Tiếng Việt | English

02/12/2019 - 08:30

Tôn vinh và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Chính

Trong tiết trời se se lạnh những ngày cuối năm, từng đoàn xe hối hả đưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh cùng đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về Hội trường Tỉnh ủy dự Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An”. Tất cả đều chung một tấm lòng: Tôn vinh và tri ân những đóng góp, cống hiến to lớn của bác Chín đối với quê hương Long An và đất nước.

1. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đánh giá đây là hội thảo khoa học lớn nhất đối với một cá nhân của tỉnh từ trước đến nay về quy mô, sự quan tâm của các nhà khoa học, báo chí Trung ương và địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần xem đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân, qua đó tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền những giá trị cao đẹp, tinh thần anh dũng của cha anh. Đó là giá trị lớn nhất của hội thảo mang lại.

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh trò chuyện cùng con trai bác Chín Cần và đại biểu tại hội thảo

Mỗi người đến với hội thảo đều bày tỏ lòng tôn kính, cảm phục trước những công lao to lớn, tình cảm chân thành của bác Chín dành cho cách mạng Việt Nam và quê hương, nhân dân Long An. 7 giờ 45 phút, hội thảo bắt đầu. Sau khi xem phim tư liệu ngắn về Bác Chín, nhiều người hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp về thời kỳ từng sống, gắn bó, làm việc với Bác Chín. Đó là những ngày tháng gian lao mà anh hùng của người cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một người lãnh đạo luôn lo nghĩ cho dân, cho nước. Bác Chín xuất thân là nông dân, trong môi trường giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất của cha anh và quê hương đã nuôi dưỡng, bồi đắp tư duy, tình cảm, nhận thức, từ một người thanh niên yêu nước đi theo lý tưởng cách mạng và trở thành người cộng sản kiên trung, người lãnh đạo ưu tú.

Giọng nghèn nghẹn, ông Lương Trung Tiến - người bảo vệ bác Chín trong thời gian dài, nhớ lại, khi ấy bác Chín là Bí thư, Chính ủy Phân khu 3 Long An. Suốt thời gian đó, bác Chín làm việc không ngừng nghỉ. Xót quá, ông đề nghị bác bớt đi cơ sở để giữ gìn sức khỏe nhưng bác không đồng ý. Bác còn nói “giặc có cho mình nghỉ ngày nào đâu, chú cháu mình phải ráng chứ”. Năm 1973, bác Chín về Trung ương Cục, phụ trách Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tổ chức Trung ương Cục. Nhiều lần thấy bác đăm chiêu, ông liền hỏi “chú lại đau đầu phải không, để cháu xoa bóp cho” nhưng bác Chín nói: “Chú nhớ Long An quá cháu ạ!”. Những năm tháng được sống bên vị lãnh đạo gần gũi, ông không sao nói hết được những tình cảm, lời căn dặn của bác dành cho những đồng chí, đồng đội của mình,… “Rồi những lần tôi cùng anh em tới thăm chú ở Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM. Chú rất vui, hỏi thăm các chú, các anh chị ở Long An. Phải nói là chú rất nặng tình với Long An. Lần cuối cùng chúng tôi tới thăm, chú yếu nhiều và giọng nói khó nghe. Chú nhìn chúng tôi rất lâu như muốn nói điều gì. Khi chúng tôi chào chú ra về, chú nắm chặt tay tôi kéo lại gần chú, chú thì thào “Tư Chiểu”. Tôi hiểu là chú hỏi thăm chú Tư Chiểu bởi vì chú rất quý mến chú Tư Chiểu. Tôi thấy chú khóc, rồi tất cả chúng tôi cũng khóc...” - ông hồi tưởng.

2. Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, nghiên cứu, tập trung thảo luận, làm rõ hơn vai trò của bác Chín trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; phân phối lưu thông - đột phá giá-lương-tiền; công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười;...

Các đồng chí chủ trì hội thảo

Trong đó, phát biểu của PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đã cho đại biểu có những cái nhìn khái quát, toàn diện về bác Chín - một nhân cách đáng để học tập và noi theo. Từ những kinh nghiệm, trải nghiệm trong cuộc sống, chiến đấu, sự am hiểu đời sống người dân,... ở bác Chín đã toát lên tố chất lãnh đạo. Đó là người lãnh đạo luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; là người dám làm, dám chịu trách nhiệm; gắn bó thực tiễn, luôn giữ tinh thần đoàn kết nội bộ và phong cách làm việc khoa học, tư duy táo bạo,...

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Trương Văn Tiếp cho rằng, bản thân ông cũng xuất thân là nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười nên ông hiểu những vất vả, khó nhọc của người dân lúc bấy giờ. Sau khi hòa bình lập lại 1975, vùng Đồng Tháp Mười đối diện muôn vàn khó khăn: Chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt, toàn bộ tuyến biên giới giáp Campuchia gần 133km bị Pol Pot đánh phá. Hàng chục ngàn hécta đất sản xuất bị bỏ hoang, nhiều hộ gia đình phải rời bỏ nhà cửa, tài sản. Trận lũ lụt lớn chưa từng có trong năm 1978 gần như đã nhấn chìm hoàn toàn vùng Đồng Tháp Mười. Hầu hết diện tích đất sản xuất không thể canh tác, hàng ngàn hộ gia đình mất nhà ở, thiếu lương thực và công cụ sản xuất, bệnh dịch trên diện rộng,... Lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác phải viện trợ vừa phục vụ tiền tuyến chống Pol Pot, vừa phải đáp ứng cho người dân trong cảnh mất mùa, hạn hán sau đó. Năm 1978-1979, cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang Long An phải ăn độn bo bo thay gạo.

Trước tình hình đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Long An quyết liệt thực hiện chủ trương tiến công vào vùng Đồng Tháp Mười, bằng nhiều biện pháp đồng bộ: Phát triển hạ tầng giao thông, mở đường giao thông xuyên vùng, đào kênh tiêu phèn tháo chua, xây đập, xây tuyến đê ngăn lũ; đẩy mạnh công cuộc bố trí, giãn dân từ các huyện phía Nam và các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là thành lập các đoàn xây dựng kinh tế kết hợp với bảo vệ quốc phòng, biên giới, tăng cường lực lượng định cư để khai thác, sản xuất, đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp,...

Kết quả cuộc tổng “tiến công” đó, có hàng triệu ngày công lao động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân, cùng với lực lượng cơ giới, nguyên vật liệu được huy động.

Báo cáo tổng kết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An sau 20 năm khai thác (1979-1999) vùng Đồng Tháp Mười cho thấy, diện tích lúa canh tác từ 62.000ha tăng lên hơn 292.000ha, tăng gấp 4,67 lần; năng suất từ 2,5 tạ/ha tăng lên 39,8 tạ/ha, tăng gấp 16 lần; sản lượng lúa từ 82.000 tấn tăng lên hơn 1 triệu tấn, tăng gấp 13,2 lần; chiếm hơn 70% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Đời sống nhân dân tăng nhanh, giảm hộ nghèo, hộ giàu tăng và phát triển ngày mạnh cho đến nay.

Đặc biệt, tại hội thảo còn có sự chia sẻ của người con trai bác Chín - ông Cao Tự Thanh, giúp đại biểu hiểu hơn một khía cạnh khác về bác Chín. Theo ông Thanh, đó là cách dạy con hơi “khác lạ” nhưng cũng rất ấm áp. Từ người cha đáng kính của mình, ông học được tình yêu thương, lòng bao dung, sự vị tha cũng như thái độ, tinh thần làm việc đầy trách nhiệm.

3. Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình cho biết, Long An là vùng đất giàu truyền thống yêu nước. Nhắc lại truyền thống trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, theo Phó Thủ tướng, không thể không nhớ tới sự đóng góp to lớn, những dấu ấn nổi bật của các bậc lão thành cách mạng, những nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc. Đối với quê hương Long An, không thể không nhắc tới thân thế, sự nghiệp và những công lao đặc biệt của đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình phát biểu tại hội thảo

Long An dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính đã có đột phá thành công, gây tiếng vang trong và ngoài nước vào “đêm trước đổi mới”. Không lâu sau, những cải cách này đã được áp dụng trong cả nước với các quyết định lịch sử tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986. Vì vậy, nghiên cứu về công lao và đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Chính cần tiến hành trên cả hai bình diện đối với Long An và cả cách mạng Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng cho hay, ông dự hội thảo ngoài cương vị là người đồng chí, đồng cấp nhưng đồng thời còn với cả tư cách là con cháu, là người tham gia tổ bảo vệ, giúp việc cho đồng chí Nguyễn Văn Chính trong những năm kháng chiến chống Mỹ, khi đồng chí là Phó ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

“Lúc bấy giờ, chú đã dành cho anh em chúng tôi những tình cảm vô cùng thân thương như một người chú trong gia đình, chỉ bảo chúng tôi những điều hết sức quý báu trong quan hệ đồng chí, đồng đội và giáo dục lý tưởng cách mạng. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chú Chín Cần trong trái tim tôi” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An tổ chức hội thảo khoa học này. Ông cho rằng, hội thảo không chỉ khẳng định, tôn vinh công lao và sự cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Chính đối với quê hương Long An, cách mạng Việt Nam mà còn là sự tri ân, trọng thị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An, sự yêu mến của người dân cả nước nhất là thế hệ trẻ hôm nay dành tặng cho thế hệ cha, anh lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc.

Ông đề nghị sau hội thảo, tỉnh nghiêm túc tiếp thu, kế thừa những phẩm chất cao đẹp của đồng chí Nguyễn Văn Chính trong bối cảnh tỉnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phải soi mình, sửa mình, chống tệ quan liêu, nhạt phai lý tưởng. Quán triệt nghiêm túc, hiệu quả đại hội Đảng cơ sở tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ;.../.

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Chính (1924-2019), ngày 30/11, Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An”. Đến dự có nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương - Mai Văn Chính; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Long An; đại diện lãnh đạo TP.HCM, các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang; đại diện Hội Nông dân Việt Nam; các nhà khoa học, nghiên cứu cùng đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Văn Chính. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho biết, Ban Tổ chức hội thảo tiếp thu và ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của quý đại biểu và các nhà khoa học. Từ đó, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận, bổ sung, hoàn chỉnh các tham luận, các ý kiến đóng góp, tổ chức biên tập, xuất bản kỷ yếu một cách đầy đủ, trung thực, chính xác về thân thế, sự nghiệp đồng chí Nguyễn Văn Chính, phục vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới. Đồng thời cũng là nguồn sử liệu có giá trị: Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh, văn kiện Đảng bộ tỉnh, Đề án sưu tầm tư liệu phỏng vấn các nhân chứng lịch sử là các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy qua các thời kỳ,... Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, đoàn kết, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của hệ thống nhằm bảo đảm ổn định chính trị, phát triển toàn diện KT-XH, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đáp ứng tâm nguyện của đồng chí Nguyễn Văn Chính.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết