Về nơi cội nguồn dân tộc
Du khách thập phương về Giỗ Tổ (Ảnh: Trọng Bằng)
Với mỗi người dân Việt Nam, đến ngày Giỗ Tổ, về với Đền Hùng là về nơi cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên đã khai sơn, phá thạch, dựng nên bờ cõi. Hiếm nơi nào trên thế giới lại có hình thức tín ngưỡng thờ tổ tiên độc đáo như vậy, góp phần tạo nên hệ giá trị tinh thần và bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ Thành hoàng của làng và thờ Tổ chung của đất nước ở Đền Hùng. Tín ngưỡng này vừa thiêng liêng, vừa cụ thể; đồng thời, là điểm tựa gắn kết tinh thần, từ đó tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng nhau cố kết cộng đồng, chung sức, đồng lòng dựng nước và giữ nước. Về với Đền Hùng, những người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng hội tụ, xác tín niềm tin tâm linh và cầu mong những điều giản dị không chỉ cho mình mà cả cho cộng đồng dân tộc: Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt,...
Trong tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, Đền Hùng luôn được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng ghi rõ: “... Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa...”. Đến nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ - Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày mùng 10/3 Âm lịch hàng năm làm Ngày Quốc tế (Quốc lễ). Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống của cha ông, ngay trong thời điểm thế nước như "ngàn cân treo sợi tóc", thù trong giặc ngoài đe dọa nền độc lập non trẻ, Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Đất Tổ làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh bảo kiếm nhằm kính cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, trên đường về tiếp quản Thủ đô, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn của vị lãnh tụ vĩ đại được nói vào thời khắc lịch sử đặc biệt, tại đất thiêng Đền Hùng như lời hịch của non sông, tiếng vọng mang hào khí ngàn năm của cha ông đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng tâm, dốc sức thực hiện với Chiến thắng vang dội mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối, những chiến công bảo vệ vững chắc biên giới phía Tây Nam, phía Bắc của Tổ quốc và đặc biệt là công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử.
Năm 1977, thăm Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ năm Đinh Tỵ 1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Cần phải tu bổ xây dựng Đền Hùng để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và cả nước hướng về Đền Hùng...”. Nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các vua Hùng và đầu tư nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự tổ tiên chung của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày Giỗ Tổ mùng 10/3 Âm lịch hàng năm đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn trở thành ngày lễ lớn - Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc. Khu di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt. Ngày 22/10/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Lan tỏa mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Hát Xoan phục vụ du khách tại miếu Lãi Lèn
Thi bơi chải trên sông Lô
Với mục tiêu trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước, nhiều năm nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc. Tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương kết hợp hài hòa giữa vai trò của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng. Không chỉ người dân địa phương tham gia tích cực mà cộng đồng cư dân các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng dâng cúng lễ vật trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Phần Lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo nghi lễ truyền thống với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố. Phần Hội vui tươi, lành mạnh với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất cội nguồn. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với hàng triệu lượt đồng bào và du khách tham dự, là minh chứng cho sự hội tụ sâu sắc của nghĩa “đồng bào” đối với mỗi người Việt Nam. Cùng thời điểm Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 Âm lịch ở Đền Hùng, tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, người Việt sống ở nước ngoài đều làm lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng - đó là biểu hiện cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, các gia đình chuẩn bị mâm cơm cúng tại nhà để thắp hương tri ân công đức các vua Hùng. Đây cũng là dịp để gia đình nhắc nhở, giáo dục con cháu về lòng biết ơn với tổ tiên, dòng họ, hình thành nên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
“Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”
Diễn xướng dân gian trong Giỗ Tổ
Đến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu người mang dòng máu Việt lại cùng nhau hành hương hoặc thành tâm hướng về Đất Tổ, nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên để tự hào về một dân tộc có lịch sử văn hóa từ lâu đời. Niềm tin tâm linh cộng hưởng truyền thống lịch sử của cha ông tạo nền móng vững chắc, động lực nhân lên sức mạnh để dân tộc Việt phát triển hùng cường, trường tồn cùng thời gian./.
Trung Tín