Chủ thể tham gia các đề án
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Hồ Thị Ngọc Lan cho biết: “HTXNN có vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và làm đổi thay diện mạo nông thôn. Hiện nay, tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án (ĐA) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó đặc biệt là việc triển khai ĐA Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; ĐA Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Để thực hiện tốt các ĐA này, HTX đóng vai trò “mắt xích” quan trọng, giúp tỉnh triển khai nhanh chóng, hiệu quả các kế hoạch đề ra. Bởi thực tế các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước không thể đầu tư trực tiếp vào nông dân, không thể đầu tư nhỏ, lẻ, manh mún mà phải thông qua HTX làm cầu nối”.
Hợp tác xã nông nghiệp góp phần mở rộng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười
Điển hình để thực hiện tốt ĐA Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế hợp tác tỉnh tập trung huy động nhiều nguồn lực, ban hành kế hoạch để các HTX phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện ĐA.
Kết quả, đến nay đã thành lập mới 5 HTX cây ăn quả trong vùng ĐA, góp phần nâng tổng số HTX cây ăn quả trong vùng Đề án là 15 HTX; hỗ trợ 5 HTX, trang trại trồng mít, bưởi, sầu riêng, chanh đạt chứng nhận VietGAP, với diện tích hơn 122ha; xây dựng được 26 mã số vùng trồng trong vùng nguyên liệu, với diện tích gần 470ha, xuất đi các thị trường: Hàn Quốc, châu Âu, Nga, Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc,...
Cùng hợp tác, cùng phát triển
Hiểu được ý nghĩa và mục tiêu phát triển của HTXNN mang lại; đồng thời, với tư duy mới, nhận thức mới, anh Lê Thành Nhân (xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa) mạnh dạn thành lập HTX Cây ăn trái công nghệ cao xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, với 8 thành viên tham gia, diện tích sản xuất 90ha. Ngành nghề kinh doanh trồng chuối xuất khẩu, mua bán lúa gạo, cung cấp vật liệu xây dựng và vật tư nông nghiệp.
Thực hiện phương châm “Cùng hợp tác, cùng phát triển”, anh Nhân và các thành viên HTX đến trực tiếp các công ty, doanh nghiệp mua vật tư nông nghiệp với giá ưu đãi thay vì HTX mua về bán lại để lấy lời. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc HTX sẽ là đầu mối chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho kinh tế hợp tác đến với thành viên HTX, nhất là đứng ra bao tiêu nông sản cho thành viên HTX.
Giám đốc HTX Cây ăn trái công nghệ cao xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa - Lê Thành Nhân cho biết: “Mục đích tôi thành lập HTX vì muốn hình thành một vùng nguyên liệu lớn, tạo tiếng nói chung để cùng hợp tác, cùng phát triển. Thực tế hiện nay, nông dân cứ mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán thì phải chịu cảnh “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại. Còn mình liên kết sản xuất, tạo được vùng nguyên liệu lớn, sản xuất theo quy trình, chắc chắn nông sản của nông dân sẽ bán có giá hơn”.
Thực hiện ĐA Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, các cấp, các ngành và địa phương cũng chọn các HTXNN làm điểm triển khai, thực hiện. Bởi, các HTXNN là nơi hội tụ đủ các điều kiện như có hơn 20% diện tích canh tác lúa đã áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững; hơn 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương; 100% hộ trong vùng cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng; diện tích đã liên kết đạt hơn 30%; 40% hộ trong vùng đã được tập huấn quy trình canh tác lúa bền vững;...
Ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải tại huyện Tân Thạnh
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Thịnh, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh - Bùi Văn Song thông tin: “Khi địa phương triển khai ĐA 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, với vai trò là giám đốc HTX, tôi nhận thấy HTX có đủ các điều kiện để tham gia ĐA. Do đó, tôi lấy ý kiến của các thành viên và tất cả đều thống nhất việc đăng ký tham gia ĐA”.
Hiện toàn tỉnh có 322 HTX, trong đó có 244 HTXNN với hơn 5.700 thành viên tham gia, vốn điều lệ gần 200 triệu đồng/HTX. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, quyết tâm của các HTX đã góp phần cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đã và đang hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần khẳng định HTXNN là “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp./.
|
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Long An tổ chức hội nghị sơ kết tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
|
Bùi Tùng