Tiếng Việt | English

17/01/2024 - 08:29

Hiệu quả chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính

Với mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo lộ trình CĐS toàn diện tại Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC.

Đạt nhiều kết quả tích cực

Thời gian qua, huyện Tân Thạnh tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với CĐS theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của CĐS, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo, hướng đến CĐS toàn diện. Công tác cải cách TTHC trên các lĩnh vực được tiến hành thường xuyên tại các phòng chuyên môn huyện và UBND các xã, thị trấn. Qua đó, kịp thời cập nhật TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, UBND cấp xã.

Người dân đến nộp hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công huyện Tân Thạnh

Huyện tổ chức cập nhật và niêm yết lại Bộ TTHC cấp huyện với 42 lĩnh vực, 199 TTHC; Bộ TTHC cấp xã với 27 lĩnh vực, 93 TTHC; danh mục TTHC thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 (hiện nay là DVCTT một phần và DVCTT toàn trình theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng); danh mục TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích;... giúp người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận, theo dõi và thực hiện.

Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các DVCTT, góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ DVCTT, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại, tránh gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết các TTHC. Anh Trần Văn Hiếu (thị trấn Tân Thạnh) chia sẻ: “Từ khi triển khai các DVCTT, tôi thấy rất thuận tiện vì ở bất cứ đâu, chỉ cần có thiết bị kết nối mạng hay điện thoại thông minh là có thể gửi các hồ sơ một cách dễ dàng”.

Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện Tân Thạnh - Võ Văn Tài thông tin: “Thời gian qua, công tác tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, TTHC được các đơn vị cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc, nhất là việc công khai và niêm yết số điện thoại “đường dây nóng” để kịp thời tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị về giải quyết cũng như tư vấn về giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện. Mức độ hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức Trung tâm qua hệ thống phần mềm đạt 99,6%”.

Trong năm 2023, đối với DVCTT, tỷ lệ số hóa hồ sơ của huyện là 11.075 hồ sơ, đạt 99,81%; tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC là 4.428 hồ sơ, đạt 99,98%. Đối với hệ thống “một cửa”, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết trước và đúng hạn của huyện đạt 99,7%. Con số này đã phản ánh nền hành chính ngày càng tiên tiến của địa phương, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Thạnh - Trần Lưu Niệm cho biết: “Đến nay, huyện đã triển khai nhiệm vụ CĐS trong giải quyết TTHC đến tất cả ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn. Hệ thống trang thông tin điện tử địa phương thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức nhanh chóng, hiệu quả; cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân truy cập thông tin, chính sách để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực thi công vụ”.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện, huyện còn gặp một số hạn chế, khó khăn như thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn còn phổ biến, chỉ làm theo cách thức truyền thống là nộp hồ sơ trực tiếp; thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân chậm thay đổi, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc đẩy mạnh giải quyết TTHC mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến.

Xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh đẩy mạnh thanh toán trực tuyến

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Hà Thanh Chì, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các quy định, hướng dẫn về công tác cải cách hành chính gắn với CĐS, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Huyện tập trung rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; kịp thời kiến nghị, bãi bỏ các thủ tục còn rườm rà, chồng chéo và các thành phần hồ sơ chưa đúng quy định; bảo đảm thường xuyên, kịp thời cập nhật, công khai TTHC với những hình thức phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm hiểu và thực hiện.

“Đồng thời, huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng truyền dẫn và trang thiết bị phục vụ triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số; số hóa, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan Nhà nước theo quy định. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số, định danh số, CĐS và niêm phong điện tử trong xử lý văn bản hành chính, cắt giảm giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính” - ông Hà Thanh Chì
thông tin./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết