Tiếng Việt | English

22/01/2020 - 08:14

Đồng chí Nguyễn Văn Chính - Vị Bí thư tuyệt vời của đất và người Long An

“Tôi cũng từng làm Bí thư Tỉnh ủy, nhưng với tôi, anh Chín Cần là Bí thư tuyệt vời nhất” - ông Nguyễn Văn Chiểu (Tư Chiểu) từng nói như vậy. Đó không phải lời khen đãi bôi mà là sự nể trọng thật sự của người đàn em với đàn anh, sự ngưỡng mộ của một nhà lãnh đạo với nhà lãnh đạo tài năng và khí phách. Đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tuyệt vời về nhiều thứ nhưng nổi trội nhất và là động lực cho mọi hoạt động của ông là tình yêu tuyệt vời với đất và người Long An.

Trong lời đáp từ tại Hội thảo Khoa học về đồng chí Chín Cần do Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, anh Cao Tự Thanh - trưởng nam của ông, đồng thời là nhà nghiên cứu dịch thuật nhiều tác phẩm có giá trị của Nam bộ, kể câu chuyện thú vị, sâu sắc mà thoáng nghe qua cứ tưởng chuyện đùa.

Không có thời gian nếm hương vị trái cam

Anh Thanh từ nhỏ đã ra miền Bắc học trường học sinh miền Nam. Sau hòa bình, anh công tác ở Viện Khoa học Xã hội rồi nghiên cứu độc lập, ở nhà riêng, ai cũng bận việc nên cha con không mấy khi gặp nhau. Khi gặp, đồng chí Chín Cần và con trai trưởng có quy ước mặc định không nói thành lời nhưng cả hai đều tuân thủ. Ví dụ, những tài liệu ông đang xem và để lại trên bàn khi bước ra ngoài thì anh Thanh được quyền tham khảo nhưng không được tiết lộ bên ngoài. Ngược lại, có những chuyện thời sự mà ông hỏi, tham khảo thì anh Thanh có quyền sử dụng. Hai cha con thăm nhau mà cứ như hai đối tác. 

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh trao đổi cùng anh Cao Tự Thanh (thứ 2, phải qua), trưởng nam của ông Chín Cần, bên lề Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An” . Ảnh: Thanh Nga

Có lần, vốn tuổi trẻ cao ngạo, anh Thanh hỏi: “Ba thấy cơ tui làm tỉnh ủy được không?”. Ông Chín Cần cười bảo: “Làm tỉnh ủy thì được, chứ làm bí thư huyện thì không!”. Anh thắc mắc thì ông giải thích: “Làm lãnh đạo phải biết yêu thương, quý trọng con người. Việc gì nếu khen cũng được mà không khen cũng được thì nên khen để động viên. Việc gì nếu kỷ luật cũng được mà không kỷ luật cũng được thì không nên kỷ luật để người ta có cơ hội ăn năn”. Về học thuật, đây quả là quan điểm nhân trị.

Một lần, trên bàn của ông Chín Cần có trái cam, ông xẻ đôi chia hai cha con mỗi người một nửa. Anh Thanh bước vào phòng trong lấy quyển sách, bước ra thì ông đã ăn xong phần mình. Anh Thanh ngạc nhiên hỏi, “Sao ba ăn nhanh vậy? Có biết ngon, dở gì không?”. Ông lắc đầu bảo đã quen rồi. Sau này, mỗi khi thoát ra khỏi guồng quay của công việc, anh Thanh mới hiểu và thương ông nhiều hơn. Ông không có thời gian sống cho mình ngay cả trong cái ăn. Ông không cố ý như thế nhưng thói quen, công việc đã cuốn lấy ông. Ăn ngon, mặc đẹp, chức trọng quyền cao là mục tiêu của đời người. Còn ông Chín Cần sống vì ai, vì cái gì khi không có thời gian cảm nhận món ăn ngon. Ông sống vì dân, vì quê hương.

Giải oan cho cán bộ trong chiến tranh

Những công việc gì lại cuốn hút đồng chí Chín Cần đến vậy và nó bắt đầu từ lúc nào? Anh Kiếm từng là bảo vệ của ông Chín Cần từ năm 1969-1973 cho biết, nếp làm việc chăm chỉ, nghiêm túc của ông có từ thời chiến tranh. Năm 1969-1973 là thời kỳ địch càn quét, đàn áp ác liệt nhất nhưng ban ngày, ông đọc, viết tài liệu; ban đêm thì đi tiếp xúc với dân, nay nhà này, mai nhà khác mà không gián đoạn năm nào. Ngại cho sức khỏe của ông, anh Kiếm khuyên nhưng ông giải thích: “Đồng bào cần mình, mình cũng cần nghe nguyện vọng của bà con để đáp ứng”. Và trong chuyến đi ấy, ông đã nghe, xác minh và giải oan cho hơn 10 gia đình cán bộ ở Cần Đước, Cần Giuộc bị xử tử hình oan. Thời kỳ ấy, xác minh và giải oan cho những người bị quy chụp là phản động, tình báo thì khó bằng trời. Làm không khéo còn dễ bị nghi ngờ và sự nghiệp chính trị tiêu tan. Vậy mà ông dám làm và làm được, cứu 10 gia đình thoát nạn bị nhuộm đen lý lịch. Đó là tình người, tình quê trong lòng đồng chí.

Lá đơn có bút tích của đồng chí Chín Cần

Khi ông rời tỉnh về Trung ương làm Bộ trưởng Lương thực, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tức Phó Thủ tướng bây giờ, sau đó làm Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương rồi Chủ tịch Hội Nông dân, tình cảm của ông với quê hương Long An vẫn trọn vẹn. Khi biết tin có đoàn hoặc cá nhân nào từ Long An ra Hà Nội, bất kể là cán bộ lãnh đạo hay học sinh, sinh viên, ông đều tìm đến để hỏi thăm và mời về nhà. Ngày lễ, tết, ông lại về Long An, không cần cờ hoa, kèn trống đón chào. Trước ông ghé thăm Thường trực Tỉnh ủy, sau đến thăm cán bộ lão thành như Ba Mới, Chín Huỳnh, Bảy Siêu và trong đó có Báo Long An. Ông đọc Báo Long An rất kỹ vì vừa là tình cảm quê hương, vừa là nguồn thông tin quan trọng cho công việc. 

Sống, làm việc tại Hà Nội nhưng vẫn lo chuyện Long An

Trước và ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, quan điểm quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp còn nặng nề, ngay cả ở Trung ương. Long An cũng vậy! Nhờ phương án cải tiến bù giá vào lương đạt kết quả, đời sống nhân dân, cán bộ nâng lên, ngân sách dồi dào, là một trong rất ít địa phương thời ấy nộp ngân sách cho Trung ương nhưng vẫn bị không ít “lời ong tiếng ve”. Hết đoàn này kiểm tra lại tới đoàn kia đến làm việc. 

Từ Hà Nội, ông nhiều lần phải về Long An để tư vấn, góp ý cho Tỉnh ủy các phương án tiếp đón các đoàn mà ông dự đoán là căng thẳng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cao Hồng Hải thời ấy chuyên chụp ảnh thời sự, kể rằng, có lần ông Chín Cần chưa rời đi thì đoàn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến, ông phải nép mình sau cánh gà rồi rời đi bằng cổng sau để không chạm mặt.

Ông Chín Cần thời làm Bí thư Tỉnh ủy Long An, đang làm việc với các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Thời ấy, hai năm liên tiếp, tôi may mắn được gặp ông ở Báo Long An vào dịp tết, nghe ông chia sẻ về những khó khăn khi đưa ra giá mua gạo kinh doanh song song với giá thu mua trong cả nước. Các công ty lương thực mừng vì mua được nhiều lúa, dân vui vì được bán lúa hợp pháp giá cao, không phải buôn lùi bán lậu. Ấy vậy mà, có một ủy viên Bộ Chính trị hỏi vặn ông: “Mua lúa giá đó là giá xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa?”. Ông trả lời: “Các anh có học hành, có lý luận thì phân biệt như vậy, còn tôi dốt, tôi chỉ biết mua giá nào mà người dân bán được và Nhà nước mua được!”. Tôi đưa chuyện này lên báo. Năm sau, ông về và nhắc nhở chứ không rầy rà: “Chuyện chú kể cho các cháu nghe để hiểu tình hình khó khăn đất nước, đưa lên báo làm chi”.

Đổi xe cho cán bộ, ghi “sớ” chuyện dân kêu

Năm 1992, tháp tùng Đoàn đại biểu Quốc hội Long An ra Hà Nội, tôi và anh Lưu - thư ký đoàn, được đồng chí Chín Cần đón về nhà. Rót cho chúng tôi vài ly bia Trúc Bạch, trong câu chuyện tâm tình, ông khoe: “Chiếc xe các cháu vừa đi là chiếc xe thứ hai Trung ương cấp cho chú. Trước đó, chú đi chiếc Peugeot tiêu chuẩn ủy viên thường vụ nhưng thấy anh em trong hội thiếu xe, chú đổi lấy 3 chiếc Lada. Mấy ổng rầy rà nhưng rồi lại cấp cho xe mới”.

Điều ông đặc biệt quan tâm là nguyện vọng của người dân, của cử tri. Các anh ở đoàn Quốc hội thời ấy kể rằng, mỗi lần tiếp xúc cử tri, ông đều có “sớ” để lại cho Văn phòng Tỉnh ủy về các thắc mắc, khiếu nại của cử tri nhờ giải quyết. Những lần tiếp xúc sau, khi xe về tới Bến Lức, ông đã gọi điện nhắc, nhờ xem lại những chuyện này.

Giải oan cho thí sinh

Có một nữ thí sinh, nhờ sự công tâm của ông Chín Cần mà không bị rớt oan. Kỳ thi đại học năm 1979, một nữ thí sinh Tân An thi vào Đại học Bách khoa đạt 24,5 điểm, dư điểm du học nước ngoài và được gọi đi khám sức khỏe, chuẩn bị tập trung học ngoại ngữ. Thế nhưng, khám sức khỏe xong, thí sinh này chờ mãi không nhận được giấy báo nhập học, trong khi các bạn đồng khóa đã lên Sài Gòn nhập học. Liên hệ với Ban Tuyển sinh thì chỉ nhận được câu trả lời không biết. Gia đình tìm hiểu thì được biết là có đơn tố cáo ba của cô nữ sinh là Phó Ty Chiêu hồi của Việt Nam Cộng hòa nên bị đánh rớt. Cô gái sụp đổ tinh thần vì công sức 12 năm đèn sách đã “trôi sông”, cả phần đời còn lại cũng bị nhuộm đen vì cái đơn quái ác này. 

Ba của cô nữ sinh là giáo viên tiểu học, khá bình tĩnh nên ông làm cái đơn viết tay, tận tay mang đến gửi ở trụ sở Tỉnh ủy. Cô gái không hy vọng gì vào lá đơn của ba mình. Thế nhưng, bất ngờ vài tuần sau, cô nhận được giấy báo nhập học của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Cô nhập học sau ngày khai trường 1 tháng, hoàn toàn không biết người giải oan cho mình là ai.

Cô gái được giải oan 40 năm trước - Nguyễn Thị Tuyết Vân - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty LaVie và ông Guy Duc - nguyên Tổng Giám đốc Công ty LaVie

Nhiều năm sau, khi ra trường, thay đổi từ đơn vị công tác này sang đơn vị khác, được cầm hồ sơ lý lịch cá nhân, cô mới biết người ơn là ông Chín Cần. Lá đơn của ba cô theo Luật khiếu nại, tố cáo thời nay thuộc diện khiếu nại vượt cấp, lại sai về thể chế hành chính có thể không được giải quyết nhưng vẫn được ông Bí thư Tỉnh ủy thụ lý giải quyết bằng bút phê bên lề lá đơn: “Kính gởi anh Sáu và anh Tám Vinh. Đề nghị hai anh tranh thủ xác minh báo cho tôi rất gấp gia đình này. Vì tôi đã chỉ thị cho công an điều tra nhưng công an bảo ba cô Vân là Phó Ty Thông tin Chiêu hồi. Trả lời gấp”. Tiếp theo đó là hai tờ giấy trình bày của ông Sáu và ông Tám Vinh xác định ba cô Vân chỉ là thầy giáo tiểu học. Cô gái ấy là Nguyễn Thị Tuyết Vân - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty LaVie từ ngày thành lập năm 1992 cho đến khi về hưu năm 2016.

Đồng chí Chín Cần giờ đi xa nhưng tấm lòng với dân, với nước, đặc biệt là nghĩa tình với quê hương Long An còn sống mãi./.

Đồng chí Nguyễn Văn Chính (bí danh Chín Cần) là nhà hoạt động cách mạng lão thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An nhiều khóa, Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Ông là người dành cả đời phục vụ đất nước, nhân dân và quê hương Long An. Đặc biệt, tên tuổi ông gắn liền với công cuộc tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười thành vựa lúa lớn của cả nước và cải tiến phân phối lưu thông bù giá vào lương, xóa bao cấp, góp phần khởi đầu cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Lê Đại Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích