Tiếng Việt | English

29/10/2019 - 19:50

Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam”

Hội thảo được tổ chức tại Nghệ An với mục đích đánh giá ý nghĩa, tác động của các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước sở tại.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Sáng 29/10, tại Nghệ An, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới."

Đây là hội thảo được tổ chức với mục đích đánh giá ý nghĩa, tác động của các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước sở tại; khẳng định những ghi nhận của thế giới về các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay; góp phần đánh giá tính hiệu quả của ngoại giao văn hóa trong việc giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam thông qua hình ảnh con người Việt Nam tiêu biểu, cụ thể là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hội thảo là một trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc, 50 ngày mất và hướng tới 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần thực chất vào việc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài."

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngoại giao văn hóa; cán bộ quản lý tham gia Đề án; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; các cơ quan thông tấn, báo chí.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: Bộ Ngoại giao luôn tự hào khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ trưởng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người khai sinh nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó có ngoại giao văn hóa, nhằm tạo động lực mới cho ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa văn hóa của nhiều dân tộc phương Đông, phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Trong thời gian qua, được sự ủng hộ của các nước trên thế giới, các hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua việc tôn vinh Bác đã và đang được triển khai ở khắp các châu lục thông qua mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Hình ảnh Bác đã góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách chân thực, sống động và thuyết phục về lịch sử hào hùng, văn hóa độc đáo, đất nước tươi đẹp và con người thân thiện, cần cù, sáng tạo, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các dân tộc, quốc gia trên thế giới; góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt, nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; góp phần nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, giúp gắn kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hướng về quê hương, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; góp phần sưu tầm, lưu giữ, bảo vệ và phát huy những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại dấu tích, dưới cả góc độ vật thể và phi vật thể.

Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO, cho rằng trải qua những năm bôn ba qua các đại dương và lục địa, từ phương Đông sang phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành một quan điểm độc đáo về tầm quan trọng của đối thoại liên văn hóa làm nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau và là một công cụ ngoại giao quan trọng.

Người - một công dân toàn cầu trước khi hình thành khái niệm này, qua hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc đã để lại những hiểu biết sâu sắc về những gì thúc đẩy và thu hút các cá nhân hướng đến một mục tiêu - điểm chung giữa những dân tộc khác nhau sống ở các vùng đất khác nhau trên khắp hành tinh.

Trên hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa nhân văn và với sự hiểu biết sâu sắc của Người về bản chất con người đã làm sáng tỏ sự thật lịch sử.

Ông Viengxay Darasane, Tham tán Công sứ - Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cho biết, khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nói về Bác Hồ, nhân dân Lào luôn dành tình cảm thân thương, mến mộ và kính trọng.

Bác là một lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân Việt Nam, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho sự nghiệp độc lập, vì tự do cho dân tộc Việt Nam và người dân bị áp bức trên toàn thế giới. Đạo đức cách mạng của Người là tấm gương sáng và Người luôn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế...

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Học tập, kế thừa tư tưởng, đạo đức và đặc biệt là phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy các tiềm năng, thế mạnh. Thấm nhuần tư tưởng và lời dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An sẽ cố gắng hết mình để cùng xây dựng tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, trở thành một trong những tỉnh khá của khu vực phía Bắc như định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26-NQ/TW và như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Trong tham luận với nội dung “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới, nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh," Trưởng Ban biên tập tin Thế giới (Thông tấn xã Việt Nam) Đoàn Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh: Trong con mắt của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, Người là hiện thân của tinh thần giải phóng dân tộc và độc lập tự do. Nhân dân luôn là tâm điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Người đối với nhân dân không bị giới hạn trong các ranh giới địa lý.

Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn được bè bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Người đã chiến đấu không ngừng nghỉ, không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại bị áp bức trên toàn thế giới. Người đã được các nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà văn hóa, những chính khách trên khắp thế giới trân trọng và thán phục.

Nhiều giai cấp tiến bộ trên thế giới cũng có những cảm nhận rất chân thành, sâu sắc về Người. Tạp chí Time hàng đầu của Mỹ đã bình chọn Bác là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.

Trưởng Ban biên tập tin Thế giới Đoàn Thị Tuyết Nhung cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, đã có trên 200 tác phẩm và công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lý học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới… viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Tên tuổi và sự nghiệp của Người đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa thế giới, các bộ tự điển danh nhân lỗi lạc của loài người. Đến hôm nay, ở thế kỷ 21, vẫn còn nhiều người nước ngoài xem đây là đề tài để viết sách và giải mã những bí ẩn chiến thắng của dân tộc Việt Nam qua hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, mặc dù Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi, đã bước sang một vận hội mới phù hợp với xu thế tiến lên của thời đại, nhưng những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong mỗi người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung. Có thể khẳng định, tinh thần nhân văn, giá trị của những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, trong đó có ngoại giao nhân dân, phong cách Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp to lớn vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cho rằng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, trong đó các giá trị văn hóa phổ biến vừa là mục tiêu hướng tới, vừa là phương tiện, nguyên tắc, phương châm, phương pháp... được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Nét đặc sắc trong phong cách ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập suy nghĩ để tìm ra chân lý, lẽ phải, là phương pháp, cách thức giải quyết, xử lý các vấn đề, xử lý tình huống  một cách phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn. Người luôn xuất phát từ thực tiễn lịch sử dân tộc và thời đại làm định hướng cho mục tiêu hoạt động, trong đó lợi ích quốc gia, dân tộc được đặt lên trên hết.

Tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện bản lĩnh của Người đó là không lệ thuộc, không bắt chước, tỏ rõ tính chủ động, luôn cập nhật những vấn đề mới, đề xuất mới, phù hợp với quy luật khách quan, xu thế vận động quốc tế và yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Người luôn hướng tầm nhìn ra thế giới, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, làm giàu trí tuệ của mình bằng những kiến thức rất phong phú, sâu rộng, độc lập, tự chủ, sáng tạo. Những đặc điểm trên hòa quyện với nhau, tạo nên tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Minh Trưởng nêu quan điểm, trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào thực tiễn, trước hết cần phải giữ gìn bản sắc, giữ vững các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lấy đó làm nền tảng để tham gia tiến trình hội nhập, làm phong phú thêm các giá trị văn hóa Việt Nam.

Ngoại giao văn hóa phải được xác định làm nguồn lực quan trọng, để tạo nên “sức mạnh mềm," góp phần xứng đáng vào thành công của sự nghiệp cách mạng nước ta, đồng thời góp phần tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; góp phần định hình xu thế quan hệ quốc tế hiện đại: Hòa bình-Hội nhập-Phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe nhiều ý kiến phát biểu, tham luận khác tập trung vào các chủ đề như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới và nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh thúc đẩy quan hệ Việt Nam và các nước; các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy di sản Hồ Chí Minh và hình ảnh đất nước...

Nhân dịp này, các đại biểu trong nước và quốc tế đã đến dâng hương, dâng hoa, tham quan Khu di tích lịch sử Kim Liên - nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết