Công nhân sản xuất trong nhà máy Công ty Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức Long An
Ðảng viên phải là “đầu tàu”
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức Long An (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) - Phạm Ngọc Hiệp không còn trẻ nhưng đầy nhiệt huyết. Trong công việc, ông không dùng “kỷ luật thép” hay bất cứ điều lệnh nào. Ông cho rằng, dùng tình cảm chân thành sẽ đạt hiệu quả hơn.
Ông Phạm Ngọc Hiệp
Đến nay, Cty Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức Long An có trên 10 năm hoạt động sản xuất tại địa bàn tỉnh Long An. 10 năm trước, sau khi ổn định sản xuất, Chi bộ Cty được thành lập, ông làm bí thư chi bộ. Lúc đó, chi bộ có 4 ĐV, đến nay được 14 ĐV.
Khi chuẩn bị thành lập Chi bộ Cty, một số người tỏ ra thiếu tin tưởng, có người lại nói: “Bày vẽ chi cho tốn công, Cty cổ phần, Cty tư nhân thì nên tập trung sản xuất, phát triển kinh tế”, nhưng ông suy nghĩ khác. Ông nói: “Thành lập chi bộ không phải để lấy thành tích. Tôi muốn ĐV trong Cty phải thấy rõ trách nhiệm của mình, phải là đầu tàu, gương mẫu trong mọi hoạt động liên quan đến công việc. Nếu ý thức tốt về trách nhiệm của mình, ĐV sẽ là lực lượng nòng cốt, góp phần hoàn thành kế hoạch hàng năm của Cty”.
ĐV là lực lượng nòng cốt và có mặt ở tất cả các bộ phận sản xuất từ ban giám đốc, thủ quỹ, quản đốc, thủ kho,... Những ĐV này là những thành viên tích cực, đi đầu trong mọi phong trào do chính quyền địa phương hay đoàn thể trong Cty phát động. Vì thế, hàng năm, kế hoạch sản xuất đều đạt và vượt chỉ tiêu từ 10-15%. Nếu như năm đầu tiên sản xuất, Cty chỉ đạt doanh thu 100 tỉ đồng thì đến hết năm 2017, doanh thu ước đạt trên 600 tỉ đồng.
Không ngừng phát triển sản xuất
Toàn Cty hiện có hơn 320 cán bộ, công nhân và người lao động, trong số này, có hơn 100 công nhân trước đây là lao động phổ thông được Cty đào tạo nghề. Tất cả chi phí đào tạo đều do Cty chi trả.
Sản phẩm chính của Cty là cọc bêtông ly tâm phục vụ các công trình xây dựng nhà cao tầng, cao ốc, văn phòng. Nếu như trước đây, Cty chỉ sản xuất cọc có đường kính tối đa 0,7-0,8m nhưng nay, Cty sản xuất được cọc có đường kính 1m, dài 30m nhằm đáp ứng nhu cầu về cọc có đường kính lớn cho các công trình xây dựng lớn như bến cảng, nhà ga. Khi nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất cọc có đường kính 1m, Cty đăng ký và được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cấp giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn JIS A 5373:2004 vào tháng 5-2016. Giờ đây, Cty có thể tham gia các gói thầu lớn và đặc biệt là tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là đối tác nước ngoài.
Hiện tại, Cty chuẩn bị mọi thứ để bước vào công nghệ 4.0. Đây cũng là điều kiện để Cty có thể cạnh tranh về chất lượng với các đơn vị khác cùng ngành nghề. Để bước vào công nghệ 4.0, từ đầu năm 2017 đến nay, Cty đầu tư hơn 8 tỉ đồng đổi mới trang thiết bị, cơ giới hóa và kiểm soát chất lượng bằng máy. Công nhân được trang bị kiến thức, làm chủ các công nghệ mới.
Qua trao đổi với ông Hiệp, cho thấy, vai trò của ĐV, nhất là người đứng đầu trong doanh nghiệp tư nhân từng bước phát huy. Thực tế, những doanh nghiệp tư nhân có tổ chức Đảng, ĐV tham gia trong ban lãnh đạo, quản lý, điều hành thường sớm tiếp cận các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp; có ý thức chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Làm giàu từ đồng ruộng
Năm 1985, được Nhà nước cấp 3ha đất sản xuất, ông Phạm Văn Hải, ngụ ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, đầu tư trồng lúa nhưng đất nhiễm phèn nặng, khó canh tác. Vợ chồng ông phải xoay xở đủ nghề và bắt tay vào cải tạo đất. Với phương châm "Lấy công làm lời, sống tiết kiệm", vợ chồng ông có được bao nhiêu vốn thì cứ dồn hết cho việc sản xuất. Sau nhiều năm tích góp, đến nay, gia đình ông có gần 40ha đất trồng lúa.
Ông Phạm Văn Hải đóng góp thiết thực trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
Ông mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng mô hình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", sử dụng giống chất lượng cao nên năng suất lúa bình quân năm sau luôn cao hơn năm trước. Ông còn đầu tư mua máy cày, máy cắt, đưa cơ giới hóa phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động tại địa phương có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Bình quân, mỗi năm, gia đình ông Hải lãi gần 2 tỉ đồng từ trồng lúa và làm dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Từ những cách làm hay, tiên tiến trong sản xuất, ông Phạm Văn Hải là một trong những nông dân tiêu biểu biết vượt khó làm giàu, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
Làm tốt công tác an sinh xã hội
Với vai trò của ĐV, ông Hải luôn khắc ghi lời Bác dạy “ĐV đi trước”. Trong các phong trào của địa phương, ông đều tham gia nhiệt tình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện. Vì thế, ông tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, trị giá hàng trăm triệu đồng để thi công công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn với mong muốn góp phần xây dựng quê hương. Đơn cử, tuyến đường bờ Tây kênh Ngang nối liền 2 xã Vĩnh Đại và Vĩnh Bửu được triển khai thi công vào năm 2010. Sau khi có chủ trương thi công, ông cùng chính quyền địa phương và chi bộ ấp đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động. Ông tiên phong hiến gần 8.000m2 đất để xây dựng tuyến đường này.
“Trước đây, người dân trong khu vực này đi lại rất khó khăn, chủ yếu bằng xuồng. Từ khi con đường được xây dựng, việc đi lại của người dân rất thuận tiện, nhất là đối với học sinh” - anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, nói.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Hải còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội tại địa phương. Hàng năm, ông đóng góp trên 10 triệu đồng cho các phong trào an sinh xã hội: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo. Ngoài ra, ông Hải còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc,...
“Gia đình ông Hải sống rất hài hòa, vun đắp, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm và được mọi người xung quanh quý mến. Ông còn nhiệt tình hướng dẫn nông dân trong sản xuất, tích cực tham gia những phong trào do địa phương phát động” - ông Võ Văn Khương, ngụ ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, nhận xét.
Ngoài ra, với cương vị là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Vĩnh Bửu, ông tham mưu, đề xuất nhiều việc làm thiết thực. Hàng năm, ông vận động hàng chục triệu đồng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng - Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Phong trào xây dựng nông thôn mới đang được triển khai thực hiện phổ biến ở tất cả miền quê trên cả nước, trong đó có xã Vĩnh Bửu, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp hơn. Những việc làm thiết thực của ông Phạm Văn Hải góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã theo lộ trình”.
Bằng ý chí, nghị lực, chịu khó, làm giàu từ chính đôi tay của mình, ông Phạm Văn Hải thật sự là tấm gương sáng trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, tích cực tìm hướng đi trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; một điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tích cực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.
Mai Hương - Văn Đát