Tiếng Việt | English

05/06/2017 - 16:57

Kỷ niệm 106 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2017):

Hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đã gần 48 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng trong lòng các thế hệ nhân dân Việt Nam, Người vẫn còn sống mãi. Nhìn lại hành trình cứu nước 106 năm về trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta đều khắc sâu trong tâm khảm những hy sinh lớn lao mà Bác đã trải qua trong suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước với lòng biết ơn vô hạn đối với công ơn trời biển Bác đã dành cho Đất nước ta, Dân tộc ta và Nhân dân ta.

Cách đây 106 năm, ngày 05/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, đã rời Tổ quốc trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm ra đi tìm đường cứu nước.


Bến Nhà Rồng - nơi cách đây 106 năm Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước.

Nguyễn Tất Thành rất ngưỡng mộ và kính trọng lòng yêu nước dũng cảm, kiên cường của các bậc tiền bối và sớm nhận ra con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; phải ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước độc lập phát triển như thế nào để trở về giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến.

Tại Mác xây, ngày 15/9/1911, Người viết thư gửi Bộ trưởng thuộc địa Pháp, ký tên Nguyễn Tất Thành, xin vào học trường thuộc địa nhưng đã bị từ chối. Từ năm 1912, Nguyễn Tất Thành đi qua một số nước châu Phi, châu Mỹ. Giữa năm 1913, Người đến nước Anh, tham gia nhiều hoạt động ở đây cho đến giữa năm 1917 mới trở lại nước Pháp.

Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp, tháng 6/1919 thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi bản yêu sách gồm 8 điểm (ký tên Nguyễn Ái Quốc) tới hội nghị các nước đế quốc họp ở Véc-xây (nước Pháp), đòi chính phủ các nước họp hội nghị phải thừa nhận quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Từ năm 1921 đến tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc triển khai nhiều hoạt động, tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, dự Đại hội lần thứ I và lần thứ II của Đảng Cộng sản Pháp, sinh hoạt trong câu lạc bộ Pho bua, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Người cùng khổ…

Ngày 13/6/1923, Người rời nước Pháp đi Đức và ngày 22/6/1923 đi Liên Xô. Từ tháng 7/1923 đến tháng 10/1924, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, bổ sung và phát triển lý luận về cách mạng thuộc địa. Người hoạt động trong Quốc tế Nông dân; học tập tại trường Đại học Phương Đông; tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản; tiếp tục viết nhiều sách báo tuyên truyền cách mạng, hoàn thành tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp…

Từ khi rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) tháng 11/1924 đến tháng 02/1930, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động, chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (tháng 6/1925), mở các lớp huấn luyện cán bộ, xuất bản Báo Thanh Niên (1925) và tác phẩm Đường cách mệnh (1927). Hè năm 1927, khi tình hình cách mạng Trung Quốc có nhiều biến động phức tạp, Nguyễn Ái Quốc lại đi Liên Xô, sau đó đi Đức tháng 11/1927, rồi bí mật sang Pháp, đến nước Bỉ dự cuộc họp của Đại hội đồng liên đoàn chống đế quốc (tháng 12/1927), rồi quay lại Đức, đi Thụy Sỹ, sang Italia. Tháng 7/1928, Nguyễn Ái Quốc tới Xiêm (Thái Lan), rồi trở lại Trung Quốc vào cuối năm 1929. Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Trong khoảng thời gian ấy, Người có lúc ở Liên Xô, Trung Quốc, từng bị kẻ thù bắt giam ở Hồng Kông. Cuối năm 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lê nin. Năm 1938, Người trở về Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở vùng Quảng Tây. Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã trở về Tổ quốc (Pác Bó, Cao Bằng), trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, sáng lập Báo Việt Nam độc lập, tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Tháng 5/1945, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình và yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ quyết định rời Pác Bó, Cao Bằng về Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Tại đây Người đã lãnh đạo tổ chức các sự kiện lịch sử trọng đại liên quan trực tiếp đến vận mệnh dân tộc: Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra quân lệnh số 1 phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước; Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân của Quốc hội nước ta, bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiếp tục vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là Di sản to lớn Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Do đó, mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, mọi người dân từ thành thị đến nông thôn, từ miền cao đến miền xuôi,... cần đẩy mạnh học tập và làm theo Bác. Đó chính là tình cảm, là trách nhiệm của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta đối với sự hy sinh to lớn và cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

Biên tập theo Báo Tuyên Quang

Chia sẻ bài viết