Tiếng Việt | English

29/08/2017 - 09:31

Khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ), ngày 02/9/2017

Kỳ 1: Bình Thành, căn cứ vùng bưng trấp, căn cứ lòng dân

Bình Thành là khu căn cứ cách mạng của tỉnh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là vùng đất trũng thấp có nhiều bưng trấp xen lẫn những giồng đất cao tạo nên địa hình khá phức tạp, được Tỉnh ủy chọn làm căn cứ lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi.


Đội nữ Văn công Long An biểu diễn văn nghệ tại căn cứ Bình Thành (Đức Huệ) phục vụ Chiến dịch Mậu Thân 1968

Từ kinh nghiệm Mớp Xanh (Bo Bo) đến Khu Đông Thành

Bình Thành là vùng đất nằm giữa 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với trung tâm là Giồng Ông Bạn, xuất hiện khá sớm từ năm 1867, là một trong những thôn xã của Tổng Cửu Cư Hạ, huyện Tân Long (nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), địa hình bưng biền xen lẫn những giồng đất cao có cư dân cư trú, lau, sậy, đưng, đế, năn, bàng, tràm,... mọc um tùm, có những trũng, bưng sâu sình lầy bập bềnh vùi lấp bất cứ những gì lọt vào trong nó mà địa danh trấp Rùng Rình vẫn còn lưu truyền trong dân gian.

Giao thông ở đây cực kỳ khó khăn, chỉ có thể đi bộ; những con rạch, kênh, mương biến thành những lối mòn nước sền sệt nhưng cũng không thể đi xuồng,... Ở đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện về đồng Chó Ngáp - một cánh đồng rộng lớn, hoang hóa, không xóm làng, nhà cửa, đầy lùm bụi thấp, gai gốc, gò nổng, sình trấp,... thường gọi là vùng Mỏ Vẹt (Ba Thu), phần lớn nằm trong huyện Đức Huệ, là gạch nối liền giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Khi các chiến sĩ giao liên đưa cán bộ, bộ đội băng qua đồng phải dùng chân trời, nơi có một vài đọt tràm vượt lên để định vị mà ước lượng độ xa gần của từng chặng đường, phải đi một mạch gần cả ngày trời mới có chỗ dừng chân. Một lần, có anh giao liên dẫn con chó theo cho có bạn trong chuyến giao liên trở về. Lúc khởi hành, con chó đi phía trước nhưng càng đi nó càng chậm dần, đến trưa thì lẫn trong đoàn người, cuối cùng thì tụt lại phía sau, vừa chạy theo vừa ngáp, mọi người quay lại nhìn, cười rộ lên. Rồi tiếng ngáp của nó thưa và nhỏ dần, cuối cùng là tiếng rên. Mọi người dừng lại. Tội nghiệp con chó, nó gục chết trên đường giao liên. Câu chuyện cảm động truyền đi trên khắp các nẻo đường giao liên ở Nam bộ và cũng từ đó, cánh đồng này được gọi là đồng Chó Ngáp. Những trấp Rùng Rình, đồng Chó Ngáp,... phản ánh sự hiểm địa và khắc nghiệt của vùng đất này.

Chính yếu tố địa lý ấy nên sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (11/1940), lực lượng khởi nghĩa ở Tân An, Chợ Lớn, Gia Định lên khu vực kinh Bo Bo, Mớp Xanh thuộc các làng: Thạnh Lợi, Bình Thành, Bình Hòa (Bắc Thủ Thừa), trấp Rùng Rình (làng Phong Phú, Mộc Hóa) tiếp tục bắt liên lạc với lực lượng của Cai Lậy, Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho) và bộ phận nghĩa quân của Chợ Lớn - Gia Định rút lên Truông Mít (Tây Ninh) trở về, thống nhất thành lập căn cứ Mớp Xanh (hay còn gọi căn cứ Bo Bo) trên địa bàn rộng khoảng 35km, dài 70km, nằm giữa 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, tiếp tục duy trì hoạt động, chuẩn bị khởi nghĩa lần hai.

Căn cứ gồm 6 “lõm” căn cứ, 1 căn cứ hoạt động vũ trang, có hẳn một “Ủy ban khởi nghĩa” với 5 tiểu ban giúp việc (tác chiến, tạo tác vũ khí, tuyên truyền báo chí, y tế và tiếp tế) và cơ quan tòa án để duy trì kỷ luật. Cuối tháng 3/1941, Xứ ủy chủ trương giải thể căn cứ do chưa đủ điều kiện khởi nghĩa lần hai nhưng lực lượng vẫn phân tán về bám các địa phương hoạt động, xây dựng cơ sở chuẩn bị cho giai đoạn cách mạng mới.

Căn cứ Mớp Xanh (Bo Bo) dù tồn tại sau 4 tháng hoạt động, diệt 68 tên địch, trong đó có 17 tên có tội ác nghiêm trọng, làm bị thương 70 tên, thu 30 súng các loại, làm cho Pháp và tay sai mất ăn, mất ngủ, làm tiền đề chuẩn bị cho giai đoạn tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và là kinh nghiệm quý báu về xây dựng căn cứ kháng chiến về sau này.

Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, báo hiệu cuộc xâm lược nước ta lần hai. Các cơ quan cấp Nam bộ theo chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy lâm thời, rút về vùng Bình Hòa, quận Thủ Thừa (nay thuộc ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ), đến tháng 5/1946, Pháp càn vào Bình Hòa, các cơ quan và các đơn vị bộ đội rút về vùng Bắc Chan, quận Mộc Hóa, đến tháng 7/1946 thì rút về khu vực kinh Dương Văn Dương.

Dù vậy, các xã Bắc Thủ Thừa (Thạnh Lợi, Bình Thành, Bình Hòa, Mỹ Thạnh, Mỹ Quý) do vị trí hành lang nối liền Đông Nam bộ và Đồng Tháp Mười nên cuối năm 1946, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ quyết định thành lập Khu Đông Thành, là căn cứ của Bộ Tư lệnh Khu 7 (do Trung tướng Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng), lực lượng vũ trang chủ lực của khu, Trường Quân chính, Công binh xưởng và các ban, ngành khác của khu bộ, địa phương,...

Đến đầu năm 1948, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình được rút về Bộ Tư lệnh Nam bộ và Bộ Tư lệnh Khu 7 cũng rời khỏi Khu Đông Thành nhưng các cơ quan cấp tỉnh của tỉnh Chợ Lớn: Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến, Tỉnh đội, Ty Công an, Trường Đảng, Ty Y tế, Trường Quân chính, các đoàn thể, Công binh xưởng, nhà in, Ty Thông tin, đài thu phát vô tuyến điện, Trại giáo hóa cải tạo,... vẫn đóng ở đây.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, khu Đông Thành, rồi huyện Đông Thành (1949), huyện Đức Hòa Thành (1951), từ một vùng đất hoang vu trở thành trung tâm kháng chiến, thu hút cả đồng bào ở vùng địch tạm chiếm, góp phần vào thắng lợi chung.

Biểu hiện sáng tạo về xây dựng căn cứ cách mạng thời chống Mỹ

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), trước tình hình chế độ Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp các giáo phái thân Pháp như Bình Xuyên, Cao Đài,... và tăng cường khủng bố lực lượng cách mạng miền Nam, những người kháng chiến cũ, Xứ ủy Nam bộ chủ trương “điều lắng”. Bình Thành với vị trí gần và có mối quan hệ khăng khít với Sài Gòn, tiếp giáp giữa miền Tây và Đông Nam bộ, vừa có thể liên kết với chiến khu Đồng Tháp Mười và chiến khu vùng rừng già Đông Nam bộ, vừa là nơi trú đóng, vừa có thể đưa lực lượng chính trị, vũ trang thọc sâu vào sào huyệt của địch khi có thời cơ; mặt khác, người dân nơi đây vốn có truyền thống cách mạng của vùng đất căn cứ từ những năm 1940, nên từ năm 1955, một số cán bộ, đảng viên của Tân An, Chợ Lớn lên vùng biên giới “Mỏ Vẹt” sống bất hợp pháp theo từng nhóm. Đến khi Tỉnh ủy có chủ trương đưa cán bộ lên biên giới vào cuối 1956 thì Bình Thành là 1 trong 2 nơi tập trung cán bộ cốt cán của các tỉnh.

Tháng 8/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn, do đồng chí Huỳnh Châu Sổ làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần) làm Phó Bí thư. Với tư duy sáng tạo, sự hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên, con người, về tương quan lực lượng giữa ta - địch và với kinh nghiệm về xây dựng căn cứ kháng chiến ở đây, Tỉnh ủy Long An xây dựng Bình Thành - Đức Huệ thành căn cứ Tỉnh ủy với các cơ quan: Văn phòng Tỉnh ủy, Quân sự (do đồng chí Huỳnh Công Thân phụ trách), Tuyên huấn đảm nhận công tác thông tin, báo chí, binh vận, hậu cần, quân y,... Các cơ quan có lúc đóng trong nhà dân, có lúc cất chòi tranh ở trong vùng trấp, sậy,... Ở căn cứ còn có một hệ thống kinh đào giao thông - vận tải làm nhiệm vụ hành lang chiến lược nối liền Đồng Tháp Mười với miền Đông Nam bộ.

Càng về sau, các ngành: Hậu cần, Quân y, Quân trang, Quân giới, Văn hóa, Giáo dục trong khu căn cứ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Người dân trở về càng nhiều, tham gia sản xuất, đấu tranh, xây dựng căn cứ, xây dựng làng xã chiến đấu, vận chuyển lương thực, vũ khí, dân công,...

Từ năm 1965 đến 1975, hàng trăm ngàn dân công được huy động đào tuyến kênh dọc biên giới dài 25km làm chướng ngại bảo vệ căn cứ, vận chuyển vũ khí từ biên giới về phía Nam của tỉnh. Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, hàng trăm lượt người dân vùng căn cứ đi dân công vận chuyển vũ khí và các phương tiện khác từ Ba Thu vào vùng ven Sài Gòn phục vụ chiến dịch.

Địch bắt đầu đánh phá ác liệt, nhất là từ cuối năm 1965, khi quân viễn chinh Mỹ vào chiến trường miền Nam với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng ta linh hoạt né tránh, thay đổi địa điểm trú đóng, bám dân, bám đất, tiếp tục mở rộng vùng căn cứ đến các xã: Bình Hòa Nam, Thạnh Lợi, ven sông Vàm Cỏ Đông, phát triển phong trào quần chúng đến các huyện, xã trong tỉnh.

Không thể xác tích nhưng chỉ trên diện tích 90ha khu vực căn cứ xưa, khi chiến tranh đi qua hơn 40 năm mà còn di tích của 51 hố bom, mỗi hố bom có đường kính 6-7m, sâu 2-3m cho thấy sự ác liệt như thế nào. Trong thời gian này, người dân ở Khu Hội đồng Sầm (xã Bình Hòa Bắc) phải đào địa đạo để bám trụ căn cứ, ủng hộ cách mạng,... gọi là Xóm Công đoàn. Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy trong việc cơ động, linh hoạt, sự đùm bọc, che chở và hy sinh của nhân dân, căn cứ Bình Thành đứng vững trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Để có được điều đó, đồng thời, với sự hiểu biết sâu sắc về địa thế và con người nơi đây, Tỉnh ủy Long An giải quyết một cách hợp lý mối quan hệ tương hỗ giữa bám trụ vùng căn cứ và phong trào đấu tranh cách mạng trên toàn tỉnh. Đó là căn cứ lớn mạnh, mở rộng sẽ tác động tích cực đến phong trào cách mạng địa phương, ngược lại, khi ta phát động mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị - quân sự buộc địch phải tập trung đối phó, không thể rảnh tay để đánh phá căn cứ. Đó là sự kế thừa truyền thống và kinh nghiệm lịch sử quý báu, phát huy tư duy sáng tạo về xây dựng căn cứ địa trên vùng đồng bằng, bưng trấp và dựa vào dân.

Từ căn cứ này, Tỉnh ủy lãnh đạo, đề ra những chủ trương, biện pháp, đưa phong trào cách mạng trên toàn tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của địch trong từng giai đoạn lịch sử, tiến tới thắng lợi hoàn toàn với những sự kiện, những dấu son, tên đất, tên người đi vào lịch sử./.

Nguyễn Tấn Quốc
(còn tiếp)

Kỳ 2: Bình Thành, những sự kiện đi vào lịch sử

 

Chia sẻ bài viết