Tiếng Việt | English

28/06/2018 - 08:44

Giữ nếp nhà

Ở những gia đình nhiều thế hệ, nét đẹp truyền thống và lối sống hiện đại vẫn được dung hòa. Các thành viên luôn quan tâm, chăm sóc, sẻ chia cùng nhau mọi chuyện trong cuộc sống. Các giá trị truyền thống, nề nếp gia đình vì thế vẫn được duy trì theo thời gian.

Trân trọng phút giây sum họp gia đình

Hơn 20 năm nay, gia đình chị Phan Thị Ngọc Liên, ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vẫn duy trì bữa cơm gia đình mặc dù ít khi bữa cơm ấy có đủ thành viên trong nhà. Vì tính chất công việc, thiếu tá Hồ Tấn Tài (chồng chị Liên) hiếm khi có mặt thường xuyên ở nhà.

Để chồng an tâm công tác, chị Liên cố gắng chăm lo tốt việc nhà, làm hậu phương vững chắc cho anh. Những lần anh về, mọi người lại quây quần bên bữa cơm gia đình đầm ấm. Phút giây ấy thật hạnh phúc, đáng trân trọng biết bao!

Để giữ nếp nhà, cần sự yêu thương thật lòng, cùng nhau vun vén, xây dựng gia đình hạnh phúc (Trong ảnh: Chị Phan Thị Ngọc Liên (ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước) luôn kính trọng, xem mẹ chồng như mẹ ruột). Ảnh: Phương Phương

Để giữ nếp nhà, cần sự yêu thương thật lòng, cùng nhau vun vén, xây dựng gia đình hạnh phúc (Trong ảnh: Chị Phan Thị Ngọc Liên (ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước) luôn kính trọng, xem mẹ chồng như mẹ ruột). Ảnh: Phương Phương

Thấy con dâu vất vả, mẹ chồng chị - bà Huỳnh Thị Mai hết lòng yêu thương và luôn động viên, giúp đỡ. Chị Liên kể: “Mẹ chồng tôi tuy tuổi cao nhưng còn khỏe mạnh, minh mẫn. Khi các cháu còn nhỏ, mẹ phụ trông nom, chăm sóc. Mẹ rất nhiệt tình tham gia công tác xã hội, có uy tín với những người xung quanh”.

Với chị Liên, bà Mai như mẹ ruột của mình. Mọi chuyện buồn, vui, chị đều tâm sự và xin ý kiến của bà. Với kinh nghiệm sống của mình, bà Mai tận tình chỉ bảo con dâu từ những điều nhỏ nhất, cùng con dạy bảo cháu nội. Giờ đây, các cháu đều lớn khôn, một người tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định tại TP.HCM, người còn lại nhiều năm liền đều duy trì thành tích học sinh giỏi.

Bữa cơm gia đình cũng là nếp nhà được gia đình chị Liên gìn giữ suốt mấy mươi năm qua. Bà Mai nói: “Cả ngày, ai cũng bận bịu với công việc riêng, chỉ đến bữa cơm mới có thể ngồi lại cùng nhau. Nếu không giữ được bữa cơm ấy thì làm sao có thể gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong nhà”. Đó cũng là cách bà Mai giáo dục con, cháu trong nhà biết quý trọng những giây phút sum họp gia đình.

Chị Liên kể: “Anh Tài dù công tác xa nhà nhưng rất quan tâm đến việc duy trì sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Mỗi khi về nhà, anh đều dành thời gian trò chuyện, dạy các con những điều hay qua những câu chuyện kể”.

Nét đẹp truyền thống ấy là sợi dây gắn kết yêu thương, để rồi, dù bận bịu đến mấy thì cuối tuần, tất cả thành viên trong gia đình chị Liên đều sắp xếp về nhà, sum vầy bên bữa cơm ấm áp.

Có thể nói, những phút giây sum họp ấy như một “liều thuốc” giúp các gia đình giữ gìn hạnh phúc. Mỗi sáng, bà Lê Thị Thắm và ông Nguyễn Văn Năm, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, đều ăn cơm cùng nhau. Sau bữa cơm tối, cả nhà lại quây quần bên nhau.

Theo bà Thắm, do con trai và con dâu làm việc theo ca nên không thể cùng nhau ăn cơm 3 bữa mỗi ngày, vì vậy phải tranh thủ dùng chung bữa sáng. Buổi tối, khi các con đi làm về, cả nhà cùng ngồi xem tivi, ăn nhẹ và trò chuyện. “Nhờ sắp xếp thời gian dành cho nhau nên các thành viên trong nhà luôn cảm thấy gần gũi, hiểu nhau. Cháu nội tôi cũng được rèn luyện thói quen sinh hoạt cùng gia đình để có sự gắn kết” - bà Thắm nói.

Ông bà là tấm gương

Biết lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau cũng là bí quyết vun đắp hạnh phúc của gia đình bà Thắm. Với quan niệm con dâu cũng như con gái, bà Thắm luôn yêu thương và quan tâm đến các con.

Bà Thắm chia sẻ: “Tôi không hề có suy nghĩ con dâu phải phục vụ mình mà luôn cố gắng tạo điều kiện để con được thoải mái. Việc nhà thì mẹ con cùng làm. Sống chung một nhà, quan trọng là phải biết nhường nhịn và cảm thông cho nhau”. Bà Thắm trực tiếp chăm sóc cháu nội, chuẩn bị bữa cơm khi các con đi làm. Với bà, được tự tay chuẩn bị những bữa cơm gia đình là niềm vui, hạnh phúc. Không chỉ chăm lo tốt cho gia đình, bà Thắm còn là hội viên phụ nữ nhiệt tình của địa phương.

Không chỉ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, nhắc nhở chăm chỉ học hành, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bền còn quan tâm dạy từng “lời ăn, tiếng nói” cho cháu

Sự gương mẫu của người lớn trong gia đình là tấm gương sáng cho con, cháu noi theo. Điều đó không chỉ đúng với gia đình chị Liên, bà Thắm mà đối với gia đình ông Nguyễn Văn Bền, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, cũng vậy. Sau khi giao việc đồng áng lại cho con, ông Bền nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể, luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương, phong trào của địa phương. Là người có uy tín, ông thường xuyên tham gia tổ vận động. Chính lối sống nhiệt tình, vì cộng đồng của ông khiến các con nể trọng. Noi gương cha, con gái của ông rất nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân.

Ông Bền cho biết: “Mình phải sống lành mạnh, có ích để làm gương cho con, cháu. Tôi không uống rượu nên các con trai, con rể cũng không dám rượu chè bê tha. Hiện tại, các con của tôi đều có gia đình riêng, chí thú làm ăn, nuôi dạy con tốt”.

Hiện tại, ông Bền sống cùng vợ chồng người con trai út. Con trai và con dâu đi làm suốt ngày, ông bà trực tiếp chăm sóc
và dạy bảo cháu nội. Không chỉ chăm lo chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, nhắc nhở chăm chỉ học hành, ông bà còn quan tâm dạy từng “lời ăn, tiếng nói” cho các cháu. Ông thường nhắc các cháu phải sống thật thà, tình cảm, biết kính trên, nhường dưới.

Trong cuộc sống hiện đại, không ít người e ngại sống chung trong một gia đình nhiều thế hệ vì nếp sống và suy nghĩ đôi khi khác nhau. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đúng vì thực tế, rất nhiều gia đình tam, tứ đại đồng đường vẫn hạnh phúc, đoàn kết, yêu thương nhau. Tất nhiên, việc duy trì nề nếp, hạnh phúc trong gia đình nhiều thế hệ không đơn giản nhưng chỉ cần các thành viên trong gia đình tự ý thức được trách nhiệm của mình, luôn quý trọng, yêu thương, chia sẻ cùng nhau thì hạnh phúc mãi đong đầy./.

► Kỷ niệm 17 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2018), sáng 27/6/2018, UBND TP.Tân An tổ chức họp mặt tuyên dương 58 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc lần thứ II, năm 2018 và tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ. Tính đến nay, toàn thành phố có 32.819/33.575 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 97,74%.

► Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bến Lức phối hợp các hội, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: Hội thi Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), Luật Hôn nhân Gia đình, truyền thông về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình; tổ chức tập huấn, tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ,...

Huyện tổ chức tuyên dương 15 gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm liền (2015-2017) và khen thưởng 24 tập thể có thành tích tiêu biểu trong 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ (2009-2018),...

► Huyện Tân Hưng tổ chức họp mặt nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Gia đình Việt Nam và tặng giấy khen cho 34 gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn huyện vì có thành tích tốt trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2017.

Tính đến nay, toàn huyện có 97,5% hộ được công nhận gia đình văn hóa; 50/59 ấp, khu phố văn hóa, 2 xã văn hóa và 2 xã nông thôn mới. Đặc biệt, có 4 hộ gia đình trên địa bàn huyện vinh dự được về tỉnh tham dự Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh Long An lần thứ II năm 2018.

Mô hình, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, PCBLGĐ được các địa phương trong huyện đẩy mạnh thực hiện. Toàn huyện hiện có 61 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với 1.489 hội viên; 61 nhóm PCBLGĐ với 492 thành viên và 74 địa chỉ tin cậy.

► UBND huyện Cần Đước tổ chức họp mặt, biểu dương, khen thưởng 56 gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện năm 2018 nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Gia đình Việt Nam.

Huyện triển khai thực hiện nghiêm túc phong trào xây dựng gia đình văn hóa theo tiêu chí: “Ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đạt kết quả cao. Hàng năm, toàn huyện có trên 98% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa.

Nhóm CTV

Phương Phương

Chia sẻ bài viết