Nghệ nhân thư pháp Huỳnh Long đang thể hiện một bức thư pháp
1. Thư pháp (Calligraphy) là bộ môn nghệ thuật xưa kia chỉ có trong chữ Hán (Nho) và Nôm ở nước ta. Theo tư liệu, ban đầu do ở Trung Hoa có các văn nhân hay chữ và viết chữ đẹp ngẫu hứng phóng bút đề thơ, thảo ra những nét chữ rồng bay phượng múa để rồi qua nhiều bàn tay tài hoa nâng lên thành bộ môn thư pháp, một nghệ thuật thanh tao làm đẹp tâm hồn.
Theo sách “Thư pháp chữ Việt nhập môn” của Nguyễn Bá Hoàn thì bộ môn thư pháp ra đời ở Trung Hoa cách nay trên 3.000 năm. Vương Hy Chi (303-370) là một nhà thư pháp lỗi lạc được người đương thời suy tôn là bậc thánh thư với 2 lối chữ thảo thư và hành thư sáng tạo nên 2 tác phẩm để đời là Thảo thư tân thế tự và Lan Đình thi tập đạt tới độ uyên ảo tinh kỳ. Cũng theo sách này, thư pháp xuất hiện ở Nhật Bản cách nay khoảng 1.200 năm do nhà sư Kobo Daishi (774-835) khai sáng.
Còn ở Việt Nam, chưa rõ thư pháp được du nhập năm nào và do ai, song thư pháp chữ Hán do người Việt thủ bút thịnh hành nhất là vào thời Lý - Trần và Hậu Lê thể hiện qua bia đá ở chùa Báo Ân khắc năm 1126 và bia đá ở chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng (thời Lý), hay qua bút tích của danh sĩ Phạm Sư Mạnh ở động Kinh Chủ (tỉnh Hải Dương, thời Trần). Vua Lê Thánh Tông và vua Lê Cảnh Hưng, chúa Trịnh Sâm và các danh sĩ như Cao Bá Quát, và cả chí sĩ Phan Bội Châu,... là những nhà thư pháp lỗi lạc ở nước ta.
“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Trên phố đông người qua”... (Vũ Đình Liên) đó là thời chữ Hán còn thịnh hành ở nước ta. Ngày Tết Cổ truyền, người xưa hay tìm đến các thầy đồ hoặc những người hay chữ để xin chữ. Cụ Tam nguyên Yên Đỗ - Nguyễn Khuyến rất được người đương thời đến xin chữ, và cụ sẵn sàng cho chữ bất cứ ai dù là hàng tiện dân hay quý tộc.
Còn nói về thư pháp đương đại, phải nói tới nhà thư pháp lỗi lạc cụ Lê Xuân Hòa ở Hà Nội. Cụ Hòa được nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương và các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ đến xin chữ. Được cụ cho một chữ Nhẫn, chữ Tâm hay chữ Đức chẳng hạn để lồng khung kính treo ở phòng khách nhà mình hoặc ở chỗ làm việc để mỗi lần nhìn chữ đó rồi nhìn lại mình mà tự vấn lòng đã xứng đáng chưa để tu thân thì tốt lắm.
1 trong những bức thư pháp của Huỳnh Long
Tác giả Nguyễn Bá Hoàn cho rằng, bản thân mỗi chữ Hán với những nét chấm, phẩy, ngang, sổ, khung, mác... hợp thành. Qua 10 cách viết thể hiện đường nét: Ức (nhấn xuống), Dương (nâng lên), Đồn (dè dặt), Tỏa (hạ xuống), Trì (chậm trễ), Tốc (nhanh chóng), Hòa (thả lại), Khẩn (gấp gáp), Khinh (nhẹ), Trọng (nặng) kết hợp với những nét chấm phá bay bổng, thanh thoát trong việc diễn cảm ý tưởng chủ đề. Hèn chi, thường thấy mỗi khi nhà thư pháp ngồi vào chiếu hay bàn viết với nghiên mực xạ và cây bút lông cùng tờ giấy hoặc tấm lụa, là thần thái như đắm chìm với cảm thức tư duy cao độ, rồi tập trung thần trí, dồn cả tâm lực vào nhiếp tâm trong lúc khai bút, phóng bút bằng một trạng thái tâm cảm tinh tế; “tâm cảm tinh tế buông thả theo khí lực khiến tâm thần chuyển xuất, nó sẽ hiện hữu linh động lượn múa bay bổng phiêu diêu trên đầu ngọn bút” (Nghệ thuật của thư pháp - Nguyễn Bá Hoàn - Xưa&Nay, tháng 7-2000).
2. Chiều cuối năm rồi, 2 anh em nhà thư pháp Huỳnh Triều và Huỳnh Long (hậu duệ nhiều đời của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức ở Khánh Hậu, TP.Tân An) đến cà phê với tôi. Hai anh cho biết vừa dự lễ bế giảng lớp nhập môn thư pháp tại chùa Long Thạnh (Thủ Thừa). Lớp học dưới sự bảo trợ của chùa và Trường Tiểu học, THCS và THPT Bồ Đề Phương Duy tổ chức cho vài chục học sinh (mồ côi, con vô thừa nhận, nghèo khó, được nhà chùa nuôi, cho ăn học) mà 2 anh trực tiếp giảng dạy.
“Tụi tôi phải hướng dẫn cho các em từng nét bút cơ bản về nghệ thuật viết thư pháp, lại còn chỉ dạy các em cách làm câu đối và khuyên các em nên học thuộc lòng các câu ca dao, tục ngữ... và những lời giáo huấn làm người để khi thể hiện các em nhập tâm và viết bằng sự rung động từ cái tâm đầy cảm xúc của mình”, anh Huỳnh Triều nói. Anh kỳ vọng, sau khóa học, các em có thể làm “ông đồ vỉa hè” để cho chữ và bán chữ (khắc chữ thư pháp trên vỏ trái dưa hấu để bán cho người mua đem về chưng trên bàn thờ ngày tết).
3. Chữ quốc ngữ dùng cho nghệ thuật thư pháp có được không? Đây là vấn đề còn đang bàn cãi. Theo anh Huỳnh Triều, ở Nam bộ, người viết thư pháp bằng chữ Việt đầu tiên là thi sĩ Đông Hồ (người Hà Tiên, Kiên Giang). Không rõ có đúng vậy chăng? Còn tác giả Nguyễn Bá Hoàn thì viết: “Thư pháp chữ Việt xuất hiện tại nước ta vào những năm 1955-1960, ban đầu do vài cá nhân thực hiện. Trong đó, có thể kể đến Nam Giang và Vũ Hối, được xem là những người khai sáng ra bộ môn thư pháp chữ Việt. Sau này có thêm Trụ Vũ, Song Nguyên, Chính Văn, Nguyệt Đình, Thiên Chương; phái nữ có Sư cô Y Sa (Thích Nữ Khiết Viên), Tuyết Nhung”...
Tuy nhiên, qua các phương tiện truyền thông, cho thấy dịp Tết Bính Thân vừa qua, các “phố ông đồ” ở Hà Nội và các CLB Thư pháp (chữ Hán và chữ Việt) ở TP.HCM hoạt động khá nhộn nhịp, thì rõ ràng thư pháp chữ Hán và chữ Việt vẫn đang đồng hành, có sức sống với người ưa thích. Với tác giả Nguyễn Bá Hoàn thì: Những người viết thư pháp chữ Việt “hiếm người thành công, kết quả cùng lắm chỉ tạo nên những bức tranh chữ”. Ấy là do chữ Quốc ngữ - từ các mẫu tự La-tinh hợp thành qua các giáo sĩ phương Tây và các thế hệ người Việt kế thừa làm cho ngữ pháp trong sáng và phong phú đến hoàn chỉnh.
Dù sao, một khi đã được công chúng đón nhận, thiết nghĩ cần nhất là nâng cao chất lượng để nó trở thành tác phẩm nghệ thuật thư pháp “có hồn”. Cũng phải công nhận: Thư pháp chữ Việt góp phần làm cho đời sống tinh thần của người Việt đẹp hơn qua những câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ, những danh ngôn, câu thơ ca ngợi tình người, ngợi ca tính chiến đấu, tinh thần quật khởi, tính nhân văn, nhân đạo như: Đạo làm người, đạo làm con, đạo vợ chồng, đạo thầy trò,... mà bấy lâu chỉ thấy trên các hoành phi, liễn, đối, trướng... chữ Hán, chẳng phải ai cũng đọc được.
Trong lúc chữ Hán - Nôm đã lùi về quá khứ, thiết nghĩ cần lắm những bức thư pháp chữ Việt dễ đọc, dễ chuyển tải “lời vàng ý ngọc” giáo huấn con người có đời sống tinh thần ngày càng thêm tốt hơn thì đáng trân quý biết bao./.
Quang Hảo