Tiếng Việt | English

03/02/2021 - 14:55

Khi bạn trẻ đam mê Thư pháp

Những ngày tết, nhiều người đổ xô đi chơi, thăm bạn bè, vậy mà có nhiều “ông đồ trẻ 9X” tạm gác niềm vui riêng, tất bật cho chữ. Và đây cũng là cách các bạn trẻ lưu giữ phong tục, nét văn hóa cho chữ - xin chữ của Tết Việt.

Bạn Huỳnh Văn Rộng viết chữ thư pháp tặng người dân

Bạn Huỳnh Văn Rộng viết chữ thư pháp tặng người dân

Không biết tục xin chữ - cho chữ vào đầu năm mới có từ khi nào, chỉ biết thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Song, cuộc sống càng hiện đại, những giá trị cổ xưa cũng dễ bị mai một, tục cho chữ - xin chữ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Và để lưu giữ lại những nét cổ xưa này, Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp TP.Tân An tổ chức gian hàng thư pháp trước cửa Trung tâm thương mại Vincom nhằm tái hiện khung cảnh tết quê và giữ gìn phong tục xin chữ - cho chữ của Tết Việt.

Chủ nhiệm CLB Thư pháp TP.Tân An - Trương Thị Bích Thủy cho biết: “Đây là năm thứ 3 tôi bố trí gian hàng thư pháp nhằm phục vụ người dân nhân dịp tết đến, xuân về. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên gian hàng được bố trí quy mô, với 3 ông đồ, bà đồ thay phiên nhau viết chữ thư pháp tặng người dân, trong đó chủ yếu là các ông đồ, bà đồ trẻ. Cách bài trí của gian hàng cũng mang đậm tết cổ xưa nên được nhiều người thích thú đến chụp ảnh và xin chữ. Đa số những người xin chữ đều xin chữ tài lộc, sức khỏe, may mắn cho đầu năm mới”.

Áo dài, khăn đóng chỉn chu, bạn Huỳnh Văn Rộng (SN 1996, quê Trà Vinh) đang tỉ mẩn trang trí hoa mai, cùng lời chúc tốt đẹp lên câu đối theo yêu cầu của khách. Và chưa đầy 5 phút, bạn Rộng đã hoàn thành bộ câu đối, với dòng chữ cách điệu, đậm nhạt uốn lượn theo từng đường nét.

Bạn Rộng chia sẻ: “Năm lớp 6, tôi bắt đầu đam mê thư pháp nhưng không có điều kiện để “tầm sư học đạo”. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi đến xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An làm công nhân. Để thỏa niềm đam mê, ngày nào không tăng ca, tôi lại chạy xe hàng chục kilômét lên TP.HCM học thư pháp. Nhờ có thư pháp mà cuộc sống của tôi trở nên thú vị hơn rất nhiều. Sau những giờ làm việc căng thẳng, chỉ cần ngồi lại viết chữ là mọi mệt mỏi tan biến, con người mình nhẹ nhàng lắm! Hơn hết, thư pháp giúp tôi gắn kết với nhiều người cùng sở thích, những người lạ thành quen, thậm chí trở nên thân thiết”.

Nghề nghiệp ổn định, mỗi ngày, bạn Nguyễn Minh Trí (SN 1992, ngụ xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) có thể làm ra vài trăm ngàn đồng là chuyện bình thường. Vậy mà, cứ tết đến, bạn lại cố gắng sắp xếp công việc, tranh thủ buổi tối đến gian hàng thư pháp viết chữ tặng người dân. Bạn Trí bộc bạch: “Khi còn là sinh viên, tôi thấy ở TP.HCM có rất nhiều bạn trẻ mặc áo dài, đội khăn đóng viết thư pháp tặng mọi người. Nhìn hình ảnh đó, tôi thích quá nên tìm tòi học thư pháp, với mong muốn tặng người dân quê mình nhân dịp xuân về, tết đến. Ngày xưa, ông đồ chủ yếu viết thư pháp bằng chữ Hán, còn giờ mọi người chuộng thư pháp Việt hơn. Nhu cầu của khách cũng thích những lời chúc đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa,... kèm theo đó là những hình ảnh cây mai, nhánh đào, linh vật năm mới. Thế nên, tôi luôn sáng tạo, học hỏi thêm từ các tiền bối để không ngừng đổi mới trong cách viết chữ, cho chữ đến khách hàng”.

Theo nhiều người, nghệ thuật viết thư pháp không phân biệt độ tuổi, giới tính, chỉ cần có niềm đam mê, cần cù, chịu khó là có thể học được. Và điều này càng được khẳng định khi gian hàng của CLB Thư pháp TP.Tân An chủ yếu là các "ông đồ 9X". Bà Lê Thị Hoàng Ngân, ngụ phường 4, TP.Tân An, vui vẻ nói: “Tết năm nào tôi cũng xin chữ để treo trong gia đình, với ước muốn cầu bình an, tài lộc cho người thân; đồng thời, răn dạy con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Nhìn gian hàng thư pháp được tổ chức quy mô, có nhiều ông đồ trẻ tham gia, tôi rất mừng, vì phong tục cho chữ - xin chữ của Tết Việt được thế hệ hôm nay giữ gìn”.

Tết đến, các bạn trẻ đam mê thư pháp vẫn miệt mài nắn nót từng chữ tặng người dân. Và chính các bạn đã làm nên nét đặc trưng của Tết Việt./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Xem XSMB 100 ngày mở thưởng