Tiếng Việt | English

18/04/2017 - 16:07

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Thỏa đáng chính sách người có công, đổi mới đào tạo nghề và quản lý chặt chẽ cơ sở cai nghiện

Nhiều vấn đề thiết thực, bức xúc được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về giải quyết chế độ, chính sách cho người có công, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và quản lý các cơ sở cai nghiện.

Sáng ngày 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên họp trực tuyến chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An tham gia phiên họp ở điểm cầu Long An tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội Long An.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về các vấn đề: Giải pháp đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ tồn đọng, vướng mắc; thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước; việc giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ.


Hiện có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (Trong ảnh: Đoàn thanh niên đến thăm, tặng quà cho mẹ Việt Nam Anh hùng)

Cả nước có 1,4 triệu người có công hưởng trợ cấp

Đối với vấn đề chính sách cho người có công thời gian qua  đạt nhiều kết quả quan trọng. Trên toàn quốc xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó, trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải thích các hồ sơ tồn đọng chủ yếu là do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết và có những trường hợp được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên), …

Xác định rõ tính chất phức tạp của vấn đề, Bộ chỉ đạo giải quyết thí điểm hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Long An và Đà Nẵng theo văn bản số 1996/NCC-CS1 ngày 07/9/2016 (sau bổ sung thêm 4 tỉnh: Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tiền Giang) để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai trên diện rộng.

5 triệu lao động nông thôn được học nghề

Trả lời những chất vấn của đại biểu về vấn đề đào tạo nghề, Bộ trưởng cho hay, Bộ đã nỗ lực ban hành, trình Chính phủ ban hành văn bản vận hành công tác đào tạo nghề, giúp công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả thiết thực.

Trong giai đoạn từ 2011 - 2016, có gần 10 triệu người được đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó, trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, có gần 3,5 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học theo phong trào, nay chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề: Tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo, ...

Nhiều cơ sở cai nghiện xuống cấp

Với những chất vấn về vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước, Bộ trưởng cho biết, tính đến ngày 31/12/2013, cả nước có 123 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội có chức năng cai nghiện bắt buộc. Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện, đến nay, cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy. Trong số các cơ sở chuyển đổi, có 13 cơ sở chuyển đổi sang thực hiện chức năng khác (cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần,...).

Xác định nguyên nhân về tình trạng trốn trại của học viên xảy ra thời gian gần đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nguyên nhân là do: Việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của một số địa phương chưa đúng quy định của pháp luật: Việc xác định tình trạng nghiện; việc xác minh nơi cư trú,... dẫn đến sự bức xúc của các học viên. Cơ sở quá tải, trang thiết bị xuống cấp; điều kiện ăn ở không bảo đảm, tạo ra sự bức bối của học viên. Cán bộ làm công tác tư vấn trị liệu, quản lý không phân loại được học viên, để học viên có tiền án, tiền sự, học viên bất hảo ở chung các học viên khác nên kích động, lôi kéo các học viên đập phá cơ sở để trốn.

Phần lớn người nghiện ma túy vào cai nghiện là nghiện ma túy dạng tổng hợp, thường bị rối loạn tâm thần và gần 40% học viên có tiền án, tiền sự nên luôn kích động, chống đối cán bộ. Cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy không được phép sử dụng các chế tài để răn đe, trấn áp, xử lý học viên có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở cai nghiện chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Bên cạnh những nguyên nhân trên, Bộ trưởng cũng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội – Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự nghiêm túc và cầu thị của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với việc giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công với cách mạng, giải quyết việc làm cho thanh niên, trung tâm cai nghiện. Đồng thời, bà cũng nhắc nhở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện hiệu quả những mục tiêu đề ra. Các Bộ, ngành khác và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện những điều Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cam kết./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết