Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. (Ảnh: Dương Trí/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: "Qua bảy lần tổ chức, Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva đã khẳng định là diễn đàn quan trọng, đóng góp vào việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới."
Đến với Hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch chia sẻ chủ đề các cơ chế đa phương tại châu Á-Thái Bình Dương, hành động tập thể đối phó với những thách thức và mối đe dọa đang nổi lên.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, đây là chủ đề thiết thực, phản ánh được nhận thức của tất cả chúng ta trước sự phức tạp của tình hình, những thách thức to lớn cần phải vượt qua, đồng thời thể hiện mong muốn của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với những thách thức chung nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, làm tiền đề để phát triển và hợp tác trong khu vực.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là động lực của tăng trưởng toàn cầu và đi đầu trong liên kết kinh tế, là trọng tâm chiến lược toàn cầu có sự giao thoa lợi ích của các nước lớn.
Có thể nói, khu vực châu Á-Thái Bình Dương với vị trí địa lý chiến lược quan trọng của mình, đang đứng trước những vận hội lớn, đón đầu những thành tựu khoa học công nghệ và tận dụng những xu thế hợp tác, hội nhập, phát triển.
Tuy nhiên, khu vực này cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn với những vấn đề mang tính toàn cầu bao gồm cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như vấn đề an ninh hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên biển, vũ khí hủy diệt hàng loạt, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, an ninh mạng, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, an ninh, an toàn tự do hàng hải, và hàng không, mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0, các loại vũ khí chế tạo theo công nghệ mới...
Những vấn đề trên khiến chúng ta không khỏi quan ngại song chúng ta có cơ sở để lạc quan về những điều tốt đẹp mà xu thế hợp tác liên kết đa tầng lớp, đa lĩnh vực bao gồm cả song phương và đa phương đang diễn ra hết sức sôi động mang lại.
Các mối quan hệ song phương tại khu vực này có thể kể đến quan hệ song phương Việt Nam và Nga trải qua thăng trầm của lịch sử, bất chấp sự thay đổi của thế giới và khu vực, cũng như sự thay đổi của lãnh đạo và điều kiện mỗi nước vẫn duy trì bền vững tốt đẹp.
Điều này có được chính chính là nhờ hai nước xây dựng và duy trì quan hệ trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, chia sẻ lợi ích trên cơ sở luật pháp quốc tế, không làm phương hại tới quốc gia nào khác và luôn tôn trọng quan hệ quốc tế của nhau.
Chúng ta đều chia sẻ, nhận định về tầm quan trọng của các cơ chế hợp tác đa phương về quốc phòng, an ninh với nhiều quy mô cấp độ khác nhau đã được hình thành nhằm huy động sức mạnh tập thể để giải quyết và ứng phó với những thách thức chung.
Những cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực như thượng đỉnh Đông Á, diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
ADMM đang có những đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định của khu vực, với nhiều sáng kiến hợp tác với hành động hợp tác, đối phó với những thách thức chung, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống.
Mọi nỗ lực riêng rẽ của từng quốc gia không thể giải quyết được các thách thức mà cần sự gắn kết và chung tay hành động của toàn khu vực, trong đó quân đội đóng vai trò nòng cốt.
Toàn cảnh hội nghị.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy nhóm thường trực quân đội ASEAN về hỗ trợ, nhân đạo và cứu trợ thảm họa là những bước đi đầu tiên nhằm hướng tới mục tiêu một ASEAN một ứng phó, một cộng đồng ASEAN.
Hợp tác quốc phòng ASEAN có những bước phát triển mới với việc thiết lập ADMM+ tại Hà Nội vào năm 2010 gồm ASEAN và tám nước đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand , Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Đây thực chất là hợp tác liên khu vực xoay quanh những tâm điểm tại châu Á-Thái Bình Dương.
ADMM+ hiện đang triển khai hợp tác thông qua nhóm chuyên gia an ninh biển, hỗ trợ, cứu trợ thảm họa, quân y, chống khủng bố, hành động vì nhân đạo, gìn giữ hòa bình, an ninh mạng.
ADMM+ trở thành một khuôn khổ để quân đội các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại, tăng cường các hoạt động hợp tác, thực chất xây dựng lòng tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hành động và hỗ trợ nhau xây dựng năng lực trên các lĩnh vực mà toàn khu vực đang quan tâm, góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao những đóng góp của Nga đối với hòa bình, ổn định trong khu vực thời gian vừa qua, nhất là trong khuôn khổ ADMM+.
Nga đã đồng chủ trì nhóm chuyên gia quân y cùng với Thái Lan tham gia tích cực vào hoạt động diễn tập trong giai đoạn 2014-2017 và hiện cùng Lào đồng chủ trì nhóm chuyên gia vì hành động nhân đạo giai đoạn 2017-2020.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch bày tỏ mong muốn Nga phát huy hơn nữa vai trò ở châu Á-Thái Bình Dương, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN, trở thành nhân tố tích cực cùng ASEAN duy trì sự cân bằng trong khu vực, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh, giảm chạy đua vũ trang góp phần duy trì môi trường hòa bình, đảm bảo an ninh và ổn định ở khu vực.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Việt Nam kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp trong đó có tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và những cam kết khu vực.
Kết thúc bài phát biểu, Đại tướng Ngô Xuân Lịch trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, trong đó nói rõ “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng, các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau đều có thể chung sống hòa bình được.”
Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva lần thứ 7 diễn ra trong các ngày 4-5/4 với sự tham dự của hơn 850 đại biểu đến từ 95 quốc gia, trong đó có 30 Bộ trưởng Quốc phòng, 15 Tổng Tham mưu trưởng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng một số đại diện các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)...
Chủ đề chính của Hội nghị năm nay: "Triển vọng phát triển tình hình tại Trung Đông sau khi "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bị đánh bại tại Syria," bao gồm cả vấn đề khôi phục sau xung đột và thiết lập cuộc sống hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.
Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và "sức mạnh mềm" như công cụ giải quyết những nhiệm vụ quân sự-chính trị cũng được đưa vào chương trình nghị sự./.
Theo TTXVN