Khách châu Âu thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh: Huy Hoàng/Vietnam+)
Trong bối cảnh tình hình thế giới còn “căng như dây đàn” bởi dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã bước đầu “thở phào” bước sang giai đoạn hậu giãn cách. Các đơn vị lữ hành nhanh chóng “bừng tỉnh” xây dựng chiến lược mới, lên kế hoạch kích cầu du lịch nội địa.
Hầu hết các tour tuyến, dịch vụ, chương trình mới cũng như dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp đều đa dạng hơn với giá khuyến mại tới 50% nhằm phục vụ thị trường trong nước.
Sản phẩm combo, voucher lên ngôi
Một trong những xu hướng sản phẩm đang được các công ty du lịch lựa chọn triển khai nhiều là “Free & Easy” (cung cấp các dịch vụ lẻ) dành cho nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình với mức giá ưu đãi so với bình thường.
Ngoài các gói tour truyền thống, “Free & Easy” hay Combo nghỉ dưỡng cao cấp, lữ hành còn triển khai dịch vụ cung cấp “Travel Voucher” - phiếu du lịch có tính năng tiện dụng và linh hoạt phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện đại.
Mặc dù triển khai và giảm giá nhiều gói sản phẩm du lịch đa dạng như vậy nhưng đại diện các hãng lữ hành lớn khẳng định vẫn luôn đặt an toàn phòng chống dịch cho du khách đi tour lên hàng đầu cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ không đổi, hành trình thăm quan phong phú, mới lạ, lịch khởi hành linh hoạt.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội cho biết trước đây sản phẩm của công ty chủ yếu là tour trọn gói thì nay đa dạng hơn, hướng tới phục vụ các dịch vụ khách sạn, xe vận chuyển, vé máy bay… cho nhóm khách lẻ.
“Đây là thời điểm tốt nhất cho khách trải nghiệm dịch vụ chất lượng 4-5 sao giá vô cùng hợp lý với ưu đãi giảm giá tới 50%. Người trong nghề như chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến thị trường có mức giá lý tưởng như thế này. Khách nội địa được hưởng dịch vụ cao cấp giá rẻ và được chăm sóc cẩn thận, an toàn,” đại diện Vietravel nói.
Khách lẻ đi du lịch chờ check-in khách sạn tại Quy Nhơn dịp lễ 30/4 vừa qua. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Dù dịch bệnh COVID-19 khiến ngành “kinh tế không khói” toàn cầu trong đó có Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề nhưng đại diện Vietravel cho rằng: “COVID-19 vẫn có mặt tích cực là giúp những doanh nghiệp như chúng tôi có thời gian tái cơ cấu nguồn nhân lực, nghiên cứu và xây dựng thêm sản phẩm mới phù hợp nhu cầu du khách trong giai đoạn mới.”
Với mức giá rẻ chưa từng có, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông lữ hành Saigontourist cho biết, các tour nội địa của đơn vị này sẽ đều đặn khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Nội hậu giãn cách COVID-19. Dịch vụ đặt phòng khách sạn cao cấp khắp 3 miền giảm từ 30%-50% so với giá thường, dao động còn từ 880.000 đồng/khách đến từ 5,5 triệu đồng/khách.
Theo bà Thanh Trà, các combo cao cấp bay với hãng Hàng không Bamboo Airways, nghỉ dưỡng từ 3-4 ngày tại các khách sạn, resort 5 sao giảm từ 20%-50% so với giá thường, như combo nghỉ dưỡng tại FLC Quy Nhơn hay Mường Thanh Holiday Đà Lạt, giá còn từ 2,750 triệu đồng/khách, combo tại Vinpearl Riverfront Đà Nẵng, giá còn từ 3,390 triệu đồng/khách, combo tại Vinpearl Beach Front Nha Trang, giá còn từ 3,399 triệu đồng/khách, combo tại Vinoasis Phú Quốc giá còn từ 3,499 triệu đồng/khách (giá đã bao gồm vé máy bay).
Bên cạnh đó, các tour đường bộ khởi hành hàng ngày có mức giảm từ 20%-30% so với giá thường; các tour đường bay “Chào hè” khởi hành vào tháng Sáu, bay với hãng Hàng không Vietnam Airlines và Vietjet cũng giảm đến 12% so với giá thường.
Ngoài những điểm đến quen thuộc, bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Bình Định, CEO của Golden Life Travel Quy Nhơn gợi ý, ở Quy Nhơn không chỉ có các điểm du lịch nổi tiếng như Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô, Trung Lương… mà du khách có thể khám phá điểm mới như Phương Mai Bay, Biển Đề Ghi, và các bãi san hô mới rải rác khắp vùng biển Quy Nhơn.
“Nếu trước đây du khách sững sờ trước Kỳ Co của Quy Nhơn thì nay sẽ ngạc nhiên trước hơn 3km bờ biển thoai thoải như tranh của Phương Mai Bay với trải nghiệm quăng lưới bắt cá rồi thưởng thức ngay tại chỗ. Du khách có thể trải nghiệm ngắm chim bay về Cồn Chim trên Đầm Thị Nại và xem các thành viên Câu lạc bộ Võ thuật Chùa Long Phước – được mệnh danh thiếu lâm tự của Việt Nam tập luyện, thưởng thức ẩm thực xứ Nẫu, cảm nhận hương vị món ăn nơi kinh kỳ xưa,” bà Lan chia sẻ.
Phương Mai Bay, một trong những điểm đến mới ở Quy Nhơn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
“Kết bè vượt bão”
Là một trong những vùng đất không chỉ giàu giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo mà thiên nhiên cũng vô vùng ưu đãi của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Định là địa phương đang được nhiều du khách quan tâm tìm đến thời gian qua.
Bà Xuân Lan cho biết, hiện các công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng tại Quy Nhơn đã mở cửa đón khách trở lại. Đa số doanh nghiệp là thành viên hiệp hội đều quan tâm đến kích cầu hậu giãn cách nên đồng lòng giảm lợi nhuận, trợ giá, khuyến khích khách hàng trở lại thị trường du lịch nội địa.
“Các nhà cung cấp dịch vụ khách sạn, vận chuyển, các điểm thăm quan đều giảm thêm ít nhất 10% trên giá hợp đồng đại lý, và dành đặc quyền cao hơn cho những công ty lữ hành uy tín, có mối quan hệ truyền thống,” bà Lan nói.
Ngoài ra, Hiệp hội Du Lịch Bình Định đang cùng các công ty lữ hành tổ chức cho hội viên đưa ra nhiều gói sản phẩm mới vừa giảm giá sâu vừa chất lượng và giàu trải nghiệm nhằm hút khách.
Du lịch đã bước sang giai đoạn mới khi Việt Nam tạm thời kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không chỉ các doanh nghiệp ở địa phương như Bình Định mà các doanh nghiệp lớn, nhỏ trên cả nước đều nhận thức rất rõ việc cần phải làm ngay là cùng “kết bè” để đưa con tàu du lịch “vượt bão.”
Đoàn du khách thăm quan tượng đài Mẹ Suốt ở Quảng Bình thời điểm chưa có dịch COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Các CEO du lịch cho rằng lúc này sự chung tay của cả mảng nội địa và inbound (đưa khách vào Việt Nam) với các nhà cung cấp là vô cùng cần thiết. Du lịch chỉ có thể khởi sắc trở lại khi khách hàng đang trong giai đoạn khó khăn với túi tiền gặp được sản phẩm hay, giá tốt.
Mới đây UNWTO dự báo, COVID-19 sẽ khiến khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới sụt giảm 20-30% - con số cao hơn rất nhiều so với sự kiện 11/9, dịch SARS 2003, khủng hoảng tài chính 2009.
Điều đó kéo theo hành vi tiêu dùng du lịch cũng sẽ thay đổi, du lịch nội địa sẽ phục hồi trước tiên, sau đó đến outbound (khách Việt đi nước ngoài) và inbound (khách quốc tế vào Việt Nam). Khách châu Âu, châu Mỹ thường lập kế hoạch đi du lịch trước 6 tháng-1 năm nên thị trường này dự báo sẽ phục hồi muộn nhất.
Nhờ công nghệ 4.0 mà du lịch thông minh đã phát triển và nay sẽ càng có cơ hội phát triển hơn. Như thời gian đầu hậu giãn cách, tâm lý người dân còn chưa thực an tâm, ngay trong kỳ nghỉ 30/4-1/5, khi các hãng lữ hành còn “ngủ đông” thì khách nội địa đã tự đi, đặt khách sạn, tự lái hoặc mua combo vé máy bay khách sạn.
Nắm bắt nhu cầu này, các hãng lữ hành cần nhanh nhạy chuyển mình theo hướng số hóa hoặc tạo những sản phẩm đặc thù khác biệt, làm nổi bật điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, CEO Eviva Tour, các “thủ lĩnh” của ngành du lịch đã quyết định thành lập những nhóm nghề nghiệp trên facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề về xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay… Đặc biệt, họ cùng thống nhất giá và cùng bán sản phẩm.
Những nhóm này hướng tới đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để giảm chi phí thấp nhất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững.
Bà Dương và các đồng nghiệp hy vọng du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra nhiều kỳ tích mới trên thế giới về một điểm đến an toàn, thân thiện, trách nhiệm #VIETNAMSTRONG, # V I E T N A M T R A V E L S A F E , #THANKYOUVIETNAM.../.
Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)