Tiếng Việt | English

03/02/2022 - 14:01

Dịch COVID-19 ngày 3/2: Thế giới ghi nhận trên 5,7 triệu ca tử vong

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với 76.879.566 ca nhiễm và 917.421 ca tử vong. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai với 41.795.478 ca, nhưng đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ tính đến 9h30' ngày 3/2 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 3.022.399 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 385.097.597 ca, trong đó có 5.717.871 ca tử vong.

Số ca bình phục là 305.065.456 ca. Hiện có 91.728 ca trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với 76.879.566 ca nhiễm và 917.421 ca tử vong. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai với 41.795.478 ca, nhưng đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 498.987 ca.

Với 25.813.685 ca mắc và 629.078 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc và đứng thứ hai về số ca tử vong.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với 130.168.746 ca nhiễm, trong đó có 1.625.614 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 101.682.160 ca nhiễm và 1.296.507 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận 90.025.554 ca nhiễm, trong khi Nam Mỹ ghi nhận 49.293.007 ca.

Tại châu Âu, dù dịch bệnh phức tạp, song một số nước đã quyết định nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Pháp đã nới lỏng một số biện pháp phòng dịch mới đây, trong đó có việc đeo khẩu trang ở khu vực công cộng ngoài trời.

Trong khi đó, kể từ ngày 14/2, Phần Lan đã quyết định dỡ bỏ hạn chế số người tham gia các sự kiện thể thao và văn hóa, song sẽ duy trì phần lớn các biện pháp phòng dịch cho đến đầu tháng 3 tới. Còn tại Thụy Sĩ, giới chức nước này thông báo nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch và sẽ cân nhắc dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế vào giữa tháng 2 này.

Thủ tướng Italy Mario Draghi thông báo sẽ nới lỏng một số quy định phòng dịch, đồng thời cam kết đẩy nhanh tiến trình mở cửa trở lại. Theo đó, chính phủ đã quyết định cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở quay trở lại trường, đối với các lớp mẫu giáo, nhà trường sẽ chuyển sang dạy học gián tiếp trong trường hợp xuất hiện từ 5 ca mắc COVID-19 trở lên, thay vì 1 ca mắc như quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Italy cũng thông báo thẻ thông hành vaccine có hiệu lực vô thời hạn đối với những người đã tiêm 3 mũi hoặc những người đã tiêm đủ 2 mũi và vừa mới hồi phục. Trước đây, thẻ thông hành vaccine tại nước này chỉ có thời hạn trong 6 tháng.

Chính phủ Séc thông báo kể từ ngày 9/2, người dân sẽ không cần trình chứng nhận tiêm vaccine để đến nhà hàng, các sự kiện thể thao và văn hóa, bất chấp số ca mắc mới vẫn tăng. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Séc Petr Fiala, người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi tham gia hoạt động trong nhà và số người tham dự các sự kiện lớn cũng sẽ bị khống chế.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Washington, D.C., Mỹ, ngày 31/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Washington, D.C., Mỹ, ngày 31/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Mỹ, Lực lượng Lục quân nước này thông báo sẽ ngay lập tức sa thải những quân nhân từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19, khẳng định rằng sắc lệnh này đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì năng lực sẵn sàng chiến đấu.

Sắc lệnh của Lục quân Mỹ được áp dụng cho các binh sỹ lục quân thông thường, quân dự bị tại ngũ và các học viên trường sỹ quan thuộc lực lượng này nếu họ không được cấp chứng nhận miễn hoặc trì hoãn tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Các lực lượng khác của quân đội Mỹ, trong đó có Không quân Mỹ, đã bắt đầu sa thải những quân nhân lựa chọn không tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã công bố lộ trình mở cửa trở lại biên giới quốc gia theo 5 giai đoạn.

Cụ thể, kể từ ngày 2/2, những công dân New Zealand đang ở tại Australia, đã tiêm phòng đầy đủ, có thể trở về nhà mà không cần phải trải qua quá trình cách ly bắt buộc. Sau đó 2 tuần, công dân New Zealand ở các nước khác sẽ được hưởng quy định tương tự.

Một số loại thị thực việc làm dài hạn, như thị thực du lịch kết hợp việc làm, lao động lành nghề và sinh viên quốc tế sẽ được phép nhập cảnh vào New Zealand kể từ tháng 3 đến tháng 4 và có thể tự cách ly tại nhà, thay vì tại các cơ sở cách ly bắt buộc của nhà nước.

Khách du lịch từ Australia sẽ được phép nhập cảnh vào New Zealand từ tháng 7, trong khi du khách từ các quốc gia còn lại của thế giới dự kiến sẽ được hưởng quy định tương tự trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, tùy theo tình hình diễn biến cụ thể của dịch bệnh./.

Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết