Tiếng Việt | English

17/01/2024 - 09:30

Giúp phụ nữ tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế

Thông qua nguồn vốn hỗ trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (PN) huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tạo điều kiện cho nhiều PN nông thôn phát triển kinh tế hộ, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập.

Chị Lê Thị Tuyết (ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh) có thu nhập ổn định từ việc nuôi heo rừng

Chị Lê Thị Tuyết (ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh) có thu nhập ổn định từ việc nuôi heo rừng

1. Cách đây 3 năm, chị Lê Thị Tuyết (ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh) tìm hiểu mô hình Nuôi heo rừng của một người bạn ở tỉnh Đồng Tháp. Nhận thấy heo rừng dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, lợi nhuận cao nên chị muốn thử sức nhưng lại thiếu vốn. Giá heo giống lúc đó khoảng 10 triệu đồng/con; đồng thời, phải nuôi số lượng lớn thì công ty mới bao tiêu đầu ra.

Nhờ Hội Liên hiệp PN xã Nhơn Hòa tư vấn, hỗ trợ, chị Tuyết được vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Thạnh đầu tư mua con giống. “Từ 50 triệu đồng vốn vay và 50 triệu đồng tích lũy, tôi mua 10 con heo giống. Sau 4 tháng nuôi, heo bắt đầu sinh sản, trung bình từ 7-12 con/lứa. Heo con nuôi khoảng 4 tháng có thể xuất bán với giá từ 85.000-120.000 đồng/kg (17-21kg/con). Nuôi theo mô hình này được công ty đến tận nơi thu mua. Sau khi trừ tất cả chi phí, hàng năm, gia đình tôi có lợi nhuận 100 triệu đồng” - chị Tuyết cho biết.

Thức ăn cho heo rừng chủ yếu là cám và các loại rau dại. Để phòng bệnh cho heo, người nuôi cần xây dựng chuồng trại xa nơi ở, nhất là không cho người lạ vào chuồng để tránh mang mầm bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài nuôi heo rừng, chị Tuyết còn tiếp tục vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Thạnh để đầu tư nuôi bò. Hiện đàn bò của chị phát triển tốt.

2. Sau khi lập gia đình, chị Lê Thùy Trinh (ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) lo việc nội trợ, kinh tế gia đình dựa vào chồng chị. Nhằm chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng, chị Trinh bàn bạc với gia đình mở cơ sở làm nhang. Ban đầu, chị đến tỉnh Đồng Tháp học nghề xe nhang, tìm nguyên liệu đầu vào và kết nối với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Từ nguồn vốn hỗ trợ và số tiền tích cóp, chị Lê Thùy Trinh (ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) mở cơ sở làm nhang

Từ nguồn vốn hỗ trợ và số tiền tích cóp, chị Lê Thùy Trinh (ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) mở cơ sở làm nhang

Sau khi học nghề, với số vốn tích cóp và vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Thạnh, chị mua 4 máy xe nhang, lò sấy và nguyên liệu để mở cơ sở làm nhang. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình với nghề làm nhang, chị còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động nhàn rỗi ở địa phương với thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày.

Từ ngày làm việc tại cơ sở làm nhang của chị Trinh, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) có thêm thu nhập. Mỗi sáng, sau khi làm xong việc nhà, chị Mỹ Nhân đến cơ sở xe nhang. Tiền công được tính theo sản phẩm nên chị có thể tranh thủ làm vào những lúc rảnh rỗi, không bị bó buộc thời gian.

Ngoài tạo việc làm ổn định cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, hàng tháng, chị Trinh có thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng từ nghề làm nhang.

Nhờ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp PN các cấp, nhiều PN nông thôn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống./.

Chí Hiếu

Chia sẻ bài viết