Các thành viên Câu lạc bộ Nông dân cà phê sáng (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) gặp gỡ, uống cà phê sáng và cùng đọc báo để tìm hiểu thêm những kiến thức mới về nông nghiệp như chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, các mô hình hay, hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi,...
Học để nâng cao sự hiểu biết, vận dụng tốt vào thực tiễn
Ở xã vùng sâu Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, có câu lạc bộ (CLB) mang tên “Nông dân cà phê sáng” do Hội Nông dân xã thành lập. Hơn 1 năm hoạt động, CLB vẫn giữ vững phương châm kết nối và chia sẻ.
Cứ mỗi tháng, 12 thành viên gồm Ban Thường vụ Hội Nông dân xã, đại diện các ngành chuyên môn của xã và người dân lại có cuộc gặp gỡ, uống cà phê sáng và cùng đọc báo để tìm hiểu thêm những kiến thức mới về nông nghiệp như chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, các mô hình hay, hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi,...
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thuận - Nguyễn Hữu Trực chia sẻ: “Ngoài đọc báo, các thành viên CLB còn chia sẻ kinh nghiệm và những kiến thức mình đọc, tìm hiểu được để các thành viên cùng học tập, trao đổi, phân tích, từ đó vận dụng tốt vào thực tiễn, giúp phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ sinh hoạt cố định 1 lần/tháng, mỗi buổi sáng, các thành viên sắp xếp được thời gian rảnh vẫn duy trì gặp gỡ, cùng học tập và chia sẻ với nhau. CLB có sự tham gia của đại diện các ngành chuyên môn xã nhằm phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền về lĩnh vực họ phụ trách, giúp người dân hiểu đúng, hiểu kỹ và thực hiện tốt. Ngoài ra, CLB cũng góp phần phát triển văn hóa đọc và lan tỏa tinh thần học tập suốt đời trong nông dân tại địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Tài (ấp 2, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) học để nâng cao kiến thức trong thời kỳ mới
Là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm nhưng ông Nguyễn Văn Tài (ấp 2, xã Long Thuận) chưa bao giờ ỷ lại kiến thức, kinh nghiệm trồng lúa nếp, mai sẵn có. Ông Tài xác định rõ, muốn sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả phải học tập, cập nhật kiến thức mới liên tục. Do vậy, có cơ hội được học tập là ông tham gia ngay. Hiện ông cũng là thành viên của CLB Nông dân cà phê sáng.
Ông Tài tâm sự: “Khoa học - kỹ thuật mỗi ngày càng tiến bộ, sâu, bệnh cũng thích nghi với môi trường nên kháng thuốc. Mình cứ ôm khư khư kiến thức cũ thì sẽ bị tụt lại phía sau. Vậy nên, tôi học mỗi ngày, học khi có cơ hội về những kiến thức tôi quan tâm, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, CLB Nông dân cà phê sáng thật sự rất bổ ích. Chúng tôi vừa được trò chuyện, uống cà phê thư giãn, giải trí, vừa được đọc báo để nắm bắt tin tức, biết các mô hình hay và học tập lẫn nhau”.
Bà Trần Thị Dự (ấp 1, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ) xem việc học là chìa khóa để phát triển kinh tế gia đình
Bà Trần Thị Dự (ấp 1, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ) không ngừng học tập kiến thức về nông nghiệp qua những người có cách làm hay, hiệu quả tại địa phương; tivi, tạp chí, Internet,... để vận dụng vào thực tế trồng lúa, chanh, ớt của gia đình. Bà Dự cho biết: “Khi có các buổi hội thảo về khuyến nông, lớp tập huấn hay lớp dạy nghề gắn với nhu cầu, tôi đều tham gia. Từ những kiến thức được học, tôi vận dụng vào thực tế; đồng thời, theo dõi thường xuyên diễn biến của cây trồng để có sự điều chỉnh phù hợp”.
"Lần thứ 5 trong 5 năm liên tiếp (từ năm 2020), Công ty TNHH COBI CIF trao học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó hiếu học của tỉnh Long An. Đến nay, có 1.270 suất học bổng được trao tặng với tổng số tiền 4,8 tỉ đồng, kinh phí từ nguồn Quỹ Phát triển Châu Á. Qua những suất học bổng, tôi muốn chia sẻ khó khăn và động viên các học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực, quyết tâm hơn trong học tập để khám phá tri thức, chinh phục ước mơ”.
Chủ tịch Tập đoàn COBI, Chủ tịch Quỹ Phát triển Châu Á - Kim Joon IL phát biểu tại buổi lễ trao học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó hiếu học năm học 2024-2025 của Quỹ Phát triển Châu Á,
"Gia đình tôi có 2ha đất làm ruộng. Để sản xuất đạt hiệu quả, năng suất cao, tôi không ngừng học hỏi, nhất là những người có kinh nghiệm, áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên đọc các thông tin về khuyến nông trên Internet, từ đó trao đổi với mọi người, cùng nhau lựa chọn, đưa ra phương án phù hợp trước khi áp dụng vào thực tiễn”.
Ông Nguyễn Huy Phục (ấp 2, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ)
|
Xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập
Hiểu được chỉ có không ngừng học tập mới có thể mang lại những giá trị sống tốt đẹp, ông Đinh Văn Kiện và vợ là bà Huỳnh Thị Hết (ấp Nhơn Trị 2, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) quyết tâm nuôi dạy con ngoan, hiếu học để thành đạt. Hiện 3 người con trai của ông bà đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và thành công. Các cháu nội được ông bà động viên, nhắc nhở học tập bằng những câu chuyện, tấm gương gắn với thực tế của người thân trong gia đình. Gia đình ông cũng là gia đình học tập và thuộc Dòng họ học tập tiêu biểu, nhiều lần được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Đinh Văn Kiện và vợ (ấp Nhơn Trị 2, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) cùng xem lại những thành tích mà Dòng họ Đinh đạt được trong xây dựng Dòng họ học tập
Ông Kiện tâm sự: “Trước đây, tôi rất ham học nhưng vì điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, phải dừng lại ở lớp 12. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm cho các con học “đến nơi, đến chốn” bởi không muốn đời con khổ như đời mình và mong muốn trao “cần câu” cho con thay vì trao “con cá”. Không phụ lòng cha mẹ, các con tôi có tinh thần học tập tốt và anh em trong nhà thương yêu, giúp đỡ, hỗ trợ nhau”.
Cùng sự phát triển của xã hội ngày nay, ông Kiện tiếp tục việc học tập qua xem tivi, tra cứu thông tin trên Internet cũng như tham gia các lớp tập huấn, lớp dạy nghề nông thôn khi có điều kiện. Ông học không chỉ đáp ứng nhu cầu của bản thân mà còn làm gương cho con cháu, duy trì học tập suốt đời để không bị “bỏ lại phía sau” trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Gia đình ông Đinh Văn Kiện xây dựng Gia đình học tập tiêu biểu
“Ngoài làm gương cho con, cháu, tôi và vợ còn có những phần thưởng để động viên các cháu khi có thành tích học tập tốt. Đó là đồ dùng học tập, quần áo, món quà cháu thích, tiền thưởng,... Ngoài ra, dòng họ học tập Đinh có Quỹ Khuyến học riêng và tổ chức trao thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt hàng năm. Riêng những cháu là sinh viên được hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng/năm và trả dần sau khi tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Thông qua hoạt động khuyến học của gia đình cũng như dòng họ, các cháu được tiếp thêm động lực để học tập, trở thành những người có ích cho xã hội và thắp mãi “ngọn lửa” hiếu học của gia đình, dòng họ Đinh” - ông Kiện trải lòng.
Thông qua các hoạt động khuyến học, mọi người có cơ hội học tập suốt đời để cập nhật, tiếp thu kiến thức mới, từ đó truyền thụ và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống để phát triển kinh tế gia đình và làm giàu vốn hiểu biết./.
Với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời tại tỉnh diễn ra từ ngày 01 đến 07/10/2024. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời - một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công.
|
An Nhiên