Nụ cười của nghệ sĩ xiếc khi hoàn thành một tiết mục khó
Còn khán giả là còn diễn!
Cuối năm 2017, chương trình Gala xiếc diễn ra nhiều ngày tại TP.Tân An với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ (NS) Đoàn Xiếc nhân dân Long An. Trong 1 tuần gala diễn ra, mỗi suất diễn đều đông kín khán giả đến xem. Chương trình như một “bữa tiệc” tinh thần “lạ miệng” dành cho người dân TP.Tân An cũng như các huyện lân cận. Chị Trần Ngọc Uyển, ngụ phường 5, TP.Tân An, vui vẻ kể: “Vợ chồng tôi đưa con gái và rủ thêm gia đình người em cùng đi xem. Các cháu rất thích xem xiếc. Xem trực tiếp tất nhiên thích hơn xem qua tivi!”.
Đó cũng là nhận định của nhiều khán giả khi xem chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Dù chương trình chưa bắt đầu nhưng bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ ấp 5, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, đến rất sớm. Bà rất thích xem cải lương, nhất là được xem trực tiếp nhưng trước giờ không có cơ hội. Biết đoàn về biểu diễn phục vụ, bà tranh thủ đến xem. Bà Hạnh nói: “Mấy lần, ở thị trấn có chương trình văn nghệ nhưng xa nên tôi không đi được. Lần này, đoàn cải lương về gần nhà nên tui đi coi liền. Lâu rồi mới được coi trực tiếp như vậy!”.
Trên khoảng đất trống thuộc ấp 5, xã Tân Phước Tây, sân khấu được dựng lên, tiếng nhạc vang vọng một góc không gian. Mặc trời tối, người dân đến ngày một đông hơn, chủ yếu là người lớn tuổi và trẻ em. Chương trình bắt đầu, nhiều ánh mắt say sưa hướng về sân khấu. Giữa đồng trống mênh mông, khán giả đứng, ngồi trên nền đất gập ghềnh để xem, còn trên sân khấu, NS biểu diễn bằng tất cả tình yêu của mình.
Nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An biểu diễn phục vụ khán giả
Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Biện Hữu Hùng Dũng chia sẻ: “Khán giả bây giờ dù ít hơn ngày xưa nhưng vẫn còn những người rất “nghiện” cải lương”. Ông giải thích, ngày trước, cải lương được nhiều người ưa chuộng. Nó là “món ăn” chính phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Ngày nay, phương tiện và chương trình giải trí phong phú nên thu hút nhiều người nghe, xem. Vì vậy, khán giả “mặn mà” với sân khấu truyền thống, trong đó có cải lương, giảm dần cũng là điều tất nhiên! Trước đây, sân khấu ngoài trời thu hút hàng ngàn khán giả, ngày nay, con số vài trăm đã là thành công. Tuy nhiên, không vì vậy mà tình cảm của NS dành cho cải lương trở nên phai nhạt. Với NS, chỉ cần còn khán giả là còn diễn!
“Bám” nghề vì khán giả
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyên Tâm cho biết, suốt mấy chục năm gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, điều khiến anh không thể nào quên chính là tình cảm khán giả dành cho NS. Những bữa cháo khuya, ly rượu ấm sau buổi diễn làm ấm lòng người NS. NSƯT Nguyên Tâm kể: “Đi phục vụ vùng sâu nhiều vất vả nhưng người dân ở đây rất thân thiện. Họ đãi chúng tôi những món ăn dân dã, xem NS như người một nhà”.
NS Mai Thắm cũng vậy! Một lần bỏ nghề nhưng vì “duyên” chưa dứt và khán giả vẫn yêu thương nên chị trở lại với sân khấu. “Hơn 20 năm qua, chính tình cảm của khán giả là động lực to lớn cho tôi khi đứng trên sân khấu!” - NS Mai Thắm bày tỏ.
Không riêng NS cải lương, nhiều NS khác cũng vì khán giả mà “bám nghề”. Phó Trưởng đoàn Xiếc nhân dân Long An - NSƯT Nguyễn Văn Chiến khẳng định: “Nghề xiếc rất nguy hiểm, đời sống diễn viên chỉ ở mức trung bình nhưng NS theo nghề đều vì tình yêu. Anh em khổ công tập luyện là vì khán giả”. Ở Đoàn Xiếc nhân dân Long An, NS trẻ tuổi nhất mới 15 tuổi nhưng lại có thâm niên gần 5 năm. NSƯT Nguyễn Văn Chiến chia sẻ thêm: “Khi sức khỏe, tuổi tác không còn phù hợp, NS xiếc đành giã từ sân khấu, chọn lựa con đường khác. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại, ngày nào còn đứng trên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả là họ sống hết mình với niềm đam mê”.
Tình cảm, sự ủng hộ của khán giả là động lực cho nghệ sĩ bám nghề
Đoàn Xiếc nhân dân Long An lưu diễn khắp 3 miền đất nước. Ở đâu khán giả còn “mặn mà” với nghệ thuật xiếc thì ở đó, đoàn sẵn sàng phục vụ, không ngại khó khăn. Trong một đêm lưu diễn tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, chúng tôi thấy, trên sân khấu là những NS, diễn viên xiếc tài hoa, biểu diễn khéo léo và điêu luyện; dưới hàng ghế khán giả chật kín người, tiếng vỗ tay không ngừng vang lên. Trong cánh gà, anh em đồng nghiệp chăm chú dõi theo từng động tác khó trên sân khấu. Hay năm 2014, những đêm lưu diễn tại Hà Nội của đoàn luôn “cháy vé”. Đó là niềm vui với NS xiếc!
Dẫu biết rằng, “đứng vững” là chuyện rất khó của cải lương và nghệ thuật xiếc trong giai đoạn hiện nay. Nhưng, chỉ cần đủ niềm tin, tình yêu và còn khán giả, ánh đèn sân khấu vẫn rực sáng!
Phương Phương