Tiếng Việt | English

28/10/2019 - 09:04

Để các danh hiệu văn hóa ngày càng đi vào thực chất

Không để các danh hiệu văn hóa mang “mác”, “chạy thành tích”, các địa phương nỗ lực trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Gia đình văn hóa -  tế bào lành mạnh của xã hội

Về ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, nhắc đến gia đình ông Nguyễn Văn Mùi (75 tuổi), hầu như ai cũng nghĩ ngay đến những cụm từ “gia đình truyền thống”, “gia đình mẫu mực”, “gia đình hạnh phúc”, bởi gia đình ông không chỉ sống chan hòa cùng lối xóm mà từng thành viên còn kính trên, nhường dưới, yêu thương, đùm bọc nhau và không ngừng học hỏi để tiến bộ, phát triển kinh tế. Đó là “quả ngọt” từ việc quan tâm nuôi dạy con cháu của vợ chồng ông. Ông Mùi chia sẻ: “Tôi luôn quan niệm, con người lễ nghĩa phải đi đầu. Do đó, bằng những việc làm cụ thể của bản thân như cách cư xử, nói chuyện với mọi người xung quanh, tôi luôn làm gương để con cháu học theo. Đồng thời, tôi dành thời gian để chia sẻ, tâm sự, khuyên răn con cháu về những điều hay, lẽ phải ở đời”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Mùi luôn giữ gìn truyền thống

Gia đình ông Nguyễn Văn Mùi luôn giữ gìn truyền thống

Bên cạnh đó, các dịp giỗ, lễ, tết,... các thành viên gia đình ông Mùi lại quây quần bên nhau. Họ cùng thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, tết ở gia đình ông Mùi không chỉ mang ý nghĩa đoàn viên mà từng thành viên còn thể hiện lòng nhớ ơn tổ tiên, ông bà và cùng cầu mong năm mới may mắn, bình an. Do đó, dù thành viên lớn hay nhỏ, ai cũng có trách nhiệm trong việc trở về nhà thờ để chuẩn bị tết và vái lạy tổ tiên.

Gia đình bà Trần Thị Yến (79 tuổi), ngụ khu phố 3, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, cũng là gia đình văn hóa. Hơn nửa đời người sống bên nhau, bà Yến và chồng luôn hiểu, tôn trọng nhau. Nhờ vậy, gia đình bà luôn “thuận vợ thuận chồng”, nuôi con thành đạt và xây dựng gia đình văn hóa. Bên cạnh giữ gìn hạnh phúc gia đình, bà Yến còn san sẻ yêu thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn. “Mỗi khi nghe ai kể về hoàn cảnh khó khăn nào tại địa phương và cần được giúp đỡ là tôi hỗ trợ ngay. Cùng với đó là cầu mong họ sớm vượt qua khó khăn” - bà Yến tâm sự.

Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ là một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa. Đó cũng là những “viên gạch” xây dựng ấp, khu phố văn hóa và xã đạt chuẩn văn hóa, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa - Lê Hữu Tâm cho biết: “Để xây dựng gia đình văn hóa, đầu tiên các gia đình cần xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Do đó, địa phương tích cực tuyên truyền, nhắc nhở ông bà, cha mẹ trong các gia đình cần mẫu mực để làm gương cho con cháu; xây dựng tình làng, nghĩa xóm và giúp nhau phát triển kinh tế; đồng thời, tuyên truyền để các gia đình tuân thủ pháp luật, tham gia giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Từ những gia đình văn hóa như vậy, xã hội sẽ ngày càng tiến bộ và phát triển; ấp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa đi vào thực chất hơn. Đó cũng là điều địa phương đang hướng tới”.

Đời sống tinh thần được nâng lên

Tại xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, hầu như mỗi người dân đều có thể lựa chọn cho mình một hình thức sinh hoạt cộng đồng phù hợp. Người già có thể tham gia tập dưỡng sinh; trung niên, thanh niên có thể tham gia câu lạc bộ văn nghệ - đờn ca tài tử, khiêu vũ, yoga; thiếu niên có thể tham gia đá bóng, học võ thuật, múa hiện đại. Các ngày trong tuần, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã đều náo nhiệt. Nhiều câu lạc bộ, hoạt động còn “nối dài” đến các ấp và phát huy hiệu quả. Do đó, chất lượng đời sống tinh thần của người dân nơi đây thực sự là một “điểm sáng”.

Ngoài tham gia câu lạc bộ văn nghệ - đờn ca tài tử, chị Nguyễn Thị Phượng và các chị em trong tổ phụ nữ còn thực hiện nhiều mô hình thiết thực như xách giỏ đi chợ, hạn chế sử dụng túi nylon

Ngoài tham gia câu lạc bộ văn nghệ - đờn ca tài tử, chị Nguyễn Thị Phượng và các chị em trong tổ phụ nữ còn thực hiện nhiều mô hình thiết thực như xách giỏ đi chợ, hạn chế sử dụng túi nylon

Hai năm tham gia Câu lạc bộ Văn nghệ - Đờn ca tài tử của xã, cuộc sống chị Nguyễn Thị Phượng (54 tuổi), ngụ ấp 3B, xã Phước Lợi, tươi mới hơn, có sự thay đổi rõ so với trước đây. Đó là tham gia sinh hoạt văn nghệ, đờn ca tài tử với mọi người, chị Phượng được học hỏi, giao lưu và phát huy năng khiếu ca hát của bản thân. Chị Phượng tâm sự: “Không còn cái thời chỉ biết đi ra ngoài làm việc kiếm tiền, về đến nhà “bù đầu” với công việc nội trợ. Nay, tôi biết phân bổ thời gian làm việc, nghỉ ngơi và tận hưởng những giá trị tinh thần một cách hợp lý. Tham gia câu lạc bộ, tôi như được bước chân ra ngoài xã hội, mở mang nhiều điều mới hơn, đặc biệt là giảm căng thẳng, mệt mỏi. Có lẽ do vậy mà tôi cảm thấy mình trẻ trung, năng động hơn”.

Vậy là cứ mỗi tối thứ sáu hàng tuần, chị Phượng không quên gác lại công việc để đến Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã để sinh hoạt. Ai đến trước thì hát trước, đến sau hát sau. Sau khi hát, các thành viên góp ý cho nhau để ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, các dịp giao lưu địa phương khác hay phục vụ văn nghệ tại xã, các thành viên lại tăng cường tập luyện. Và trong suốt các buổi sinh hoạt ấy, ngoài tiếng hát là tiếng nói, cười vui vẻ, bởi ai cũng xem nhau như gia đình.

Phước Lợi ngày nay

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lợi - Phạm Anh Dũng chia sẻ: “Một trong những thay đổi lớn của địa phương là đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. Đó là nhờ sự hoạt động hiệu quả của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng. Và khi người dân, nhất là thanh, thiếu niên có điểm sinh hoạt lành mạnh, bổ ích thì các tệ nạn sẽ dễ dàng bị đẩy lùi. Hướng tới,  địa phương tiếp tục nâng cấp trang thiết bị thông qua xã hội hóa từ nguồn hội phí của các hội viên, trên tinh thần tự nguyện để phục vụ tốt hơn đời sống tinh thần của người dân”. 

Bộ mặt nông thôn thay đổi

Về lại xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, chúng tôi thấy các tuyến đường trục chính, liên ấp, xóm của xã đều được nhựa hóa, đal hóa và có hệ thống chiếu sáng giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Nhiều tuyến đường được trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Theo đó, Hòa Phú trồng và chăm sóc trên 8.500 cây xanh, gắn 370 bóng đèn, xây dựng 100 bồn hoa, trồng 10.000 bầu cây chiều tím, 400 cây hoàng yến và 400 cây sao dọc các tuyến đường trên địa bàn xã. Tiêu biểu như đường Kênh Nổi Trạm Bơm được nhựa hóa và làm nức lòng người đi đường bởi ngập sắc hoa hoàng yến, mười giờ và chiều tím dọc tuyến đường và được gắn camera an ninh, trật tự. Đây cũng là tuyến đường mẫu của xã. 

Tuyến đường Kênh Nổi Trạm Bơm - niềm tự hào của người dân xã Hòa Phú

Chị Hồ Thị Thức (42 tuổi), ngụ ấp 1, xã Hòa Phú, bộc bạch: “Các tuyến đường trên địa bàn xã không chỉ được nhựa hóa, đal hóa mà còn xanh, sạch, đẹp, an toàn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của Hòa Phú. Là người dân của xã, tôi cũng cảm thấy tự hào”.

Bên cạnh giao thông nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở đây cũng khởi sắc. Toàn xã có hơn 90% người dân sử dụng nước sạch; người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thanh long và đạt hiệu quả kinh tế cao; trường học đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và phát triển toàn diện.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn cho biết: “Tất cả những việc làm của địa phương mục đích cuối cùng là làm cho dân. Hướng tới, địa phương tiếp tục nỗ lực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và làm thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn Hòa Phú”.

Đó là những nỗ lực của các địa phương để các tiêu chí văn hóa của gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xã văn hóa đi vào thực chất, góp phần phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội địa phương./.

Đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Long An có 380.419/389.928 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; 1.019/1.035 ấp, khu phố được công nhận ấp, khu phố văn hóa; 121/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết