Tiếng Việt | English

03/02/2019 - 06:41

Ông đồ trẻ xuống phố ngày xuân

Nói về ông đồ, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh những cụ cao niên, râu tóc bạc phơ cho chữ mỗi dịp xuân về. Ngày nay, vẫn nét chữ rồng bay, phượng múa khiến mọi người thán phục nhưng khá nhiều ông đồ lại là người trẻ tuổi. Bởi, một khi đã đam mê thì độ tuổi nào cũng có thể theo đuổi bộ môn nghệ thuật này.

Với anh Thế Tâm, muốn viết nhanh chóng để biểu diễn cho người xem phụ thuộc vào thời gian rèn luyện của mỗi người

Đến hẹn lại lên, ngày giáp tết, những “ông đồ” lại bắt đầu khai bút, cho chữ đầu xuân. Có dịp đến Phố Ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên, Cung Văn hóa Lao động TP.HCM hay các hội xuân của một số địa phương, du khách sẽ không khỏi ấn tượng với các gian hàng thư pháp mà đa phần là những “ông đồ” trẻ. 

Anh Trần Thế Tâm (SN 1988), quê tại xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, theo nghệ thuật thư pháp hơn 5 năm và hàng năm đều tham gia Phố Ông đồ. Năm nay, gian hàng của anh có chủ đề “Xuân yêu thương” được bày trí theo phong cách làng quê Việt Nam. 

Anh chia sẻ: “Người viết thư pháp phải có óc thẩm mỹ bên cạnh sự khéo léo bởi ấn tượng đầu tiên đối với người xem là bố cục của tác phẩm. Nét chữ có trầm, bổng rõ ràng thì tác phẩm mới nổi bật, thu hút. Điều này dựa vào năng khiếu, khả năng sáng tạo của từng tác giả. Bên cạnh đó, muốn viết thành thạo, nhanh chóng để có thể biểu diễn cho người xem thì lại phụ thuộc vào thời gian bỏ công rèn luyện. Tập luyện nhiều sẽ mau tiến bộ, ai lười biếng, dễ nản lòng thì sẽ khó gắn bó được với nghề".

Du khách háo hức xem "ông đồ" 9x Phan Văn Trung biểu diễn

Thế mới nói, không phải ai trẻ tuổi, ít kinh nghiệm là khó có tác phẩm đẹp. Chỉ cần có niềm đam mê, thường xuyên tập luyện thì sẽ thành công. Như “ông đồ trẻ” Phan Văn Trung (SN 1994), quê ở Hà Tĩnh, hiện là sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đến nay tập viết và tham gia cho chữ được 4 mùa xuân. Vì có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này nên dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng chữ viết của Trung vẫn khiến nhiều khách tham quan chú ý, tấm tắc ngợi khen.

Trung chia sẻ: “Khi viết chữ cần đặt cái “tâm” của mình vào trong đó, bởi nét chữ có hồn hay không thì phụ thuộc vào cảm xúc của tác giả. Nếu chỉ viết qua loa để “bán chữ”, không trau chuốt thì sẽ không có chiều sâu, không đúng với ý nghĩa của thư pháp. Do đó, người viết cần tĩnh tâm, chậm rãi và tâm huyết với từng tác phẩm của bản thân!”

Anh Huỳnh Thái Uy tặng chữ tại Hội Báo xuân 2019

Tương tự, tại Long An, “anh đồ” Huỳnh Thái Uy (SN 1988), hiện là giáo viên Trường Tiểu học Mai Thị Non, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức chia sẻ, dù chỉ tham gia nghệ thuật thư pháp được hơn 1 năm nhưng anh luôn cố gắng rèn luyện để chữ viết ngày càng điêu luyện. Do đó, anh không đặt nặng vấn đề phải kinh doanh mà đây chính là cách để bản thân thỏa mãn đam mê. Anh sẵn sàng tham gia các hoạt động tặng chữ khi có lời mời, vừa để rèn luyện tay nghề, vừa góp phần truyền tải tình yêu thư pháp chữ Việt đến nhiều người hơn nữa.

"Cô đồ" với nét chữ dịu dàng, uyển chuyển

Nếu với những ông đồ có bút lực mạnh mẽ, sắc sảo thì chữ viết của các "cô đồ" lại ấn tượng bởi sự mềm mại, uyển chuyển nhưng cũng xinh xắn không thua gì "cánh mày râu". "Cô đồ" Phạm Thị Thủy Tiên (SN 1989) là một trong số ít “bóng hồng” tại Phố Ông đồ. Nghề nghiệp chính của Tiên là biên kịch tự do. Cô tập viết thư pháp đã lâu nhưng chỉ mới tham gia Phố Ông đồ được 2 năm. Cô chia sẻ, mình chính là là học trò nữ cuối cùng của nhà thư pháp tài hoa bạc mệnh Hoa Nghiêm – Cựu Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Nét Việt, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, vừa qua đời vào cuối năm 2018.

"Cô đồ" Thủy Tiên là một trong số ít "bóng hồng" tại Phố Ông đồ

“Trong giới yêu mến nghệ thuật thư pháp, chắc hẳn nhiều người biết đến nhà thư pháp Hoa Nghiêm nổi tiếng. Em nỗ lực duy trì rèn luyện, gắn bó với thư pháp một phần vì đam mê, đồng thời cũng muốn cùng các anh chị học trò khác bảo tồn nét chữ của người thầy mà mình vô cùng kính trọng!” - Thủy Tiên xúc động.

Chị Quách Thị Thu Hương, ngụ quận 7, TP.HCM chia sẻ, hàng năm, tôi đều đưa con đến các hội hoa xuân hay Phố Ông đồ tham quan các gian hàng thư pháp. Những hoạt động này rất cần được nhân rộng để các bạn trẻ biết đến, yêu mến và giữ gìn phong tục cho chữ ý nghĩa của dân tộc. Nếu được, nghệ thuật viết thư pháp có thể giảng dạy trong trường học để rèn cho các em sự kiên trì, khéo léo và biết trân trọng những giá trị truyền thống.

Những năm qua, nghệ thuật thư pháp dần phát triển mạnh mẽ. Nhắc đến thư pháp, chúng ta không chỉ nhớ về những “ông đồ già” xưa kia vì đã gọi là đam mê thì không có giới hạn về độ tuổi. Hơn nữa, người trẻ yêu thư pháp là vô cùng đáng quý vì họ biết trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của môn nghệ thuật độc đáo gắn với truyền thống cho chữ ngày xuân của dân tộc. Qua những câu đối, bức liễn với nét chữ lả lướt, đầy tính nghệ thuật, những "ông đồ", "cô đồ" gửi trao bao lời hay ý đẹp, góp thêm ý nghĩa cho mùa xuân quê hương./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết