Tiếng Việt | English

20/03/2024 - 09:26

Đồng bộ các giải pháp phòng, chống buôn lậu, hàng giả

Trong công tác phòng, chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại (GLTM), hàng giả, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh - Nguyễn Văn Út chỉ đạo các cấp, các ngành xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, không có “vùng cấm”.

Pháo nhập lậu bị lực lượng chức năng bắt giữ

Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ năm 2023 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, nguồn hàng hóa bảo đảm. Đặc biệt, mặt hàng xăng, dầu không còn xảy ra tình trạng đóng cửa, cắt giảm giờ bán, số lượng bán ra gây bất ổn thị trường.

Tuy nhiên, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, không hóa đơn, chứng từ có chiều hướng tăng.

Đặc biệt, hoạt động mua, bán trực tuyến diễn ra tương đối phức tạp, khó kiểm soát, quản lý. Mặt hàng nổi cộm, thường xuyên vi phạm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản. Các vụ vi phạm khi kiểm tra, phát hiện không chỉ nhỏ, lẻ mà còn có những vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều tổ chức, cá nhân.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, các hành vi vi phạm, gian lận trong lĩnh vực thuế, hải quan cũng tương đối phức tạp. Qua thanh, kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm như doanh nghiệp kê khai, xác định không đúng các căn cứ tính thuế theo quy định làm giảm số thuế phải nộp; kê khai khấu trừ đối với hàng hóa dịch vụ mua vào không tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh; lập báo cáo quyết toán không đúng với số chứng từ kế toán;...

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó ban Chỉ đạo Thường trực 389 tỉnh - Phạm Đức Chinh cho biết, trong công tác PCBL, tuy không phát sinh điểm nóng nhưng có chiều hướng diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, nhập lậu trâu, bò, heo gây ảnh hưởng an ninh, trật tự trên tuyến biên giới.

Địa bàn thường xảy ra BL là các xã: Mỹ Bình, Bình Hòa Hưng, Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông của huyện Đức Huệ; xã Hưng Hà, Hưng Điền của huyện Tân Hưng; xã Thạnh Trị, Bình Tân, Bình Hiệp của thị xã Kiến Tường; xã Thuận Bình, Tân Hiệp của huyện Thạnh Hóa.

Trong đợt cao điểm đấu tranh chống BL, GLTM, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 20/11/2023 đến 20/02/2024), lực lượng chức năng của tỉnh thanh, kiểm tra gần 1.300 lượt. Qua đó, phát hiện 908 trường hợp vi phạm, trong đó, có 255 trường hợp BL và 613 trường hợp vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và an toàn thực phẩm. Tang vật thu giữ: Hơn 452.00 gói thuốc lá lậu; 6,6 tấn pháo các loại; 36,8 tấn đường cát; khởi tố, điều tra 31 vụ với 32 đối tượng.

Năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh thanh, kiểm tra 6.235 lượt. Qua đó, phát hiện, xử lý 3.889 trường hợp vi phạm liên quan đến BL, GLTM, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, gian lận trong lĩnh vực thuế, hải quan. Trong đó, xử lý 735 trường hợp BL, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hàng cấm, nhập lậu; 41 trường hợp kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả và hơn 3.100 trường hợp GLTM.

Ngành chức năng thu giữ hơn 1,7 triệu gói thuốc lá, 4,2 tấn pháo, hơn 200 tấn đường cát, hơn 12,6kg ma túy các loại và nhiều tang vật khác như rượu ngoại, hàng hóa đã qua sử dụng,... Thu nộp ngân sách hơn 344 tỉ đồng từ nguồn xử phạt hành chính, truy thu thuế và bán hàng hóa tịch thu; khởi tố, điều tra 97 vụ với 84 đối tượng BL, vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm, nhập lậu, hàng giả.

Dự báo hoạt động BL, GLTM, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, gian lận trong lĩnh vực thuế, hải quan năm 2024 tiếp tục phức tạp. Mặt hàng nhập lậu qua biên giới nổi cộm là đường cát, pháo nổ, thuốc lá; lĩnh vực thường xuyên xảy ra vi phạm là nông nghiệp, thuế, hải quan; đặc biệt là vi phạm trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến. Đây chính là thách thức đối với các ngành chức năng trong công tác quản lý cũng như kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Để chủ động triển khai các giải pháp, biện pháp ngăn chặn hiệu quả, ông Nguyễn Văn Út chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả những chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác PCBL, GLTM, hàng giả; tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, không có “vùng cấm”.

Các cấp, các ngành cần triển khai, thực hiện quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo về công tác PCBL, GLTM, hàng giả. Các lực lượng chức năng, địa phương xác định địa bàn, mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để thanh, kiểm tra phù hợp, hiệu quả.

“Các cấp, các ngành phải nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp đấu tranh, phòng ngừa phù hợp với tình hình, chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ” - ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.

Đặc biệt, các lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường tỉnh tăng cường phối hợp triển khai chặt chẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hoạt động BL trên tuyến biên giới thuộc địa bàn quản lý.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập những chuyên án, kế hoạch tập trung vào đường dây, ổ, nhóm BL, sản xuất, kinh doanh hàng giả, đầu cơ, găm hàng để đấu tranh, triệt phá hiệu quả./.

Tại Hội nghị tổng kết công tác PCBL, GLTM, hàng giả năm 2023 và tổng kết đợt cao điểm thực hiện công tác này trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 20/11/2023 đến 20/02/2024), Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh - Nguyễn Văn Út đã nêu một số hạn chế: Công tác dự báo, đánh giá, nắm tình hình của một số cơ quan chuyên môn có lúc chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các ngành của tỉnh, địa phương và lực lượng chức năng có lúc chưa chặt chẽ, thiếu chủ động.

Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt, thiếu thường xuyên, liên tục. Công tác quản lý kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay. Công tác quản lý các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, quản lý vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn thiếu sót.

Trong đó, đáng chú ý là công tác quản lý kinh doanh, mua, bán, sử dụng pháo trong vài năm trở lại đây chưa chặt chẽ, còn để tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ thời điểm trước, trong và sau tết từ nông thôn đến thành thị.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết