Bài 1: Về quê “làm bạn” với cá trê vàng
Từng là kỹ sư với công việc, mức lương ổn định nhưng anh Lê Văn Thông (ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) quyết định rời phố, trở về quê nhà, mang theo con cá trê vàng làm “đầu cơ nghiệp”...
Hành trang mang theo là kỹ thuật nuôi thủy sản
5 giờ, trời còn tờ mờ sáng, chưa nhìn rõ mặt người, anh Thông đã thức giấc, men theo bờ ruộng ra sau vườn nhà. Thay vì diện áo sơ mi, quần tây để đến nơi làm việc như 9 năm trước, bây giờ, anh Thông quen với quần đùi, áo thun như một nông dân “chính hiệu”. “Tôi dậy sớm, ra sau ao nhà để cho cá ăn. Tính đến nay, tôi nuôi cá trê vàng đã 5 năm” - anh Thông nói.
Chọn cá trê vàng làm “đầu cơ nghiệp”, hành trang anh Thông mang theo duy nhất là những kiến thức về kỹ thuật nuôi cá
9 năm trước (năm 2013), anh là nhân viên của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật thông tin Khoa học và Công nghệ (Trung tâm) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Công việc chính của anh là tư vấn kỹ thuật cho nông dân từ các đề tài chuyển giao khoa học - công nghệ trong nuôi, trồng thủy sản của một số trường đại học. Một số đề tài anh từng tham gia tư vấn như kỹ thuật nuôi rắn ri voi, cá lăng nha và ươm cá trê vàng từ cá bột lên cá giống,...
Thấy đề tài nuôi cá trê vàng mang lại hiệu quả, đêm đêm, trong căn chòi lá ven dòng kênh 79 - một trạm nhỏ của Trung tâm, anh gác tay lên trán, trằn trọc suy nghĩ: “Con cá trê vàng vốn quen và sống được với môi trường nước nhiễm phèn ở Đức Huệ, vậy tại sao mình không đem về quê để thử nuôi, biết đâu lại hiệu quả?”.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, trăn trở, năm 2017, anh mang con cá trê vàng từ dự án được chuyển giao đang thực hiện ở thị xã Kiến Tường về quê nhà Mỹ Thạnh Tây để ươm nuôi. Chặng đường khởi nghiệp của anh Thông bắt đầu từ đó. Chọn cá trê vàng làm “đầu cơ nghiệp”, hành trang anh mang theo duy nhất là những kiến thức về kỹ thuật nuôi, trồng thủy sản từng học ở Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cùng những kinh nghiệm tích lũy được sau 5 năm làm chuyên môn, “lội bùn, lặn ao” cùng nông dân ra đồng.
“Lấy vỏ đậu nấu đậu”
Năm 2018, chia tay môi trường công sở, anh trở về quê, chọn làm nông dân "vui thú điền viên", sống những ngày an yên. Gom toàn bộ số tiền mà vợ chồng tích góp sau nhiều năm làm việc, anh mạnh dạn đầu tư nuôi cá. Khi đó, vợ đồng lòng nhưng cha mẹ lại phản đối. “Cha mẹ và những người xung quanh bảo tui “khùng”. Đang làm viên chức Nhà nước với mức lương, công việc ổn định lại nghỉ để về quê “đánh cược” với việc nuôi cá trê vàng” - anh Thông kể lại.
Ngoài nuôi cá, anh Thông còn tận dụng ao để nuôi ốc bươu đen kiếm thêm thu nhập
Muốn khẳng định quyết định của mình là đúng nhưng anh lại gặp khó khăn vì thiếu vốn đầu tư bởi nuôi 7 tấn từ cá bột lên cá giống và cá thịt phải tốn 140 triệu đồng. Anh “năn nỉ” 3 người chú ở địa phương, có sẵn ao nuôi, cùng hùn vốn. “Khi nhận được cái gật đầu đồng ý, tôi về nhà, đào 1.000m2 ao nuôi” - anh Thông cho biết. Cũng trong lần nuôi này, anh vừa ươm cá bột, vừa bán cá giống, vừa giữ lại con giống để sau này mở rộng quy mô. “Coi như mình lấy vỏ đậu nấu đậu” - anh Thông “bật mí” kỹ thuật ươm nuôi cá trê vàng.
Không ngờ, sau 3,5 tháng “làm bạn” với cá trê vàng, đợt thu hoạch đầu tiên được 3 tấn cá, anh thu lợi nhuận 50 triệu đồng. Cũng với diện tích đó, năm 2018, anh tiếp tục có lợi nhuận 70 triệu đồng/đợt thu hoạch. “Sở dĩ, lời nhiều hơn do tôi thả mật độ dày hơn. Nếu không nắm vững kỹ thuật nuôi, có lẽ tôi không dám mạo hiểm thả con giống dày như vậy” - anh Thông lý giải, rồi nói thêm: “Lúc này không còn ai bảo tui “khùng” bởi hiệu quả kinh tế mang lại đã chinh phục hoàn toàn người nhà và những nông dân xung quanh”.
Con số thu nhập 200-300 triệu đồng/năm từ 2 đợt thu hoạch là minh chứng cho hiệu quả mà con cá trê vàng mang lại. Khá lên nhờ nuôi cá, anh quyết định mở rộng ao nuôi với diện tích 20.000m2 như hiện tại. Nông dân xung quanh thấy vậy cũng muốn nuôi cá trê vàng để thay thế cây lúa hay những ao nuôi có sẵn nhưng không hiệu quả. Thế là, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Thủy sản Mỹ Thạnh Tây được thành lập để liên kết những người cùng chí hướng nuôi cá trê vàng. Lúc đầu, HTX có 7 người tham gia nhưng hiện tại đã nâng lên 10 thành viên, nuôi với diện tích 60.000m2.
Theo anh Thông, nhiều người đang xin vào HTX nhưng anh còn suy nghĩ, bởi anh cho rằng: “Tham gia HTX phải lâu bền và thật sự muốn liên kết chứ không nên vào vì chạy theo phong trào, “thấy người ăn khoai vác mai đi đào””. Còn những thành viên trong HTX của anh như bà Ngô Thị Vân, ông Lương Văn Nghiệp chưa “bao giờ cảm thấy hối hận khi tham gia”. Họ nói rằng: Nhờ anh Thông hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá trê vàng mà có thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa. Không chỉ nhiệt tình chia sẻ về cách nuôi, đầu vô, đầu ra của cá trê vàng đều một tay anh Thông lo liệu. Thương lái do anh giới thiệu đến tận nhà thu mua nên các thành viên đều an tâm nuôi cá.
Đầu ra vững chắc của cá trê vàng cũng không phải là câu chuyện dễ dàng. Đó là cả quá trình anh Thông nỗ lực PR và “đưa lối dẫn đường” cho các thương lái từng quen khi còn làm việc ở thị xã Kiến Tường đến thu mua tại Đức Huệ. Bây giờ, cá trê vàng của HTX được bán sang Campuchia và nhiều địa phương trong nước với đủ loại: Cá bột, cá giống, cá thịt, cá trứng.
“Hé mở” nhiều dự định trong tương lai
Nghĩ lại chặng đường bỏ phố về quê khởi nghiệp, anh Thông khẳng định bí quyết: “Về quê khởi nghiệp không thể chỉ có liều lĩnh, dám nghĩ, dám làm mà phải có kiến thức, nền tảng. Không ai có thể khởi nghiệp thành công với đôi bàn tay trắng bởi khi đó sẽ rất chơi vơi”. Câu nói của anh Thông có vẻ hợp lý bởi “quả ngọt” hôm nay mà anh gặt hái cũng bắt đầu từ nền tảng. “Với tôi, nền tảng ấy chính là nắm vững kỹ thuật nuôi cá trê vàng” - anh Thông quả quyết.
Cá trê vàng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh Lê Văn Thông
Nhờ nắm “trong lòng bàn tay” kỹ thuật nuôi thủy sản nên cá ít bị nhiễm bệnh, hao tổn. Đó không phải là những kỹ thuật nuôi theo kiểu truyền thống mà theo anh, “không đợi cá bệnh mới biết mà phải đoán biết trước”. Vận dụng kỹ thuật này, anh trang bị kính hiển vi, hệ thống và thiết bị kiểm tra mẫu nước, dịch bệnh. Anh kiểm tra định kỳ, phòng bệnh định kỳ và thay nước, xử lý nước thường xuyên cho cá nuôi. Con cá trê vàng được nuôi bài bản, bảo đảm quy trình kỹ thuật nên cũng đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu mà anh đang dự định ký kết với một đơn vị.
“Đó là đơn hàng ký kết xuất khẩu sang Mỹ. Để đến được thị trường Mỹ, cá trê vàng phải bảo đảm đủ size, đủ cỡ, đủ số lượng và sạch kháng sinh. Hiện tại, những ao nuôi của tôi và HTX đáp ứng được 80% tiêu chuẩn xuất khẩu” - anh Thông thông tin.
Hiện tại là tìm đường “xuất ngoại” cho cá trê vàng, còn về lâu dài, anh muốn tạo thêm nhiều sản phẩm mới từ loại cá này. “Như khô cá trê vàng chẳng hạn. Và khi làm được khô cá trê vàng, mình sẽ đăng ký sản phẩm OCOP” - anh Thông nêu ví dụ. Việc làm khô cá trê vàng sẽ không làm khó anh Thông và các thành viên HTX, bởi phương pháp, kinh nghiệm làm khô đã nằm lòng từ rất lâu. Hiện tại, chỉ cần trang bị thêm máy sấy, có bao bì, nhãn hiệu là “giấc mơ” làm khô cá trê vàng thành “hiện thực”.
Những dự định của tương lai đang dần hé mở và chắc chắn sẽ thành công bởi anh luôn có sẵn tinh thần dám nghĩ, dám làm và chịu khó. Mai này, những thành công ấy sẽ tiếp tục khẳng định cho quyết định đúng đắn của anh khi từ kỹ sư trở thành nông dân chân đất. Và lúc đó, câu nói “vượt qua được giới hạn bản thân, thích nghi được sẽ phát triển” mà anh nhiều lần lặp lại sẽ thuyết phục được những ai đang có ý định tương tự - bỏ phố về quê./.
Về quê khởi nghiệp không thể chỉ có liều lĩnh, dám nghĩ, dám làm mà phải có kiến thức, nền tảng. Không ai có thể khởi nghiệp thành công với đôi bàn tay trắng bởi khi đó sẽ rất chơi vơi”.
Anh Lê Văn Thông
|
(còn tiếp)
Thùy Hương - Ngọc Thạch
Bài 2: “Sỏi đá” hóa thành “cơm”