cần kết nối.

Nguyễn Tấn Quốc

 

Chia sẻ bài viết