Tiếng Việt | English

29/07/2017 - 22:19

Đột phá trong giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công

Sau gần 70 năm thực hiện các chính sách tri ân người có công (NCC) với cách mạng, Long An đạt nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, còn nhiều hồ sơ tồn đọng NCC chưa được giải quyết dứt điểm. Đây là sự day dứt đối với những người thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Xác định được vấn đề trên, Long An đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết hồ sơ tồn đọng NCC.

Nỗ lực giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng

Năm 2016, Long An vinh dự là 1 trong 5 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng để làm cơ sở rút kinh nghiệm và nhân rộng trong cả nước. Nhận được sự tin tưởng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Long An nhanh chóng thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ tồn đọng NCC theo 3 cấp: Tỉnh, huyện và xã. Hội đồng mỗi cấp đều do chủ tịch UBND làm chủ tịch hội đồng. Quy trình duyệt hồ sơ được chia làm 2 (loại) trường hợp: Chưa thiết lập hồ sơ và đã thiết lập hồ sơ. Sau đó, hồ sơ được thông qua hội đồng cấp xã, huyện và tỉnh; đồng thời, mời cán bộ lão thành qua các thời kỳ đóng góp, xem xét từng trường hợp.

Sau thời gian thực hiện, số lượng hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ (LS), thương binh (TB) tồn đọng trên địa bàn tỉnh Long An là 246 trường hợp (LS 163, TB 83 hồ sơ). Trong đó, có 8 hồ sơ thông qua Hội đồng cấp tỉnh, chuyển về Bộ LĐ-TB&XH thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công ngày 20/02/2017.

Để tiếp tục xem xét hồ sơ NCC tồn đọng giai đoạn 2, ngày 20/3/2017, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định số 408/QĐ-BLĐTBXH về việc ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC (những hồ sơ được thiết lập trước ngày 01/7/2013). Theo đó, hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận LS, TB trên địa bàn tỉnh còn lại là 229 hồ sơ (146 LS, 83 TB), trong đó có 28 hồ sơ thiết lập trước ngày 01/7/2013. Đến nay, Long An hoàn thiện và thông qua Hội đồng cấp tỉnh 8 hồ sơ (6 LS, 2 TB), trong đó, trình Bộ LĐ-TB&XH thẩm định 6 hồ sơ LS.

Bà Ngô Thị Rảnh (ngụ ấp 6, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) vui mừng khi tỉnh tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công

Có hồ sơ người thân đề nghị công nhận LS được thông qua hội đồng cấp tỉnh và đang chờ thông qua Bộ LĐ-TB&XH, ông Văn Văn Tính (ngụ xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) nói: “Cha tôi là ông Võ Văn Bé cùng 3 ông: Bùi Văn Bực, Lê Văn Ăn, Nguyễn Văn On hy sinh trong khi tham gia tải đạn phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Trong đó, ông Bùi Văn Bực được công nhận LS, còn 3 trường hợp chưa được công nhận, trong đó có cha tôi. Vì vậy, gia đình rất mong Đảng và Nhà nước sớm giải quyết”. Cùng hoàn cảnh với ông Tính là bà Ngô Thị Rảnh (ngụ ấp 6, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước), có chồng hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận LS. Bà Rảnh tâm sự: “Chồng tôi là ông Lê Văn Ăn, làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến, trong một lần tải đạn, ông và 3 người nữa là ông Bực, ông On, ông Bé hy sinh. Nhiều năm liền, gia đình đi “gõ cửa” nhiều nơi đề nghị công nhận LS nhưng chưa có kết quả. Giờ đây, gia đình cảm thấy phấn khởi khi Long An là một trong những địa phương được thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng. Do đó, gia đình tôi hy vọng sớm có kết quả để an lòng người đã khuất”.

Giọt nước mắt hạnh phúc

Trong những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp theo Đoàn công tác của Sở LĐ-TB&XH đến thăm gia đình bà Phạm Thị Ngàn (92 tuổi, ngụ ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức). Hơn 20 năm trước, bà Ngàn từng đi “gõ cửa” nhiều nơi yêu cầu công nhận LS cho em trai mình là ông Phạm Văn Dương (hy sinh trong thời kỳ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào tháng 10/1954). Tuy nhiên, hồ sơ của ông Dương không đầy đủ và thiếu người xác nhận nên không được giải quyết. Cuối năm 2016, gia đình bà Ngàn vui mừng khi được ngành LĐ-TB&XH lật lại hồ sơ và xem xét giải quyết. Niềm vui, hạnh phúc vỡ òa khi đầu tháng 4 vừa rồi, ngành LĐ-TB&XH thông báo ông Phạm Văn Dương được công nhận LS. Đối với gia đình bà Ngàn, việc công nhận LS không phải để gia đình được hưởng chính sách mà điều quan trọng chính là sự ghi nhận của Nhà nước đối với sự cống hiến của người thân trong gia đình. 

Chị Hồ Thị Ngành cảm thấy, việc Nhà nước công nhận liệt sĩ cho ông Phạm Văn Dương là niềm vinh dự cho cả gia đình và dòng họ

Ngày nhận Bằng Tổ quốc ghi công của em trai, bà Ngàn không đi được vì bệnh nặng. Chị Hồ Thị Ngành (con bà Ngàn) chia sẻ: “Việc cậu tôi được công nhận LS là niềm vinh dự của cả gia đình. Ngày được cán bộ ngành LĐ-TB&XH thông báo hồ sơ được thông qua, mẹ tôi mừng rơi nước mắt. Cuối cùng, sự hy sinh của cậu tôi cũng được công nhận”. Hay đó còn là niềm hạnh phúc của ông Phạm Văn Gần (ngụ xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) - người thân của LS Trần Văn Lôm. Ông nghẹn ngào: “Ngày chuẩn bị nhận Bằng Tổ quốc ghi công, tôi thức cả đêm vì mừng”.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Phạm Văn Bốn chia sẻ: “Đối với những người trực tiếp công tác trong ngành LĐ-TB&XH, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần tôn vinh những người ngã xuống vì hòa bình, thống nhất đất nước,... Vì vậy, Long An mạnh dạn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho tỉnh được thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng. Sau thời gian thực hiện, nhiều hồ sơ được giải quyết một cách minh bạch, công khai. Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục “chạy nước rút” hoàn thành các hồ sơ tồn đọng còn lại nhằm lập thành tích kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết