Tiếng Việt | English

10/10/2018 - 11:18

Khuyến học Long An - Chặng đường 20 năm

Hội Khuyến học (HKH) tỉnh Long An được thành lập ngày 08/7/1998. Trong quá trình hoạt động, Hội ngày càng lớn mạnh, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, góp phần xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ.

Từ năm 2007 đến nay, Công ty 4 Oranges trao hơn 4.700 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học với tổng kinh phí trên 12 tỉ đồng

Từ năm 2007 đến nay, Công ty 4 Oranges trao hơn 4.700 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học với tổng kinh phí trên 12 tỉ đồng

Huy động toàn xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài

Từ những ngày đầu mới thành lập, Hội chỉ có hơn 500 hội viên (HV), đến nay qua 4 lần đại hội, phát triển lên 451.471 HV (chiếm 30,09% so dân số), trong đó có 36.988 HV là đảng viên sinh hoạt tại 2.606 tổ chức hội. Những năm qua, hội còn xây dựng tổ chức khuyến học ở các trường đại học, cao đẳng và mở rộng hoạt động đến các ấp, khu phố, tổ dân phố, cơ sở tôn giáo, cơ quan, trường học, doanh nghiệp,...

Từ nhiệm kỳ III đến nay, các cấp hội huy động 760 tỉ đồng, cấp học bổng, tặng quà cho hơn 1,7 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo, tôn vinh khen thưởng học sinh, sinh viên xuất sắc trên 368 tỉ đồng, trong đó có các quỹ khuyến tài, các hình thức học bổng 1&1, 1&n, n&n,… của các tổ chức, cá nhân đỡ đầu cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, điển hình như: Tập đoàn Himlam, Công ty TNHH 4 Oranges, Công ty Cổ phần Đồng Tâm, Ngân hàng  Bưu điện Liên Việt, Công ty Cổ phần Long Hậu, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty Đại Quang, Quân khu 7, Viettel… và nhiều tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân khác. Một số địa phương còn gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học như học bổng Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Siêu, Huỳnh Văn Một,…

Nhiều cơ sở tôn giáo chung tay chăm lo công tác khuyến học như Chùa Long Thạnh (Thủ Thừa) nuôi dưỡng, giáo dục hàng trăm trẻ em lang thang cơ nhỡ, mồ côi; Chùa Giác Hoa (Tân Thạnh), Chùa Hưng Long (Châu Thành)… cấp học bổng cho học sinh nghèo; Chùa Bửu Vân (Tân Trụ), Chùa Long Phước (TP.Tân An),… mở lớp dạy tin học, ngoại ngữ cho trẻ em nghèo... Bộ đội Biên phòng mở các lớp học tình thương cho con em Việt kiều Campuchia; chủ nhà trọ Duy Quý (Bến Lức) mở lớp học tình thương cho con em công nhân nghèo

Các đoàn thể chính trị - xã hội cũng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài với nhiều kết quả tích cực,… Ngoài ra, Hội còn vận động tiết kiệm trong từng gia đình, trường học với hình thức “Nuôi heo đất khuyến học”, huy động trên 60 tỉ đồng phục vụ cho việc học hay mô hình “Thanh long khuyến học”, “Cây chanh khuyến học”… góp phần thúc đẩy phong trào ở các địa phương.

Phong trào huy động nguồn lực xây dựng trường học, nhà công vụ cho giáo viên… được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo địa phương và Trung ương. Qua đó, huy động được trên 380 tỉ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường, nhất là ở vùng biên giới. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm, các cấp hội huy động trên 60 tỉ đồng cho quỹ khuyến học. Hiện quỹ khuyến học còn 48,6 tỉ đồng, trong đó, xã, phường, thị trấn quản lý 19,2 tỉ đồng; các huyện, thị, thành phố 23 tỉ đồng; Tỉnh hội 6,4 tỉ đồng.

Xây dựng xã hội học tập

HKH cùng ngành Giáo dục và đào tạo tham mưu UBND tỉnh xây dựng Trung tâm Học tập cộng đồng ở 100% xã, phường, thị trấn vào năm 2008 (trước kế hoạch 2 năm). Các trung tâm mở nhiều lớp bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, thực hiện các chương trình xóa mù chữ, chống tái mù chữ, phổ cập giáo dục bậc tiểu học, THCS. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại các trung tâm chưa bảo đảm, kinh phí hoạt động hạn hẹp, nên một số trung tâm hoạt động chưa thật sự hiệu quả.

HKH phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch khảo sát một số mô hình, sáp nhập trung tâm Học tập cộng đồng với Trung tâm Văn hóa; tham mưu UBND tỉnh hợp nhất Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng tại 192/192 xã, phường, thị trấn. Qua 5 năm hợp nhất, các trung tâm hoạt động theo chương trình, kế hoạch cụ thể, phát huy được mặt mạnh trong việc tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề cho lao nông thôn. Mỗi năm, các trung tâm huy động từ 500.000 đến 700.000 lượt người đến học tập các chuyên đề (chiếm hơn 50% dân số trong tỉnh). Cụ thể, từ năm 2010 đến 2017, các trung tâm đào tạo nghề cho 44.780 người, trong đó có 40.176 người có việc làm. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, có 152/192 trung tâm hoạt động tốt; 35 trung tâm hoạt động khá; còn lại thuộc diện trung bình và yếu kém.

Ngoài việc tổ chức học tập cho người lớn ở các trung tâm, phong trào tự học trong nhân dân phát triển thông qua các cuộc hội thảo đầu bờ, học qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet,… ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả; điển hình như nông dân Bùi Hữu Nghĩa (Thủ Thừa) tự học mài mò sáng tạo máy gặt đập liên hợp, máy sạ lúa, bón phân, phun thuốc trừ sâu,… hay nông dân Nguyễn Văn Sơn (Cần Đước) chế tạo máy chế biến tận dụng phụ phẩm làm thức ăn nuôi trồng thủy sản; máy hút côn trùng phá hoại mùa màng. Cả 2 điển hình trên đều được Trung ương HKH tuyên dương và nhận giải thưởng “Nhân tài đất Việt”. Gần đây, nông dân Nguyễn Văn Vĩnh (Mộc Hóa) sáng chế thành công thiết bị cung cấp khí phụ, giúp tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường được Hội đồng giải thưởng Trung ương thẩm định để xét trao giải. Những năm trước, có 2 nông dân Nguyễn Văn Biểu (Châu Thành) và Lê Văn Xê (Thủ Thừa) dù gần 70 tuổi vẫn nỗ lực học tập, thi vào Trường Đại học Nông Lâm, TP.HCM, tốt nghiệp, trở thành kỹ sư nông nghiệp.

Lớp học tình thương do chiến sĩ Ðồn biên phòng Tuyên Bình tổ chức

Lớp học tình thương do chiến sĩ Ðồn biên phòng Tuyên Bình tổ chức

Đến nay, toàn tỉnh công nhận 332.335 hộ đạt danh hiệu gia đình học tập (chiếm 88,62% tổng số hộ trong tỉnh); 237 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập (chiếm 94,80% dòng họ hiện có); 977 ấp, khu phố đạt danh hiệu cộng đồng học tập (chiếm 94,76% tổng số ấp, khu phố trong tỉnh); 732 cơ quan, trường học đạt danh hiệu đơn vị học tập (chiếm 91,27% tổng số đơn vị học tập xã quản lý). UBND các huyện, thị xã, thành phố công nhận 162/192 xã, phường, thị trấn đạt 15 tiêu chí theo Thông tư số 44 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đạt 84,37% tổng số xã, phường, thị trấn trong tỉnh). Tỉnh có kế hoạch hướng dẫn các cơ quan trường học, doanh nghiệp đăng ký thực hiện theo các tiêu chí để đến cuối năm 2018 hoàn thành việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn một số huyện. Như vậy, có thể đến năm 2019, Long An sẽ hoàn thành xã hội học tập ở cấp huyện

Từ ngày thành lập đến nay, HKH tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp các cấp, các ngành, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển, đổi mới của tỉnh; phát huy truyền thống hiếu học, noi gương hiếu học của những bậc tiền nhân trên quê hương Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”: Nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông; nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, giáo sư sử học Trần Văn Giàu; nhà trí thức yêu nước, luật sư, quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ,...

Thời gian qua, Hội thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác khuyến học, huy động toàn xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập./.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An - Phạm Thanh Phong

Chia sẻ bài viết