Minh họa: Thiện Mỹ
Chị thơ thẩn trên con đường quen thuộc, con đường nhỏ dẫn vào căn nhà đầy ắp kỷ niệm. Căn nhà của chị nằm cuối đường, đêm đêm vẫn thoang thoảng mùi hoa sứ, loài hoa ngày xưa anh yêu. Sau mỗi lần trực đêm, chị lại thích một mình đi trên con đường quen thuộc để tận hưởng phút thư thái cuối ngày và để nhớ về anh, về kỷ niệm ngày còn chung mái ấm. Anh không còn bên chị, anh lặng lẽ ra đi sau vụ tai nạn giao thông, để lại mình chị với nỗi đau âm ỉ cùng năm tháng. Nhưng đêm nay, chị không nhớ anh mà lại nhớ ánh mắt trong veo của cô bé lúc ban chiều. Ánh mắt ấy như ám ảnh, thôi thúc chị. Bao nhiêu năm trong nghề, đây là lần đầu chị đau đáu nhớ về ánh mắt ấy.
Ngày chị theo ngành Y, cha nắm chặt tay chị: “Theo nghề thì phải ráng cứu người nha con!”. Vậy mà hình như chị đi ngược lại lời cha. Chị vẫn ray rứt về lời hứa với cha năm nào nhưng có lẽ đó là định mệnh. Chọn khoa sản, chị nghĩ mình là người mang lại hạnh phúc to lớn cho bao gia đình. Lần đầu tiên đỡ đẻ, chị bật khóc lúc thấy nước mắt sản phụ lăn dài khi lần đầu tiên được gặp "thiên thần" của mình. Có một cảm giác rất lạ khi chị ẵm sinh linh bé nhỏ trên tay. Nó không máu mủ, ruột rà nhưng chị lại thấy hạnh phúc vô bờ bến, nhất là cái miệng chúm chím cất tiếng oa... oa... đầu tiên.
Năm đó, chị 25 tuổi! Theo nghề, chị biết, đâu chỉ có hạnh phúc mà còn chứa cả nỗi đau, nỗi khắc khoải có khi không bao giờ hóa giải được. Lần đầu tiên làm thủ thuật phá thai, đôi tay chị run lên, tim như thắt nghẹn và nước mắt lại chảy. Lời cha dặn “theo nghề là phải ráng cứu người nha con” lại văng vẳng, thế mà giờ đây, chị lại góp phần cướp đi một sự sống chưa kịp tượng hình. Đêm đó, chị mất ngủ. Chị hết hình dung gương mặt đứa bé sẽ ra sao rồi lại nghĩ nếu được nói, bé con sẽ nói gì. Chị nhìn đôi bàn tay. Chưa bao giờ chị căm ghét nó đến vậy!
Những niềm vui cứ xen trộn nỗi buồn theo chị hai chục năm nay. Hơn chục năm trước, bệnh viện triển khai thụ tinh nhân tạo, chị mừng, mừng đến phát khóc. Mà nghĩ cũng lạ, vui chị cũng khóc, buồn cũng khóc!
Bao nhiêu năm trong nghề, mỗi lần có cặp vợ chồng nào đến chữa hiếm muộn, chị đều cố gắng hết sức. Nhiều lần chị đọc được nỗi buồn, nỗi thất vọng trong ánh mắt họ. Có những cặp vợ chồng bỏ cả công ăn, việc làm, “định cư” ở bệnh viện hàng tháng trời để chị giúp canh trứng, kích trứng, cứ đều đặn hết hy vọng lại thất vọng...
Ngày bệnh viện triển khai thụ tinh, chị mạnh dạn đề xuất ban giám đốc cho mình được tham gia nghiên cứu, học tập. Ca đầu tiên thành công, cả ê kíp rưng rưng, ai cũng xem đứa bé ấy như con của mình. Những ngày đầu xuất viện, bệnh viện thường xuyên cử người đến tận nhà thăm hỏi và hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Ngày đầy tháng, cha mẹ xin phép lấy tên bệnh viện đặt tên cho bé như cách nhớ ơn đội ngũ y, bác sĩ nơi đây. An Bình, cái tên nghe ấm áp và thân thương đến lạ.
... Chị đi tới, đi lui có đến cả chục vòng trên con đường quen thuộc nhưng lòng cứ rối bời. Chị không nhớ nổi bao nhiêu lần mình thực hiện thủ thuật phá thai nhưng hình ảnh cô bé ban chiều đến bệnh viện lại khiến chị suy nghĩ nhiều đến vậy. Mỗi người đến bệnh viện đều có một hoàn cảnh và lý do khác nhau nhưng điểm chung ở họ đều không muốn giữ bào thai đang tượng hình. Một vài trường hợp bất đắc dĩ phải bỏ thai do dị tật, còn lại đa số là các bạn gái trẻ khước từ thiên chức làm mẹ vì lý do “chưa chín chắn” hay “con còn đi học”. Có nhiều bạn gái dửng dưng đến mức lạnh lùng và xem đó là việc bình thường. Còn chị, chị xót xa với từng trường hợp, chị dùng hết lời khuyên, mong họ giữ lại núm ruột của mình.
Chi, tên cô bé lúc chiều vào bệnh viện lại khác. Cô bé khúm núm, sợ sệt, ôm chặt cái giỏ trước bụng. Khi chị phân tích đến đoạn nếu phá thai sẽ ảnh hưởng và có thể gây vô sinh, cô bé gục đầu tức tưởi. Chị lấy mảnh giấy nhỏ, ghi lại số điện thoại của mình rồi đưa Chi: “Con về suy nghĩ kỹ, nếu cần tư vấn gì hãy gọi cho cô, rồi mình quyết định sau nha con!”.
Chi 16 tuổi, ngây thơ, khờ dại. Mẹ mất sớm, không ai chỉ dạy, Chi lớn lên như cây hoa dại giữa chốn đồng quê. Theo người bà con lên thành phố phụ việc, Chi đem lòng cảm mến anh chàng sinh viên chung xóm trọ. Rồi Chi mang thai, anh chàng sinh viên lại bặt tăm. Chuyện của Chi tựa như hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện trên phim, trong truyện và cả ngoài đời thực, đâu đó chị vẫn gặp những trường hợp tương tự trong những ca phải xử lý ở bệnh viện, nhưng ánh mắt nhìn của Chi sâu thẳm, vừa khắc khoải, vừa đau đớn lại ánh lên một khát vọng mãnh liệt. Tự dưng, chị thương Chi quá! Chuông điện thoại vang lên. “Dạ, con là Chi.
Cô ơi, con suy nghĩ kỹ rồi, con muốn giữ lại em bé, con cám ơn cô cho con lời khuyên kịp lúc. Mai con đến chùa xin tá túc, chờ đến ngày sinh nở. Con sẽ đi kiếm việc làm để tự nuôi con...”. Chi còn huyên thuyên nhiều chuyện lắm mà hình như chị chẳng nhớ được gì ngoài quyết định giữ lại con của con bé. Chị vui hẳn lên và cảm nhận được niềm hạnh phúc đang ở gần lắm. Chị chợt quyết định, một quyết định vội vã nhất trong cuộc đời chị. Ngày mai, chị sẽ đón Chi về. Căn nhà của chị sẽ lại ấm áp bởi có chị, có Chi và có cả tiếng khóc trẻ con./.
Thanh Trúc