Sáng nào, những người dân trong khu xóm chợ cũng thấy anh Hải tất bật đưa bé An đến trường rồi quay về nhà ăn sáng với vợ. Chị Hằng chuẩn bị chu đáo, hôm thì nấu bún bò, hôm đổi món hủ tíu cho chồng đỡ ngán. Nhìn anh chị quấn quýt, không ít người ganh tị, người bảo chị có phước khi lấy được anh, người lại bảo số anh sướng, lấy được cô vợ ngoan hiền, đảm đang. Ăn sáng xong, anh dắt xe ra cho chị đi làm, lui cui dọn dẹp, rửa chén rồi phóng đến phòng tranh. Anh là họa sĩ, cái nghề mà cha mẹ Linh chê nghèo và nhất quyết không gả con gái cho anh.
Ngày đó, anh, Linh và Hằng là bộ ba thân thiết. Anh học Mỹ thuật, Linh học Kinh tế còn Hằng học Luật, ba ngành học nghe qua chẳng liên quan gì đến nhau nhưng họ lại thân thiết một cách lạ lùng. Đi đâu cũng có cả ba. Có người ngỡ anh là người yêu của Hằng, có người bảo Linh yêu anh, mặc kệ, anh không quan tâm, chỉ thấy cả ba rất hợp nhau nên đi xem phim, du lịch hay đến thư viện cũng đều có cả ba. Rồi anh và Linh yêu nhau, tình yêu đến một cách tự nhiên và nhẹ nhàng. Hằng cũng có người yêu và họ vẫn chia sẻ, quan tâm đến nhau. Biết anh đam mê hội họa, Linh “vay nóng, vay nguội”, mượn bạn bè, góp tiền cùng anh mở phòng tranh. Hằng đem cầm chiếc xe máy đang đi để phụ bạn. Ngày khai trương phòng tranh, nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má anh, cả Linh và Hằng đều cảm nhận đây là niềm hạnh phúc thật sự của đời anh.
Minh họa: Thiện Mỹ
Nhà anh nghèo, cái nghề họa sĩ lại không giúp anh nuôi nổi bản thân, lấy đâu lo cho gia đình, lo cho Linh. Tình yêu giữa Linh và anh bị gia đình Linh phản đối dữ dội. Cha mẹ Linh nhiều lần đến gặp anh, yêu cầu chấm dứt mối quan hệ với con họ. Không dùng tiền bạc lay chuyển được anh, họ quay sang hăm dọa sẽ phá nát phòng tranh. Anh biết, điều đó quá dễ với một người nắm nhiều quyền lực như cha Linh nhưng anh vẫn chắc nịch “phòng tranh có thể mất nhưng tình yêu con dành cho Linh thì không bao giờ hết”. Biết không thể ngăn cấm được tình yêu của con, cha mẹ Linh làm thủ tục cho con du học. Ông bà hy vọng rằng, cuộc sống mới nơi đất khách sẽ làm Linh quên đi cuộc tình với Hải. Nhưng, phần số hai người không thuộc về nhau, không phải bởi cha mẹ Linh chia cách, không phải bởi họ hết yêu nhau mà bởi như định mệnh sắp đặt. Trong một lần tranh cãi với cha mẹ, Linh buồn, chạy xe máy vòng vòng cho khuây khỏa và mãi mãi... không trở về nữa. Nghe tin Linh bị tai nạn giao thông, Hải và Hằng tức tốc đến bệnh viện... chỉ kịp nhìn Linh lần cuối...
Suy sụp tinh thần, Hải đóng cửa phòng tranh cả năm trời. Từng chiều, anh cứ lang thang trên những con đường quen thuộc, nơi từng in dấu chân anh và Linh. Rồi từng chiều, trên những con đường ấy, có bóng một người con gái luôn dõi theo anh. Hằng sợ anh buồn lại làm điều dại dột nên cứ thang lang cùng anh. Cô không dám đến gần, sợ cắt ngang dòng cảm xúc của Hải nên cứ lặng lẽ dõi theo từng bước chân anh. 4 năm, rồi 5 năm, khi nỗi đau ấy nguôi ngoai, Hằng mới dám thể hiện tình cảm của mình với Hải. Hải không hiểu mình có yêu Hằng hay không, chỉ thấy ở bên cô, anh tìm được cảm giác ấm áp. Hằng cho anh sự bình yên của một gia đình trọn vẹn.
Anh vẫn đi về bên phòng tranh, nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm của cả ba người. Chính Hằng là người khuyên anh giữ lại phòng tranh dù nó không mang lại nhiều thu nhập. Cuộc sống hối hả với guồng quay của công việc, ít người có thời gian thưởng lãm tranh và số người yêu tranh cũng ít dần. Có khi cả tháng, anh mới bán được đôi ba bức tranh, không đủ bù chi phí. Hằng làm cho công ty nước ngoài, với vốn kiến thức về luật, cô tư vấn về pháp luật Việt Nam và được giám đốc công ty trọng dụng, cất nhắc. Trong khi Hải loay hoay định tìm một nghề khác để đỡ đần vợ thì Hằng có thai. Thể trạng yếu lại thêm những tháng đầu ốm nghén, trông cô xanh xao và tiều tụy hẳn. Hải đành từ chối công việc thiết kế ở một công ty truyền thông để chăm sóc vợ. Rồi bé An ra đời, đôi vợ chồng trẻ bận rộn với việc chăm sóc con nhỏ, tìm vú em. Những lúc con sốt, con ho, cả hai quýnh quáng.
Thương vợ vừa lo việc công ty, vừa chăm sóc con, Hải bàn với Hằng hay để anh ở nhà lo cho bé An, giao vú em cũng không an tâm. Hằng không muốn vì mình, chồng phải gác lại sự nghiệp nên động viên anh đi làm. Suy đi, nghĩ lại mấy bận, anh quyết định ở nhà lo cho con để vợ yên tâm công tác. Có anh phụ với vú em, Hằng cũng yên tâm hơn. Mỗi khi rảnh rỗi, anh lại ra mở cửa phòng tranh cho thỏa niềm đam mê thế thôi, chứ có ngày không có người khách nào đến tham quan. Bé An hai tuổi, anh bàn với vợ đóng cửa phòng tranh để mở cửa tiệm làm bảng hiệu quảng cáo. Hằng đồng ý nhưng cô muốn mở cửa tiệm ở một chỗ khác, vẫn giữ lại phòng tranh vì đó là tâm huyết, là kỷ niệm về mối tình của anh và Linh.
Thu nhập chẳng thấm vào đâu so với lương của vợ, đôi lúc Hải cũng tự ái lắm nhưng chính Hằng lại là người xóa đi mặc cảm đó trong anh. Thu nhập hàng tháng, cô chia thành các khoản: Tiền học, tiền sữa của con, tiền chợ, tiền tiết kiệm và các khoản khác, còn lại khoảng năm triệu đồng, cô bỏ trong tủ để vợ chồng xài chung. Anh làm bảng quảng cáo cũng có thêm thu nhập, có tháng năm, bảy triệu, có tháng cả chục triệu đồng, anh bỏ vào quỹ xài chung. Có tháng, vợ chồng anh dư vài triệu đồng từ số tiền xài chung ấy, cả hai hí hửng đi mua vàng và gọi đó là vàng tiết kiệm ngoài kế hoạch.
Cứ thế, bao năm nay, vợ chồng anh vẫn đầm ấm, không ai hơn thua thu nhập. Cả anh và Hằng đều cảm thấy rất vui vẻ và thoải mái. Vậy mà cũng có người “độc mồm độc miệng” bảo anh bám váy vợ, anh cười “bám vợ, bám con cứ có bám ai đâu nè!”, còn Hằng nghe câu ấy lại cười hiền “của vợ, công chồng”./.
Thương Thương