Tiếng Việt | English

24/05/2022 - 13:29

Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ khai mạc, thảo luận về một loạt vấn đề nóng

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Tứ sẽ công bố các sáng kiến mới về “nhận thức hàng hải”, vaccine ngừa Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) vào hôm nay (24/5), các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có dịch Covid-19, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng an ninh vẫn là vấn đề được đặt lên hàng đầu khi các mối đe dọa gia tăng trong khu vực.


Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ. Ảnh: CNN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Biden cho biết: "Chúng tôi có mặt ở đây để thực hiện những điều cần thiết cho khu vực. Tôi tự hào về những gì mà chúng tôi đang cùng nhau xây dựng”. Các nhà lãnh đạo cũng ca ngợi mối quan hệ của Bộ Tứ, tái khẳng định mục tiêu xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Tứ sẽ công bố các sáng kiến mới về “nhận thức hàng hải”, vaccine ngừa Covid-19 và biến đổi khí hậu. Tổng thống Biden dự kiến có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn với hy vọng sẽ khiến New Delhi giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Bên cạnh đó, ông Biden cũng sẽ có cuộc gặp riêng với tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Quan hệ giữa 4 nước thành viên trong nhóm Bộ Tứ ngày càng được tăng cường trong bối cảnh chính quyền ông Biden đang điều chỉnh chính sách đối ngoại, tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Vấn đề Đài Loan dự kiến cũng được đề cập trong các cuộc thảo luận. Bên cạnh đó, theo các quan chức Nhà Trắng, cuộc xung đột Nga-Ukraine chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Australia, Nhật Bản và Mỹ đều bày tỏ lập trường cứng rắn đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, riêng Ấn Độ vẫn giữ thái độ im lặng.

Theo AP, Nhà Trắng dường như thất vọng với phản ứng của Ấn Độ trước cuộc xung đột này. Tổng thống Biden đã yêu cầu Ấn Độ không đẩy mạnh mua dầu mỏ của Nga khi phương Tây tìm cách cắt giảm doanh thu của Moscow trong lĩnh năng lượng. Tuy vậy, Thủ tướng Modi không đưa ra bất cứ cam kết công khai nào.

Ngoài các vấn đề trên, hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon cũng là một trong những điểm chính trong chương trình nghị sự. Việc Trung Quốc và Solomon ký kết hiệp ước an ninh vào tháng 4/2022 đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ Australia, New Zealand và Mỹ. Nhiều người lo ngại rằng thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự ở quốc gia nhỏ bé ở Thái Bình Dương, mặc dù lãnh đạo Solomon nói rằng ông sẽ không để điều này xảy ra.

Tiếp đến là chương trình tên lửa của Triều Tiên. Kể từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 14 vụ thử tên lửa bất chấp cảnh báo của Mỹ và Nhật Bản./.

Hồng Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết