Tiếng Việt | English

26/04/2023 - 09:22

Hướng về cội nguồn dân tộc

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca dao ấy in sâu trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt từ bao đời nay. Hàng năm, cứ đến Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 Âm lịch, người dân cả nước cùng chung một lòng hướng về cội nguồn dân tộc.

Giỗ tổ Hùng Vương - linh thiêng nguồn cội

Hùng Vương là tên gọi chung 18 đời vua Hùng thuộc họ Hồng Bàng (2.879-258 trước Công nguyên). Nếu tính cả Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân thì có tất cả 20 đời vua thuộc họ Hồng Bàng. Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu 3 đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến dãy núi Ngũ Lĩnh gặp một nàng Tiên (Vụ Tiên), lấy nàng rồi sinh ra Lộc Tục. Sau này, Lộc Tục lên làm vua (vào năm 2.879 trước Công nguyên), xưng đế hiệu là Kinh Dương Vương và lấy Quốc hiệu là Xích Quỷ. Cổ sử Việt ghi chép, Lộc Tục là vị vua đầu tiên của Việt Nam.

Đường Hùng Vương là tuyến đường chính của TP.Tân An

Kinh Dương Vương kết hôn với Long Nữ (con gái của Động Đình Quân) sinh ra con trai tên là Sùng Lãm. Sau khi lên ngôi vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết hôn với Âu Cơ (con gái vua Đế Lai) sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con. Về sau, Lạc Long Quân chia tay Âu Cơ, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi. Người con cả nối ngôi cha, xưng là Hùng Vương.

Hùng Vương đứng đầu nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Dưới Hùng Vương còn có lạc hầu, lạc tướng giúp việc. Lạc tướng còn trực tiếp cai quản công việc của các bộ (bộ lạc cũ). Dưới nữa là bố chính, đứng đầu các làng bản. Người dân gọi là lạc dân. Con trai Hùng Vương lấy tên là Quan Lang, con gái tên là Mỵ Nương. Hùng Vương truyền ngôi được 18 đời.

Suốt chiều dài lịch sử của đất nước, với người dân đất Việt, các vua Hùng vị tổ dựng nước, là tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý của người Việt Nam. Vì vậy, đã thành thông lệ, cứ đến mùng 10/3 Âm lịch hàng năm, người dân cả nước hướng về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Bà Hồ Thị Thảo Nguyên (quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây, năm nào tôi cũng đến Đền tưởng niệm các vua Hùng tại quận 9, TP.HCM để dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức của tổ tiên. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tôi không tham gia hoạt động này nữa mà chuẩn bị mâm cơm, mua thêm bánh chưng, bánh dầy để dâng cúng tổ tiên và các bậc tiền hiền đã có công dựng nước. Tôi cũng khuyên dạy con cháu phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nỗ lực học tập, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Tự hào là “con cháu Lạc Hồng”

Cách đây 69 năm, ngày 19/9/1954, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Đại đoàn 308) tại Đền Hùng (Phú Thọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “... Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...”. Không chỉ khẳng định công lao to lớn của các vua Hùng, các thế hệ cha ông, lời Bác dặn còn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, phải có trách nhiệm giữ gìn giang sơn, gấm vóc. Khắc ghi lời dặn của Bác, tuổi trẻ Long An hôm nay vững bước dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, đem sức trẻ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam; chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH.

Để nhắc nhớ về nguồn cội dân tộc, tại TP.Tân An, có tuyến đường và ngôi trường THPT mang tên Hùng Vương. Chúng tôi có dịp về lại Trường THPT Hùng Vương vào những ngày cuối tháng 4, khi mà thầy, trò tất bật chuẩn bị các hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Nhìn không khí thi đua dạy và học sôi nổi, chúng tôi nhận ra rằng đó không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường mà còn là niềm tự hào.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP.Tân An) tìm hiểu truyền thuyết Quốc Tổ Hùng Vương để hiểu hơn về cội nguồn dân tộc

Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (phường 5, TP.Tân An) - Trần Thị Ngọc Thúy thông tin: “Để giáo dục truyền thống, lịch sử cho học sinh, nhà trường lược trích tiểu sử truyền thuyết Quốc Tổ Hùng Vương và đặt tại vị trí trang trọng trong khuôn viên trường. Hàng năm, cứ gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhà trường tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về truyền thuyết các vua Hùng”. Bên cạnh đó, truyền thuyết các vua Hùng còn được giáo viên bộ môn Lịch sử, Ngữ văn lồng ghép giảng dạy trong các tiết học; giáo dục ngoài giờ và những buổi ngoại khóa”.

Năm nay, cuộc thi “Tìm hiểu về truyền thuyết các vua Hùng” được nhà trường tổ chức dưới hình thức “rung chuông vàng”, mỗi lớp cử 5 đoàn viên tham gia. Qua đó, giúp học sinh hiểu hơn về truyền thuyết các vua Hùng; giáo dục đạo lý nhớ về nguồn cội, “Uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời, nhà trường hướng học sinh đến những hoạt động lành mạnh, có ý nghĩa, góp phần xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Tự hào là cảm xúc chung của trên 1.400 học sinh đang học tại ngôi trường mang tên Hùng Vương. Em Nguyễn Hoàng Tấn (lớp 12A5, Trường THPT Hùng Vương) bày tỏ: “Em rất tự hào vì được học tập dưới mái trường giàu truyền thống mang tên Hùng Vương. Vì vậy, em cố gắng học tập, rèn luyện để sau này góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước”.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Hùng Vương ra sức thi đua dạy tốt - học tốt

Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ trọng đại của đất nước, là dịp để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời. Hướng về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc, lớp lớp thế hệ người Việt Nam hôm nay nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc để xứng đáng là con cháu Lạc Hồng./.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm TP.Việt Trì 7km về phía Bắc, cách Thủ đô Hà Nội 90km. Đền Hùng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt. Nơi đây thờ phụng các vị vua Hùng đã có công xây dựng nên Nhà nước Văn Lang tồn tại qua 18 đời, trong thời kỳ này là buổi sơ khai hình thành nên một nước Văn Lang độc lập. Dân tộc Việt Nam từ đây phát triển trải qua hàng ngàn năm cho đến bây giờ. Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết