Vượt khó làm kinh tế
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An triển khai nhiều hoạt động thiết thực, vận động PN khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.
Hội xây dựng ý tưởng, hỗ trợ PN trồng các loại hoa màu theo hướng hữu cơ; tiếp tục duy trì 28 tổ góp vốn xoay vòng; thường xuyên tiếp cận, giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; vận động PN tham gia học lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, các buổi chuyển giao khoa học - kỹ thuật;... Nhờ vậy, nhiều PN trên địa bàn xã có định hướng đúng đắn và khởi nghiệp thành công.
Trước đây, chị Lương Thị Linh (ấp 2, xã Thạnh An) trồng lúa và sen. Với mong muốn cải thiện thu nhập và tìm kiếm hướng đi mới, chị quyết định chuyển đổi cây trồng sang rau má. Học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, chị Linh bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
“Ban đầu, tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình cải tạo đất, tháng đầu tiên trồng rau má, vợ chồng tôi chờ thu hoạch như nắng hạn trông mưa. Bởi phải 20 ngày rau má mới lên, đến 30 ngày mới có thể thu hoạch. Thời điểm đó, tôi cũng “nhát tay” vì chi phí đầu tư gần 100 triệu đồng mà kết quả chưa khả quan” - chị Linh cho biết.

Ngoài trồng rau má, chị Lương Thị Linh (ấp 2, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) còn trồng xen canh lúa để kiếm thêm thu nhập
Không nản lòng, chị Linh tiếp tục cố gắng, học hỏi kỹ thuật canh tác rau má qua người thân, bạn bè, các phương tiện truyền thông đại chúng. Sau mọi cố gắng, hiện chị thu hoạch được 3-10 tấn rau/tháng, mang lại thu nhập ổn định, dao động từ 15-20 triệu đồng. So với trồng lúa, sen, trồng rau má giúp chị có thu nhập cao và đỡ vất vả hơn.
Chị Nguyễn Thị Bích Thuyền (ấp 3, xã Thạnh An) cũng khởi nghiệp thành công. Với số vốn đầu tư ban đầu hơn 50 triệu đồng, chị Thuyền tích cóp để mua thêm máy may.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, từ một công nhân may phải bôn ba, làm việc xa xứ, chị Thuyền gầy dựng được xưởng may túi tái chế quy mô nhỏ với 7 máy may, 1 máy lập trình và tạo việc làm cho 7 nhân công khác.

Nhờ thu nhập ổn định, chị Nguyễn Thị Bích Thuyền (ấp 3, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) có điều kiện mua thêm nhiều máy may mới và tạo việc làm cho 7 nhân công khác
“Tôi nhận đơn đặt hàng của công ty, trung bình mỗi túi được trả từ 700-2.000 đồng tùy khâu may viền túi hay may hoàn thiện.
Hiện tại mỗi ngày, xưởng sản xuất khoảng 2.000-2.500 sản phẩm, mang lại thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với giai đoạn còn làm công nhân” - chị Thuyền nói.
%20may%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%202_000-2_500%20s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m%2C%20c%C3%B3%20th%C3%AAm%20thu%20nh%E1%BA%ADp%20c%E1%BA%A3i%20thi%E1%BB%87n%20%C4%91%E1%BB%9Di%20s%E1%BB%91ng.jpg)
Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Bích Thuyền may được 2.000-2.500 sản phẩm, có thêm thu nhập cải thiện đời sống
Trong quá trình khởi nghiệp, chị Thuyền cũng gặp không ít khó khăn, chủ yếu là nhân công. Nhưng nhờ sự ủng hộ, động viên từ gia đình chồng, chị an tâm làm việc.
Chị Thuyền cho biết: “Chồng tôi đỡ đần những công việc như chăm sóc gia đình, vận chuyển hàng hóa và đóng gói thành phẩm”. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, chị Thuyền còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội LHPN địa phương. Nhà chị thường là địa điểm chị em tập trung, tổ chức các sự kiện giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Thời gian tới, Hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ PN trên địa bàn xã khởi nghiệp. Trong đó, tăng cường tổ chức tập huấn về khởi nghiệp, giúp PN nâng cao kiến thức, kỹ năng và ý tưởng kinh doanh; tư vấn, hướng dẫn PN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, quỹ tín dụng, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và địa phương; nhân rộng các mô hình khởi nghiệp thành công để lan tỏa kinh nghiệm và tạo động lực cho những PN khác”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Ngoan
Hội luôn chủ động tìm kiếm nguồn vốn, tạo điều kiện cho chị em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vay để vươn lên, làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, góp phần giúp PN ở địa phương cải thiện đời sống, ổn định kinh tế”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình An, huyện Thủ Thừa - Trần Thị Thu Hà
|
Mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế
Thời gian qua, nhờ quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thủ Thừa, Hội LHPN xã Bình An giúp nhiều PN nông thôn vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.
Hiện nay, toàn xã có hơn 500 PN được tiếp cận nguồn vốn với tổng dư nợ hơn 19 tỉ đồng. Nguồn vốn là “đòn bẩy” giúp chị em mạnh dạn đầu tư kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán, từ đó tạo thu nhập ổn định.
Chị Huỳnh Thị Mến (SN 1974, ngụ ấp Long Thạnh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa) mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cách đây 5 năm. Khi ấy, kinh tế gia đình chị gặp nhiều khó khăn, sản xuất 1 năm 2 vụ lúa không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Không chấp nhận cuộc sống bấp bênh, chị quyết định chuyển sang trồng rau nhút với hy vọng cuộc sống ổn định hơn.
%20thu%20ho%E1%BA%A1ch%20rau%20nh%C3%BAt%202%20l%E1%BA%A7n%20th%C3%A1ng.JPG)
Vợ chồng chị Huỳnh Thị Mến (ấp Long Thạnh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa) thu hoạch rau nhút
Chị Mến tâm sự: “Ban đầu, tôi cũng lo lắng lắm! Trồng lúa quen rồi, giờ chuyển sang trồng rau nhút không biết có hiệu quả không. Nhìn thấy các hộ xung quanh có thu nhập ổn định nhờ ao rau nhút, tôi quyết định vay vốn trồng thử.
Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và lấy công làm lời, vụ đầu tiên đã có thu nhập khá. Giờ mỗi đợt thu hoạch rau bán được giá, kinh tế gia đình tôi được cải thiện rõ rệt, nhẹ gánh lo cho các con”.
Hiện mỗi tháng, chị thu hoạch rau nhút 2 lần, mỗi lần bán được từ 100-200 bó, thu nhập từ 6-8 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng chị còn trồng thêm ổi để tăng thu nhập. Nhờ nguồn thu nhập đều đặn, chị sửa lại nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng cần thiết và an tâm chăm lo cho con học tập.
Cùng mong muốn thay đổi cuộc sống, chị Lê Thị Mỹ Lệ (SN 1968, ngụ ấp Long Thạnh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa) không ngần ngại vay vốn để phát triển kinh tế. Trước đây, chị buôn bán đồ hàng bông ngoài chợ nhưng thu nhập không cao.
Sau thời gian tìm hiểu, chị quyết định chuyển hướng qua tự trồng rau màu để bỏ mối. Trên 4.000m2 đất, chị trồng các loại như rau lang, rau má, khổ qua, mướp, bầu,... thu hoạch gần như quanh năm.
%20c%E1%BA%A3i%20thi%E1%BB%87n%20%C4%91%E1%BB%9Di%20s%E1%BB%91ng%20nh%E1%BB%9D%20tr%E1%BB%93ng%20rau%20m%C3%A0u%20quanh%20n%C4%83m.JPG)
Chị Lê Thị Mỹ Lệ (ấp Long Thạnh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa) cải thiện đời sống nhờ trồng rau màu quanh năm
Chị Lệ chia sẻ: “Trồng rau tuy cực nhưng thu nhập ổn định hơn buôn bán. Mỗi tuần, tôi kiếm được khoảng 2-3 triệu đồng, chưa trừ chi phí cây giống, phân thuốc. Trồng rau tuy phải dậy sớm tưới nước, nhổ cỏ, chăm sóc từng luống nhưng bù lại đầu ra ổn định. Nhờ nguồn thu nhập từ trồng rau, tôi có điều kiện lo cho con trai học cao đẳng và cải thiện đời sống gia đình”.
Phát triển kinh tế gia đình là hành trình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực không ngừng. Bằng sức lực và sự nhạy bén, nhiều PN nông thôn mạnh dạn tìm tòi, thay đổi cách làm kinh tế và đã thành công, góp phần cải thiện đời sống, truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho những PN khác./.
Thi Mỹ - Ngọc Hân